.
VẤN ĐỀ CỬ TRI QUAN TÂM

Thu nhập giảm, đời sống càng khó khăn

6 tháng cuối năm và đặc biệt là thời điểm cận kề năm mới, đời sống của  các tầng lớp người lao động càng khó khăn hơn.

Công nhân nhảy việc

Vào cuối quý 1 năm 2012,  TS. Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) dự báo khả năng thị trường việc làm sẽ sôi động hơn kể từ quý 3 năm 2012. Cơ sở của nhận định này là Chính phủ đã có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách vĩ mô như hạ lãi suất, mở rộng hạng mục cho vay và bắt đầu “mở van” đối với lĩnh vực bất động sản nhằm cứu ngành xây dựng... Như vậy, vấn đề vốn cho doanh nghiệp  (DN) sẽ được cải thiện.

Theo đó, DN có thể tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư vào nhiều lĩnh vực và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Nhưng thực tế, qua tìm hiểu hoạt động của DN vừa và nhỏ tại thị trường Đà Nẵng mới thấy không khí hết sức ảm đạm. Gần 500 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động trong 11 tháng đầu năm và 1.840 DN bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Khi được hỏi về tình hình sản xuất kinh doanh cuối năm nay, các thành viên trong Ban Chấp hành Hiệp hội DN vừa và nhỏ thành phố đều lắc đầu và đưa ra số DN làm ăn hiệu quả chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. DN còn sống được chủ yếu là các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát bình dân.

 
Một bữa ăn sáng từ 6 đến 10 ngàn đồng là hợp lý với túi tiền, nhưng khoản tiền đó không thể mua được món gì, cho nên tốt nhất là ăn cơm nguội
 
Chị N.T.N

Khi các DN không đạt được kế hoạch đề ra, doanh thu và lợi nhuận giảm sút mạnh, chắc chắn thu nhập của người lao động cũng giảm theo. Chỉ trong vòng 7 tháng năm 2012, anh  Nguyễn Minh Đức, 42 tuổi, từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng lập nghiệp đã phải “nhảy” việc đến 3 lần. Anh Đức tiết lộ “mánh khóe” của DN là tuyển dụng số lượng nhiều hơn nhu cầu thực tế nhằm thay thế lao động cũ và chỉ trả mức lương thử việc 85% (khoảng 1,5 triệu đồng/tháng) cho lao động mới.

Do đó, dù được cộng thêm các khoản đãi ngộ, anh Đức vẫn khó đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cá nhân chứ chưa kể gửi về cho gia đình, bởi giá cả sinh hoạt tăng liên tục. Nếu chấp nhận tăng ca thì không có đủ thời gian để tái tạo sức lao động. Vậy là anh Đức đành phải “nhảy” việc mong tìm cơ hội khá hơn, kiếm chút tiền về quê ăn Tết với gia đình. Nhưng thời điểm cuối năm đã cận kề mà anh Đức vẫn đang trong tình trạng thử việc ở công ty mới.

Công chức, viên chức thắt chặt chi tiêu

Người lao động đời sống bấp bênh, còn những công chức, viên chức (CCVC) mặc dù với đồng lương ít ỏi, nhưng vốn được xem là đối tượng có thu nhập ổn định giờ cũng phải thắt chặt chi tiêu.

Chị N.T.N, một cán bộ Sở Kế hoạch-Đầu tư thành phố chia sẻ với đồng nghiệp: “Một bữa ăn sáng từ 6 đến 10 ngàn đồng là hợp lý với túi tiền, nhưng khoản tiền đó không thể mua được món gì, cho nên tốt nhất là ăn cơm nguội”. Không chỉ chị N. mà rất nhiều gia đình CCVC đã cắt giảm chi tiêu, chủ yếu duy trì tối thiểu cho việc ăn, học của con cái.

Tất cả các khoản thu nhập tăng thêm của CCVC (khoảng 500 ngàn đồng/tháng/người) của nhiều sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố đều bị cắt vì phải tiết kiệm từ khoán chi hành chính và khoán biên chế của đơn vị đã bị giảm 30%. Nhiều cơ quan chưa thực hiện khoán chi hành chính cũng đã nhận được thông báo số tiền phải tiết kiệm trong 3 tháng cuối năm không hề nhỏ từ ngân sách Nhà nước. Chủ trương tiết kiệm ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm đã buộc CCVC phải thắt chặt chi tiêu và mong chờ khủng hoảng kinh tế đi qua.

Về mặt lý thuyết, thu nhập mà thực chất là lương của CCVC phải đủ trang trải cho nhu cầu thiết yếu của bản thân, cho gia đình và cho nhu cầu học tập. Việc cải cách tiền lương chính là sự thể hiện cam kết của Chính phủ với việc cải thiện đời sống người lao động, CCVC, bù đắp giá cả tăng cao hay lạm phát. Thế nhưng từ tháng 5-2011, lương tối thiểu chỉ tăng 12,6% trong khi chỉ số lạm phát vào tháng 7 năm 2011 tăng đến 22%. Với mức lương tối thiểu 1.050.000 đồng nhân (x) với hệ số lương như hiện nay, CCVC có thâm niên công tác ít khó có thể trang trải cuộc sống hằng ngày trong gia đình, chứ chưa nói đến chi tiêu cho “phải không” trong quan hệ họ hàng, bạn bè...

Nhìn lại chỉ số giá tiêu dùng suốt năm 2012, tuy giá cả lương thực, thực phẩm có phần ổn định nhưng giá xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu như thuốc, dịch vụ y tế, giáo dục, điện, nước, chất đốt… vẫn tăng. Đặc biệt từ tháng 8 năm 2012, chỉ số này tăng dần đến trên 7% so với cùng kỳ năm trước. Giá cả nhiều loại hàng thiết yếu đang tăng từng ngày khi thời điểm cuối năm đã cận kề, trong khi tiền lương vẫn như cũ. CCVC phải  tiếp tục mòn mỏi chờ tăng lương theo lộ trình từ tháng 7 năm 2013 ( khoảng 11%.)

Người lao động có thể đàm phán tăng lương với chủ doanh nghiệp nhưng CCVC thì Nhà nước cho sao hưởng vậy, nên khó vẫn hoàn khó!

THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.