.

Trao “cần câu” cho người dân

Trong 5 năm qua, bằng nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Sở LĐ-TB&XH thành phố cấp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và dạy nghề (GDTX KTTH, HN&DN) quận Ngũ Hành Sơn đã đào tạo được gần 500 học viên thuộc các nghề điêu khắc đá mỹ nghệ, nấu ăn, may dân dụng, may công nghiệp, điện dân dụng...

Dạy những gì người dân cần

Vì gia đình khó khăn, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Võ Thị Hồng (20 tuổi, ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) đã đăng ký lớp học nghề may công nghiệp tại Trung tâm GDTX KTTH, HN&DN quận Ngũ Hành Sơn. Sau 5 tháng, chị Hồng tốt nghiệp và được trung tâm giới thiệu làm việc tại xưởng may dành cho phụ nữ nghèo tại phường Hòa Quý. Đến nay, chị đã có 2 năm trong nghề, với thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng. Được biết, tại xưởng may này, số công nhân được đào tạo nghề tại Trung tâm GDTX KTTH, HN&DN quận Ngũ Hành Sơn như chị Hồng chiếm phần lớn.

Xuất phát từ thực tế người dân ở các vùng giải tỏa lúng túng trong việc lựa chọn ngành nghề sau khi mất đất sản xuất, qua khảo sát thực tế nhu cầu của người dân, Trung tâm GDTX KTTH, HN&DN quận Ngũ Hành Sơn đã triển khai chương trình đào tạo nghề và hướng nghiệp cho người dân nông thôn, vừa tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, vừa đáp ứng được nhu cầu về lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn quận. Trung bình một năm có từ 60-100 người dân theo học các lớp dạy nghề tại trung tâm.

Nhằm thu hút, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm cho các học viên, trung tâm đã mạnh dạn và linh hoạt trong việc điều chỉnh ngành, nghề học. Chẳng hạn, năm 2008 và 2009, trung tâm tập trung đào tạo các lớp kỹ thuật chăn nuôi, điêu khắc đá mỹ nghệ; năm 2010 tập trung mở các lớp dạy nấu ăn; từ năm 2011 đến nay chủ yếu dạy nghề may công nghiệp.

Bên cạnh công tác đào tạo nghề và hướng nghiệp, năm 2011, Trung tâm GDTX KTTH, HN&DN quận Ngũ Hành Sơn đã được sự quan tâm, hỗ trợ từ lãnh đạo quận, thành phố với nguồn kinh phí 600 triệu đồng để nâng cấp xưởng may dành cho phụ nữ nghèo tại phường Hòa Quý, qua đó bảo đảm được đầu ra cho các học viên sau khi theo học nghề tại trung tâm.

Còn nhiều khó khăn

Theo ông Nguyễn Minh Ánh, Giám đốc Trung tâm GDTX KTTH, HN&DN quận Ngũ Hành Sơn, bên cạnh những hiệu quả đã đạt được, chương trình đào tạo nghề và hướng nghiệp cho người dân nông thôn vẫn còn không ít khó khăn. Thực tế, rất khó huy động được người dân tham gia các lớp học. “Học viên chủ yếu ở độ tuổi thanh niên, có tâm lý muốn đi làm và kiếm tiền ngay chứ không thích học nghề (dù mỗi lớp chỉ từ 3-5 tháng). Thêm vào đó, nhiều người vẫn chưa có ý thức về việc học để có một nghề ổn định. Đồng thời, cũng phải thừa nhận rằng, công tác giới thiệu việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp chưa được thực hiện tốt, chủ yếu học viên chủ động tìm việc, còn trung tâm chỉ mới giới thiệu được từ 5-7 học viên/năm có việc làm đúng ngành, nghề”, ông Ánh cho biết.

Bên cạnh đó, mặc dù cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vì nằm trong khu quy hoạch dự án Khu Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn nên trung tâm không thể tiến hành sửa chữa, nâng cấp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học.

Thực tế cho thấy, chương trình đào tạo nghề và hướng nghiệp cho người dân nông thôn do Trung tâm GDTX KTTH, HN&DN quận Ngũ Hành Sơn triển khai thực hiện trong 5 năm qua đã từng bước đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng được phần nào nhu cầu tại địa phương. Nhưng quan trọng hơn cả, nó đã giúp nhiều người dân có hướng đi đúng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, trao cho họ chiếc “cần câu” để tự nuôi sống mình và gia đình.

KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.