.

Thủ tướng “không xin, không thoái thác nhiệm vụ được giao”

.

Sáng nay (14-11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Giải pháp khắc phục các hạn chế, yếu kém thời gian qua là nội dung chính mà các đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ trả lời.

Thủ tướng: “Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như những gì tôi đã làm suốt 51 năm qua”.
Thủ tướng: “Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như những gì tôi đã làm suốt 51 năm qua”.

Là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương “xin mạnh dạn được hỏi Thủ tướng” rằng: Trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã nhận trách nhiệm, nhận lỗi về tất cả những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của Thủ tướng, thật sự rất là tiêu biểu, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ. Vậy xin Thủ tướng cho biết những biện pháp, giải pháp chủ yếu gì để Chính phủ khắc phục những hạn chế, yếu kém một cách có hiệu quả?

Cùng với nội dung trên, đại biểu Dương Trung Quốc phân tích và đặt ra những yêu cầu đáng chú ý.

Theo ông Dương Trung Quốc, trước kỳ họp, toàn dân được chứng kiến các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, trong đó có Thủ tướng đã có lời xin lỗi và xin Trung ương Đảng kỷ luật. Còn tại Quốc hội, Thủ tướng chỉ xin lỗi về trách nhiệm chính trị liên quan đến một số tập đoàn kinh tế mà thôi.

“Điều này khiến người dân đặt câu hỏi, dường như Thủ tướng xem nhẹ trách nhiệm trước dân hơn trước Đảng. Dẫu sao việc Thủ tướng có lời xin lỗi trước Quốc hội cũng là một điều đáng ghi nhận, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử. Nhưng nhìn ở góc độ khác thì xin lỗi là một hành vi văn văn rất đáng khích lệ trong dân, từng được giới hạn trong mối quan hệ giữa bộ máy công quyền với nhân dân”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Ông cũng dẫn một ví dụ rằng, không thể chỉ xin lỗi việc chậm trễ giờ bay của ngành hàng không mà bỏ qua những chế tài xử phạt đã quy định nếu gây thiệt hại cho khách hàng. Khách nước ngoài người ta gọi hàng không nước ta là “Sorry Airlines” là vì thế.

Và vị đại biểu này đưa ra khuyến nghị: “Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật chứ không chỉ là lời xin lỗi. Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu của Chính phủ hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, thay bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện tại là văn hóa từ chức với một lộ trình để các quan chức của ta từng bước làm được cái điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm”.

Dẫn lại lịch sử, đại biểu Dương Trung Quốc nói: “Xin nhắc lại rằng, xa xưa các cụ nhà ta coi việc cáo quan hồi hương là một cách giữ tiết tháo. Đảng ta cũng từng có một vị Tổng bí thư, người có công lớn trong Cách mạng Tháng 8, sau khi nhận trách nhiệm chính trị về những sai lầm trong cải cách ruộng đất 1956 đã từ chức và tiếp tục phấn đấu để rồi ba thập kỷ sau trở lại với cương vị Tổng bí thư, kịp góp phần khởi động công cuộc đổi mới”.

Câu hỏi mà ông đặt ra là: “Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với dân? Thủ tướng có tán thành khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ hướng tới một văn hóa từ chức, để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?”.

Trong nội dung chất vấn khác, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng nêu lại, trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng đã nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, điển hình như Vinashin, Vinalines… được cử tri cả nước hoan nghênh.

Tuy nhiên, theo ông, cử tri cho rằng Thủ tướng đã nhận lỗi nhưng các giải pháp khắc phục hậu quả chưa rõ. Và có cử tri nói: “Cử tri thì rất bức xúc, Chính phủ thì rất quyết liệt, nhưng mọi việc thì vẫn như cũ”.

Để khắc phục những yếu kém trong chỉ đạo điều hành nền kinh tế, trong kiểm tra giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đại biểu Thuyền hỏi, Thủ tướng có giải pháp gì mang tính đột phá để khắc phục những hậu quả nêu trên, thời gian bao lâu thì khắc phục được, nếu trong một thời gian nhất định mà không khắc phục được hậu quả thì Thủ tướng hành động ra sao để cử tri tin?

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đặt vấn đề rằng, với tư cách là người đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng nhưng chưa mang lại hiệu quả cao, Thủ tướng cho biết những khó khăn vướng mắc nhất trong thời gian qua về công tác phòng chống tham nhũng là những vấn đề gì, Thủ tướng có đề xuất những giải pháp gì để công tác này có hiệu quả cao hơn trong thời gian tới?

Theo chương trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có khoảng hơn một giờ trong sáng nay để trả lời những nội dung trên. Đây cũng là phần cuối của chương trình chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp này.

Trong phần trả lời, về vị trí và trách nhiệm của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Hôm nay, còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng. Chịu sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, trong 51 năm qua, tôi không xin với Đảng cho tôi làm, đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác. Mặt khác, tôi không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Nhà nước giao phó”.

“Là một cán bộ đảng viên của Đảng, tôi đã nghiêm túc báo cáo đầy đủ với Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về bản thân mình. Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã hiểu rõ về tôi, cả về ưu điểm, khuyết điểm, về phẩm chất đạo đức, năng lực, khả năng, cả về sức khỏe, thương tật, nguyện vọng”.

Ông nhấn mạnh thêm: “Đảng lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội. Đảng tiếp tục phân công tôi ứng cử, làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất. Cả cuộc đời tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng, tôi sẽ không thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng giao phó. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như những gì tôi đã làm suốt 51 năm qua”.

Nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của người đứng đầu về tất cả hạn chế, yếu kém trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có yếu kém trong giám sát, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã trình bày các hướng giải pháp để khắc phục yếu kém của mình để làm tốt chức năng được nhân dân giao phó.

Cụ thể, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục phục hạn chế yếu kém, nâng cao năng lực quản lý, trong đó, tập trung vào các giải pháp nâng cao năng lực và chất lượng trong xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế luật pháp.

Thứ hai là nâng cao năng lực dự báo phân tích, đánh giá tình hình và đưa ra cơ chế, phản ứng chính sách kịp thời hiệu quả.

Thứ ba là tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý trong xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch chiến lược.

Thứ tư, Chính phủ tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành, tăng cường thanh tra, giám sát để khắc phục yếu kém.

Thứ năm, Chính phủ tập trung chỉ đạo hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy của Chính phủ và bộ máy hành chính các cấp.

“Bộ máy của chúng ta còn nhiều khiếm khuyết, Chính phủ hoàn thiện với tinh thần đề cao trách nhiệm, phát huy năng động, sáng tạo của cấp dưới, đảm bảo lãnh đạo thống nhất của cấp trên, của Trung ương. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nghiêm túc lắng nghe ý kiến của chuyên gia, hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, nâng cao. Nghiêm túc lắng nghe ý kiến của đảng viên, cán bộ nhân dân, chuyên gia trong xây dựng, điều hành, thực thi chính sách. Chú ý tăng cường công khai minh bạch, tăng cường giải đáp, giải trình của người lãnh đạo các cấp”, Thủ tướng nói.

VnEconomy

;
.
.
.
.
.