.

Ước mơ giản dị của bà Giỏi

.

Tấm ván vuông khoảng 1.600cm2, bên dưới có bốn bánh xe nhựa là phương tiện để bà Đoàn Thị Giỏi (67 tuổi, trú tổ 17, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đẩy từ hàng quán này đến quán khác bán vé số mưu sinh. Suốt 12 năm nhọc nhằn, trong bà đau đáu một ước muốn giản dị: Mong con ăn học nên người.

Bà Giỏi lê lết từng quán xá mời khách mua vé số.
Bà Giỏi lê lết từng quán xá mời khách mua vé số.

Bất hạnh

Nhà bà Giỏi nằm cạnh đường ray xe lửa ở đường Nguyễn Khuyến. Phải đợi hơn một giờ đồng hồ, bà mới trở về nhà trên chiếc xe điện 3 bánh dành cho người khuyết tật, trên tay là mớ rau cải - thức ăn cho buổi tối.

Nhìn đôi chân tong teo, ngắn cũn và mềm nhũn như đứa trẻ mới 8 tháng tuổi của bà, mỗi lúc cử động phải nhờ đôi tay, tôi nghe bà kể về cuộc đời buồn khổ của mình: “Tôi sinh ra trong một gia đình có đến 15 người con. Chiến tranh loạn lạc, nhà nghèo, lên 7 tuổi bị sốt cao nhưng không chữa trị kịp thời nên bị liệt hai chân, không tự đứng dậy được. Tuổi thơ của tôi phải đi “4 chân”. 10 tuổi, dù không tự đi được nhưng tôi phải lăn lộn đủ nghề để kiếm sống. 15 tuổi, tôi vào Nha Trang học nghề may, sau đó làm việc cho một ông chủ tại đây. Có được bao nhiêu tiền, tôi gửi về phụ giúp gia đình”, bà vừa nói vừa thoăn thoắt nhặt rau cho kịp bữa tối, thỉnh thoảng lên tiếng nhắc Được (con trai bà) xem nồi cơm trong bếp.

Tật nguyền nên thời con gái không có chàng thanh niên nào để ý và tuổi thanh xuân của bà Giỏi trôi qua trong sự buồn bã, cô độc. 45 tuổi, bà lên tàu ra Đà Nẵng sinh sống. Điểm tựa của đôi chân tật nguyền là chiếc nạng tre. Bà nói: “Đôi chân tôi hồi đó dù rất yếu nhưng gắng gượng cũng chống nạng đi lại được chứ không như bây giờ”. Ra Đà Nẵng một mình lạ nước lạ cái, bà thuê một phòng trọ ở gần bến xe Đà Nẵng (cũ) để ở, tiếp tục công việc may vá đắp đổi cuộc sống qua ngày. Tưởng đâu bà sẽ lẻ loi suốt đời nhưng ông trời thương cho bà gặp ông Trần Minh Đạt (SN 1941). Ông Đạt từng có gia đình ở miền Nam, nhưng hôn nhân đổ vỡ, ông chán nản ra Đà Nẵng và gặp bà Giỏi. Năm 1997, hai người có với nhau được mặt con, đặt tên là Trần Minh Được.

Ông đi làm đấm bóp ở khu vực bến xe, bà ở nhà may vá nuôi con. Hai vợ chồng tằn tiện để rồi sau đó đến Hòa Khánh mua miếng đất với giá 5 chỉ vàng, dựng tạm mái tôn, bức vách để ở. Những tưởng cuộc đời bù đắp cho những bất hạnh của bà với một người chồng biết chăm chỉ làm ăn, một đứa con kháu khỉnh nhưng chồng bà lâm trọng bệnh và ra đi khi đứa con trai vừa tròn 2 tuổi. Người đàn bà tật nguyền một lần nữa thấy cuộc đời mình một màu đen tối...

Nghề “đi bán niềm vui”

Thứ ánh sáng duy nhất trong cuộc đời bà Giỏi là Được, cậu con trai muộn màng. Bà lấy Được là điểm tựa, niềm tin, nghị lực để tiếp tục bươn chải kiếm sống sau biến cố đau thương của cuộc đời.

Không thể bám trụ với nghề may, bà phải chuyển sang nghề bán vé số. Được chính quyền địa phương giúp đỡ cho một chiếc xe lắc, bà nhờ một anh thợ mộc đóng cho một tấm ván vuông, bên dưới có 4 bánh nhựa, mỗi khi đến các quán, bà dùng đôi dép xỏ vào hai tay rồi lết đi. Suốt mấy năm như thế, đi biết bao nhiêu con đường, lết qua biết bao nhiêu quán xá trên địa bàn quận Liên Chiểu, bà cũng không nhớ nổi. Bà chỉ biết mình phải kiếm tiền để nuôi con trai ăn học, sắm sửa đồ đạc và lợp lại mái nhà đã cũ.

Cái nghề “đi bán niềm vui” không bạc đãi bà, bởi cách đây 3 năm, một người phụ nữ ở khu vực ngã ba Huế mua của bà 10 tấm vé số và trúng giải đặc biệt. Người phụ nữ này tặng bà một chiếc xe điện 3 bánh dành cho người tàn tật, thế là bà đỡ vất vả mỗi khi đi trên đường. Tuy nhiên, chiếc xe bằng ván vuông ấy vẫn là phương tiện chính giúp bà bán từng tờ vé số. Buổi sáng từ 6 giờ bà rời khỏi nhà và 18 giờ 30 mới trở về. Phải làm việc thật cật lực, mỗi ngày bà mới kiếm được gần 100.000 đồng tiền lời. Với nỗ lực của bản thân, kèm thêm sự giúp đỡ của chính quyền địa phương mỗi tháng hơn 400.000 đồng, cuộc sống của mẹ con bà cũng đắp đổi qua ngày.

Khi hỏi bà mong muốn điều gì trong tương lai, không cần suy nghĩ, bà nói ngay: “Ước mơ của tôi là nuôi thằng Được ăn học đến nơi đến chốn”. Do không được chăm sóc, kèm cặp, sức học của Được không khá và hiện tại em học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Dẫu vậy, bà Giỏi vẫn luôn động viên con phải chăm ngoan, học giỏi để thoát cảnh nghèo. “Tôi nỗ lực hết mình và chỉ mong muốn một điều duy nhất và nuôi con ăn học nên người. Trước mắt, tôi sẽ cho cháu học hết cấp 3, sau đó có điều kiện thì cho học tiếp”, bà nói. Tuy nhiên, khi nhìn đôi chân mềm nhũn không bước đi được của bà kèm với sức khỏe đang yếu dần với căn bệnh huyết áp cao, bệnh khớp, bà lo lắng: “Tôi chỉ sợ mình ra đi khi đứa con chưa lớn khôn. Cầu mong tôi còn sức khỏe để ngày ngày đi bán vé số”.

Như bao người tật nguyền khác, bà Giỏi cố gắng vượt qua mọi khó khăn. Nhưng vẫn còn đó những điều nằm ngoài khả năng như điều mà bà đang đau đáu: “Thằng Được đăng ký học thêm trung cấp nghề nhưng đường đi xa quá, lại chưa có chiếc xe đạp điện. Nhìn con mà xót xa trong lòng nhưng biết làm sao được khi sức mình chỉ mới lo được miếng cơm cho con...”.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.