.

Thống đốc "đẩy" trách nhiệm xử lý nợ xấu cho Bộ Xây dựng

.

Cho rằng Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đủ nguồn lực xử lý nợ xấu, nhưng theo Thống đốc, cần nhất vẫn là tiêu thụ bất động sản bởi 66% dư nợ đang được bảo đảm bằng nhà, đất.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ không cho nhập thêm vàng. Ảnh: TTXVN
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ không cho nhập thêm vàng. Ảnh: TTXVN

Mối quan tâm lớn của các đại biểu dành cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong phiên chất vấn sáng nay 13-11 là nợ xấu, thị trường tiền tệ, vàng và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Thống đốc Bình cho biết đến 30-9, nợ xấu theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là 8,82% - gần gấp đôi so với con số "tự kiểm điểm" của các nhà băng. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng theo ông Nguyễn Văn Bình đạt khoảng 2,7 triệu nghìn tỷ đồng. 73% số dư nợ này có tài sản đảm bảo và trong đó, hơn 66% được đảm bảo bằng bất động sản. Trên cơ sở đó, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng để xử lý được nợ xấu cần phải giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm ở thị trường bất động sản - mà phần việc này Bộ Xây dựng có vai trò quan trọng.

Ông Bình tự cho rằng đã kiểm điểm lại năng lực tài chính để xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước cũng như hệ thống ngân hàng thương mại và thấy "có đủ nguồn vốn để làm". "Nhưng cơ bản là phải giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm. Muốn thế phải có người mua, người ta phải mua được nhà. Trước chủ yếu bất động sản phục vụ cho giới kinh doanh, đầu cơ, làm giá. Nay làm sao đưa được đến đúng người sử dụng", ông Nguyễn Văn Bình phân tích. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng "lấn sân" khi chê trách cơ cấu xây dựng nhà đất (về mặt diện tích và giá cả) chưa phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), tại sao nợ xấu lại quá lớn như vậy, Thống đốc Nguyễn Văn Bình "xin báo cáo thật" rằng: "Khi thanh tra thì chúng tôi thấy nhiều ngân hàng, đặc biệt là tổ chức tín dụng cổ phần nhỏ kém thì chất lượng tín dụng hết sức nguy hiểm. Có tổ chức báo cáo nợ xấu chỉ 1-2%, rõ ràng hơn thì trên 3% nhưng thanh tra kiên quyết thì nợ xấu lại lên vài chục phần trăm".

 
Có tổ chức báo cáo nợ xấu chỉ 1-2%, rõ ràng hơn thì trên 3% nhưng thanh tra kiên quyết thì nợ xấu lại lên vài chục phần trăm
 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình

Để xảy ra nợ xấu, theo ông, trách nhiệm này trước hết là của các tổ chức tín dụng. "Họ thậm chí phải dùng luôn vốn tự có, vốn điều lệ để đi xóa nợ. Lúc đó, các cổ đông phải chấp nhận bán tài sản để xử lý nợ xấu", ông Bình nói. Ngoài các nhóm nguyên nhân từ bản thân các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp đi vay vốn, cơ chế chính sách vĩ mô, ông cũng thừa nhận có nhóm nguyên nhân do bộ phận Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước chưa làm hết khả năng.

Hiện tự các ngân hàng đã xử lý được 12.000 tỷ đồng từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. "Riêng trích lập dự phòng rủi ro mới đã tăng 14.000 tỷ. Với nợ xấu theo các tổ chức tín dụng báo cáo là 4,93%, đến nay số đã trích lập được chiếm từ 2,5-3% nợ xấu. Như vậy chúng ta có thể làm cho nợ xấu chững lại, không gia tăng", ông khẳng định.

Tại phiên đăng đàn lần này, ông Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận tính thanh khoản của hệ thống và nền kinh tế "còn hết sức mỏng, bấp bênh, tôi chưa dám dùng từ vững chắc". Năm 2011, tỷ lệ sử dụng vốn huy động được trong hệ thống của nhiều ngân hàng cao hơn 100%, nên thiếu thanh khoản, dễ đổ vỡ. Theo ông Bình, tỷ lệ này năm nay khoảng 93-96% trong khi các nước quốc tế chỉ khoảng 60-70%.

"Trong hơn 100 tổ chức tín dụng Việt Nam, thường xuyên hàng ngày có 50 tổ chức sử dụng vốn vượt đồng vốn họ huy động được. Từ đó tạo ra áp lực với lãi suất rất lớn", ông Bình thừa nhận.

“15 tỷ USD nằm bất động ở vàng”

Vì sao và làm sao xử lý được chênh lệch giá vàng trong nước so với giá thế giới, huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ nền kinh tế... là những câu hỏi được nhiều đại biểu tập trung chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Như nhiều lần trả lời vừa qua, Thống đốc Bình tiếp tục nhấn mạnh đến nguyên do thay đổi trong chính sách quản lý thị trường vàng, đặc biệt là về môi trường pháp lý.

 
300 tấn thì đã có khoảng 15 tỷ USD, nằm bất động ở vàng. Hay chúng ta vẫn thường nói là một nguồn lực bị chôn vùi
 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình

Theo ông, trước đây, mỗi khi giá vàng trong nước biến động, gây ra nhiều biến động kinh tế vĩ mô, thể hiện qua biến động tỷ giá. Chênh lệch giá vàng chỉ cần 400.000 đồng/lượng cũng đã đủ để tạo hiện tượng đầu cơ, buôn lậu lớn.

Trước khi Nghị định 24 có hiệu lực (25-5-2012) thì mỗi năm có khoảng 10 - 30 tấn vàng nhập lậu, theo số liệu từ Thống đốc, ứng với khoảng 0,5 - 1,5 tỷ USD. Các đối tượng gom ngoại tệ trên chợ đen, làm tỷ giá chợ đen tăng cao, tỷ giá thị trường chính thức cũng tăng theo, dẫn đến biến động xuất nhập khẩu và gây bất ổn vĩ mô.

“Nước ta còn nghèo, đổ nhiều mồ hôi để có được một đồng ngoại tệ, lại được dùng cho mục đích như vậy. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, nhập siêu những năm qua rất lớn, tỷ giá biến động như vậy làm đội giá hàng nguyên liệu nhập khẩu, làm đội giá sản phẩm và gây lạm phát cao”, Thống đốc nói.

Ông cũng tái khẳng định quan điểm rằng, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới nhưng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô; nhà nước không cấm kinh doanh vàng như kinh doanh phải có điều kiện, cũng không khuyến khích. “Vàng không thuộc diện bình ổn giá”.

Về giải pháp huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế, Thống đốc ước tính hiện có khoảng 250 - 400 tấn vàng nằm trong dân, nhưng đó không phải là vàng tự sản xuất ra mà chủ yếu phải bỏ ngoại tệ để nhập về. “300 tấn thì đã có khoảng 15 tỷ USD, nằm bất động ở vàng. Hay chúng ta vẫn thường nói là một nguồn lực bị chôn vùi”, Thống đốc Bình đặt vấn đề.

Để khai thác nguồn lực này, theo ông, trước hết là phải ngăn chặn tình trạng “chôn vùi” đó không tăng lên nữa, không tăng vàng hóa nữa, và phải làm sao cho nó giảm đi, hay như cách nói của một số người là “nung chảy” nó ra thành tiền đồng.

Theo VnExpress, VnEconomy

;
.
.
.
.
.