.

UBND thành phố trả lời những phản ánh của cử tri

LTS: Thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố khóa VIII, Thường trực HĐND thành phố phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các quận, huyện tổ chức đợt tiếp xúc cử tri cho các đại biểu HĐND thành phố tại các đơn vị bầu cử trên địa bàn thành phố. Ý kiến cử tri được Thường trực HĐND thành phố tổng hợp và yêu cầu UBND thành phố trả lời. Đối với những vấn đề đã được giải quyết, UBND thành phố đã giao các sở, ban, ngành có văn bản báo cáo kết quả cho Thường trực HĐND thành phố, các Tổ đại biểu HĐND thành phố. Từ số báo này, Báo Đà Nẵng trích đăng trả lời của UBND thành phố về những vấn đề chung mà cử tri các quận, huyện phản ánh.

CỬ TRI QUẬN HẢI CHÂU:

Cần quản lý tạm trú, tạm vắng

Cử tri phường Phước Ninh (quận Hải Châu) phản ánh, việc quản lý tạm trú, tạm vắng trên địa bàn thành phố còn lỏng lẻo, đề nghị UBND thành phố, Công an thành phố chỉ đạo tăng cường quản lý.

Về nội dung này, UBND thành phố Đà Nẵng trả lời: “Theo báo cáo của Công an thành phố (CATP): Thời gian qua, Giám đốc CATP đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn. Đặc biệt, ngày 30-7-2012, CATP ban hành Kế hoạch số 655/CATP-PV11 về việc Thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012 của HĐND thành phố và Thông báo ý kiến kết luận của Chủ tọa kỳ họp tại kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố, trong đó có nội dung tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ANTT, nhất là quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài; kiểm tra việc đăng ký hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn thành phố; quản lý chặt chẽ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự không để đối tượng lợi dụng sơ hở lẩn trốn, hoạt động phạm tội. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố có 217.666 hộ; 979.234 nhân khẩu. Trong đó thường trú: 204.873 hộ, 856.869 nhân khẩu; tạm trú từ các tỉnh, thành phố khác đến  thành phố Đà Nẵng: 12.793 hộ, 122.365 nhân khẩu.

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP, từ đầu năm đến nay Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức kiểm tra 19.822 lượt hộ, cơ sở cho thuê lưu trú và cơ sở dịch vụ nhạy cảm. Đã phát hiện, lập biên bản 2.756 trường hợp vi phạm, xử lý trên 2.000 trường hợp, chuyển Kho bạc Nhà nước thu trên 500 triệu đồng. Đồng thời, tăng cường công tác đăng ký, quản lý cư trú đối với nhân khẩu, hộ khẩu từ các tỉnh, thành phố khác đến tạm trú ở các nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và không có nghề nghiệp ổn định. Qua đó, phát hiện, xử lý vi phạm 1.823 trường hợp, chuyển Kho bạc Nhà nước thu trên 220 triệu đồng. Do đó, công tác quản lý địa bàn, quản lý cư trú đã có những chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp và chặt chẽ hơn. Thời gian tới, CA các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các nội dung Kế hoạch 655 của Giám đốc CATP, tiếp tục bảo đảm giữ vững tình hình ANTT trên địa bàn…

CỬ TRI QUẬN THANH KHÊ:

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân

Cử tri các phường Xuân Hà, Hòa Khê (quận Thanh Khê) phản ánh: Hiện nay, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản-Nhi thành phố đều quá tải trong khám và điều trị (2-3 bệnh nhân nằm một giường). Trong khi đó, Bệnh viện đa khoa quận Thanh Khê có cơ sở vật chất tốt nhưng số lượng bệnh nhân điều trị rất ít và không có bác sĩ giỏi. Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Y tế có kế hoạch, biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bố trí các bác sĩ tuyến trên về công tác có thời hạn tại bệnh viện quận để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, góp phần giảm tải các bệnh viện tuyến trên.

UBND thành phố trả lời: Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay tình hình thiếu bác sĩ tại tuyến y tế quận, huyện là tình trạng chung trên toàn thành phố và ngày càng trầm trọng.

Tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, chỉ tiêu là 130 giường bệnh, nhưng hiện chỉ có 22 bác sĩ là biên chế, 6 bác sĩ hợp đồng (bác sĩ nghỉ hưu) và 8 bác sĩ hợp đồng theo giờ để giải quyết những trường hợp cần thiết. So với chỉ tiêu biên chế giao, Trung tâm Y tế quận Thanh Khê còn thiếu 21 bác sĩ.

Khoa có nhiều bác sĩ nhất là 4 bác sĩ như  Khoa Nội - Lây, Khoa Nhi; có 3 khoa chỉ có 1 bác sĩ là Khoa Sản, Khoa Ngoại và Khoa Đông y – PHCN. Từ năm 2010, Khoa Ngoại chỉ còn 1 bác sĩ phẫu thuật viên, Khoa Sản còn 1 bác sĩ nên chỉ thực hiện quản lý thai sản và điều trị phụ khoa, không thực hiện phẫu thuật, đỡ đẻ.

Trong nhiều năm qua, thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố cử bác sĩ luân phiên về hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh và chuyển giao kỹ thuật cho các trung tâm y tế quận, huyện nhằm tăng cường khả năng chuyên môn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn thành phố, góp phần giải quyết tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến thành phố. Tuy nhiên, tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, do quá thiếu nhân lực tại chỗ nên khả năng tiếp nhận kỹ thuật từ tuyến trên bị hạn chế rất nhiều.

Để khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Trung tâm Y tế quận Thanh Khê đã ký hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật với Bệnh viện Đà Nẵng về lĩnh vực ngoại khoa, tăng cường hội chẩn với tuyến trên, cử cán bộ y tế học lâm sàng tại Bệnh viện Đà Nẵng. Đã xây dựng Đề án phối hợp với Trung tâm CSSKSS Đà Nẵng để thực hiện các trường hợp sinh thường và một số dịch vụ sản-phụ khoa (dự kiến thực hiện vào quý 4-2012). Trung tâm Y tế quận Thanh Khê đang phối hợp với Ban Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng để lựa chọn các giải pháp phát triển công tác sản tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê.

Trong thời gian tới nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân tại tuyến y tế quận, huyện, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố tiếp tục tăng cường cử bác sĩ luân phiên hỗ trợ cho các Trung tâm Y tế quận, huyện.

Ngoài ra, Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đánh giá thực trạng, định hướng phát triển cho Trung tâm Y tế quận Thanh Khê và để tìm cách tăng cường nguồn nhân lực tại chỗ, tăng khả năng tiếp nhận kỹ thuật, từ đó nâng dần khả năng thu hút người bệnh đến khám, điều trị, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

CỬ TRI QUẬN CẨM LỆ:

Các dự án treo bao giờ triển khai?

Cử tri quận Cẩm Lệ phản ánh: Hiện nay có một số dự án đã công bố quy hoạch trên địa bàn quận nhiều năm qua, có một số dự án trên 5 năm nhưng chưa triển khai thực hiện và gây lo lắng cho nhiều cử tri. Đề nghị UBND thành phố quan tâm sớm công bố thông tin cụ thể một số dự án như sau: KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2), Khu kho tàng Hòa Cầm, dự án đường sắt đôi, cầu vượt ngã ba Huế, dự án Tây Trường Chinh (giai đoạn 2), dự án Phước Lý 5, KDC số 3 Nguyễn Tri Phương, KDC Phong Bắc 4; Khu dự trữ đất ven sông.

UBND thành phố trả lời: - KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2): Theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố tại Thông báo số 129/TB-UBND ngày 9-8-2012 hủy bỏ KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2) và chuyển đổi thành khu dân cư. Viện Quy hoạch xây dựng thành phố đang lập quy hoạch chi tiết.   

- Khu kho tàng Hòa Cầm: Đồ án Khu Kho tàng sản xuất Hòa Cầm đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch điều chỉnh tại Quyết định số 8198/QĐ-UBND ngày 25-10-2010. Hiện nay, thành phố đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh một số tuyến đường trong khu quy hoạch để phục vụ đi lại cho nhân dân được thuận lợi, phần còn lại thành phố sẽ cân đối nguồn vốn để tiếp tục đầu tư trong thời gian thích hợp.

- Dự án đường sắt đôi: Theo quy hoạch tổng thể thì tuyến đường sắt đôi dự kiến đi qua địa phận các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Đây là dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, hiện chưa triển khai. UBND thành phố đã có ý kiến với Bộ GTVT đề nghị có kế hoạch sớm triển khai dự án.

- Cầu vượt ngã ba Huế: Dự án đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5286/QĐ-UBND ngày 23-6-2011.

- Dự án Tây Trường Chinh (giai đoạn 2): KDC Tây Trường Chinh được phê duyệt quy hoạch năm 2005, nằm phía Tây của đường Trường Chinh, đoạn từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm. Vừa qua, tại Công văn số 2482/VP-QLĐTh ngày 29-8-2012, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng khớp nối toàn bộ các dự án thành phần trong ranh giới dự án Khu dân cư Tây Trường Chinh, đề xuất cụ thể việc mở rộng các dự án thành phần hay giữ lại chỉnh trang đô thị để báo cáo UBND thành phố tại cuộc họp Quy hoạch Kiến trúc.

- Dự án Phước Lý 5: Đồ án quy hoạch KDC Phước Lý 5 đã được phê duyệt tại Quyết định số 9369/QĐ-UBND ngày 31-10-2011. Để phù hợp tình hình thực tế, UBND thành phố đã ban hành Quyết định điều chỉnh quy hoạch  dự án này do Công ty CP An Tâm làm chủ đầu tư với hình thức tự bỏ vốn đầu tư. Hiện nay trong giai đoạn kiểm định đền bù.

- KDC số 3 Nguyễn Tri Phương: Hiện nay, KDC số 3 Nguyễn Tri Phương đã được xây dựng hoàn chỉnh, tuy nhiên đồ án quy hoạch điều chỉnh KDC số 3 Nguyễn Tri Phương mở rộng (UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 7762/QĐ-UBND ngày 11-10-2010) đến nay chưa triển khai. Vừa qua, UBND thành phố có Thông báo số 122/TB-UBND ngày 21-7-2012 giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan xét tính hiệu quả của dự án, trong trường hợp có hiệu quả sẽ triển khai thi công dự án trong năm 2013.

- Khu dự trữ đất ven sông: Khu đất này nằm khu vực phía Đông cầu Cẩm Lệ. Hiện nay đã được chuyển đổi thành dự án Khu biệt thự sinh thái ven sông Cẩm Lệ. Đồ án đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 7206/QĐ-UBND ngày 19-8-2011. Tại Công văn số 4177/UBND-QLĐTh ngày 13-6-2012, UBND thành phố đã đề nghị Công ty CP Đầu tư Nhất Gia Phúc nộp hồ sơ đăng ký đầu tư dự án này tại Công ty Quản lý và Khai thác đất theo đúng quy định. Đơn vị đang triển khai thực hiện. Mặt khác UBND thành phố dự kiến sẽ làm việc với các chủ đầu tư để cam kết về tiến độ thực hiện dự án trong thời gian đến.

- KDC Phong Bắc 4: Đồ án đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch điều chỉnh tại Quyết định số 7208/QĐ-UBND ngày 19-8-2011. Dự án này giao Ban Quản lý các dự án tái định cư làm chủ đầu tư. Hiện nay, UBND thành phố có chủ trương thi công trước tuyến mương, cống thoát nước ra sông Cẩm Lệ, nhằm xử lý trước mắt khu vực ngập úng Bàu sen.

(Còn nữa)

THỤC YÊN tổng hợp

;
.
.
.
.
.