.

Thí điểm đánh giá công chức theo kết quả làm việc: Tốt hay kém đều lộ rõ

.

(ĐNĐT) - Phân nhóm đối tượng công chức theo chức trách, nhiệm vụ ứng với tiêu chí đánh giá có tính định lượng cụ thể, kết quả làm việc của công chức được đánh giá theo mô hình mới ngày càng thực chất hơn.

Nguồn: Khảo sát thí điểm mô hình đánh giá kết quả làm việc của công chức tại thành phố Đà Nẵng tháng 10/2012 và tháng 9/2011 của Sở Nội vụ
Khảo sát thí điểm mô hình đánh giá kết quả làm việc của công chức tại thành phố Đà Nẵng tháng 10-2012 và tháng 9-2011 của Sở Nội vụ

Đó là kết quả ban đầu được Sở Nội vụ Đà Nẵng rút ra sau 3 tháng thực hiện thí điểm mô hình đánh giá kết quả làm việc của công chức tại 7 sở, ngành và 3 UBND quận trên địa bàn thành phố.

Tại hội thảo sơ kết thí điểm thực hiện mô hình này tổ chức sáng ngày 24-11, Sở Nội vụ công bố các kết quả ban đầu. Mô hình đổi mới đánh giá kết quả làm việc của công chức được thực hiện theo chủ trương của Bộ Nội vụ và UBND thành phố Đà Nẵng từ tháng 7-2012.

Không còn 100% đều đạt loại tốt

Trình bày báo cáo tại hội thảo, ông Đặng Công Ngữ cho biết: Nếu như trước đây "ông tướng" và anh "binh nhì" đều sử dụng chung một tiêu chí chung chung nên đánh giá công chức thường nặng về cảm tính, thiếu khách quan, thiếu chính xác. Áp dụng bộ tiêu chí mới, quy trình mới cùng với phần mềm cho điểm, đánh giá này có tính chất khách quan và mức độ chính xác tiến gần tới thực chất hơn.

"Nếu như trước đây, thường thì lãnh đạo hầu như đánh giá 100% công chức thuộc quyền đều tốt cả, nay thí điểm đổi mới thì chỉ có 59,65% đạt loại tốt so với cách làm hiện nay là 88,1%. Theo mô hình thí điểm thì dễ phát hiện ra công chức yếu kém và tỷ lệ công chức yếu kém cũng cao hơn so với cách đánh giá theo quy định hiện hành theo Quyết định 7786/QĐ-UBND (ban hành ngay 8-11-2006)", ông Ngữ nói.

Việc lựa chọn 600 công chức của 10 đơn vị hành chính, chiếm 1/3 tổng số công chức của thành phố để làm thí điểm đổi mới đánh giá kết quả làm việc của công chức cũng đủ để khẳng định quy trình, phương pháp của mô hình thí điểm ưu việt hơn quy định hiện hành.

 Ông Đinh Duy Hòa phát biểu: Đà Nẵng làm thí điểm cho cả nước
Ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ: "Đà Nẵng làm thí điểm cho cả nước".

Đồng tình với kết quả sau 3 tháng thực hiện thí điểm mô hình mới, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, khẳng định cách cũ trước đây để cả năm mới đánh giá một lần thì lãnh đạo không nhớ hết được những kết quả công việc của công chức đã làm. Mặt khác, kết quả đánh giá lại phụ thuộc vào tâm lý vui hay buồn lúc đó của lãnh đạo. "Sẽ có anh bị thiệt thòi nếu đến lúc đánh giá kết quả làm việc của công chức mà lãnh đạo lại đang bực bội vì những việc khác", ông Chương nói.

Ông Huỳnh Cự, Phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, cũng bày tỏ đồng tình: Cách đánh giá kết quả việc làm theo mô hình thí điểm đã khuyến khích tính tự giác, tính tích cực làm việc của công chức. Bởi chấm điểm, đánh giá xếp loại được tiến hành hàng tháng trên cơ sở khối lượng và kết quả công việc được giao cụ thể. Nếu công chức không hoàn thành hoặc không đảm bảo về chất lượng sẽ ảnh hưởng ngay đến thành tích của bản thân.

Ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đánh giá cao kết quả mô hình thí điểm của Đà Nẵng. "Đà Nẵng đang thí điểm cho cả nước để xây dựng hệ thống vị trí việc làm và cơ cấu công chức, đổi mới nội dung và phương thức đánh giá công chức trên cơ sở vị trí việc làm và kết quả công việc theo tinh thần Nghị quyết 30/NQ-CP năm 2011 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 do Chính phủ ban hành", ông Hòa nhận xét.

Sẽ đánh giá cả giám đốc sở

Tuy nhiên, mô hình thí điểm mới mẻ nên còn một số nội dung hội thảo đánh giá cần tiếp tục hoàn thiện cho kết quả đánh giá sát hơn với thực chất kết quả làm việc của công chức. Việc lấy ý kiến đánh giá của tập thể còn mang tính hình thức. Ở những đơn vị hành chính có đông người như Văn phòng UBND quận thì công chức này khó nắm hết được nhiệm vụ của đơn vị cũng như biết được hiệu quả làm việc của công chức khác như thế nào. Chỉ những đơn vị có quy mô số công chức từ 10 người trở xuống thì đánh giá rất sát. Chính vì vậy, vẫn còn 20,3% đến 23,2% công chức trả lời phiếu khảo sát rằng chưa công bằng, khách quan.

Theo đại diện UBND quận Liên Chiểu, việc đánh giá kết quả làm việc của công chức một sở tương đối thuận lợi do chỉ có một mảng công tác chuyên ngành, nhưng với quận, huyện thì rất nhiều phòng chuyên môn lại chịu sự chỉ đạo của lãnh đạo ngành dọc. Áp dụng chung mô hình thí điểm cho cả quận thì khó đạt mức độ khách quan, thực chất, do đó cần có bộ tiêu chí phù hợp với công chức ở quận, huyện.

Ông Hồ Phó, Phó Giám đố Sở NN&PTNT thành phố, cho rằng việc một công chức đánh giá lãnh đạo sở của ông rất khó do có những công chức chẳng mấy khi gặp lãnh đạo và cũng không biết công việc của lãnh đạo làm như thế nào. Tương tự, đại diện UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng phản ánh: Nếu yêu cầu Chủ tịch UBND quận đánh giá một công chức ở một phòng chuyên môn thuộc UBND quận thì cũng không khả thi, vì ông này không thể biết tường tận công chức này làm việc như thế nào.

Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Ngữ đồng tình cần phải cải tiến nhiều mô hình đổi mới đánh giá kết quả làm việc của công chức. Ông đề nghị, 10 đơn vị làm thí điểm tiếp tục thực hiện mô hình này sau khi sở Nội vụ hoàn thiện quy trình, bộ tiêu chí, thang điểm đánh giá. Ông Ngữ cũng cho biết sẽ tham mưu cho UBND thành phố đưa nội dung đánh giá cả giám đốc sở, ngành và tương đương vào đối tượng đánh giá của mô hình này.

Mô hình đổi mới đánh giá kết quả làm việc của công chức được tiến hành thí điểm tại 10 đơn vi từ tháng 7-2012. Hơn 600 công chức được chia thành 4 nhóm: trưởng phòng (tương đương), phó giám đốc sở (tương đương), công chức tham mưu tổng hợp; công chức hỗ trợ, phục vụ.

Nội dung đánh giá gồm: Mức độ hoàn thành công việc; chấp hành nội quy đơn vị, pháp luật của Nhà nước; tinh thần trách nhiệm và kết quả phối hợp công tác; điểm thưởng (nếu có). Quy trình đánh giá: công chức tự đánh giá, cấp trên trực tiếp đánh giá, đánh giá chéo trong tập thể, hội đồng đánh giá.

Bài và ảnh: Sơn Trung
 

;
.
.
.
.
.