.

Vì sức khỏe bộ đội và nhân dân

.

Sinh ra ở vùng quê biển (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), lớn lên anh lại gắn bó với biển. Năm 1980 sau khi tốt nghiệp lớp quân y sĩ tại Học viện Quân y với tấm bằng loại giỏi, anh được phân công ra quần đảo Trường Sa công tác.

Năm 1983 được điều động về Vùng 3 Hải quân cho đến tận bây giờ, với nhiều vị trí, cương vị khác nhau, nhưng ở cương vị nào anh cũng gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của đơn vị, trách nhiệm, tâm huyết với nghề nghiệp, hết mình vì sức khỏe đồng đội và nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đó là những gì người viết muốn kể một phần về Thượng tá, Thầy thuốc ưu tú Trần Xuân Vinh, Chủ nhiệm Quân y Vùng 3 Hải quân.

Bác sĩ Trần Xuân Vinh (quân phục trắng, đứng giữa) theo dõi đồng nghiệp huấn luyện mổ, cấp cứu trên biển cho Quân khu 5.                    Ảnh: VĂN HANH
Bác sĩ Trần Xuân Vinh (quân phục trắng, đứng giữa) theo dõi đồng nghiệp huấn luyện mổ, cấp cứu trên biển cho Quân khu 5. Ảnh: VĂN HANH

Gần 36 năm công tác trong quân đội, 30 năm gắn bó với nghề tại Vùng 3 Hải quân, Bác sĩ Trần Xuân Vinh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng làm tốt công tác bảo đảm sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân, góp phần không nhỏ vào thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Kể về thành tích của anh thì rất nhiều, những việc làm của anh không phải là cao siêu, nhưng có ý nghĩa lớn trong việc bảo đảm sức khỏe cho bộ đội tàu đi làm nhiệm vụ trên biển.

Từ thực trạng những năm trước đây, không ít lần các tàu đang hoạt động trên biển, phải quay vào bờ vì lý do sức khỏe của một số đồng chí có bệnh mãn tính tái phát, làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của đơn vị. Phải làm gì để khắc phục được thực trạng trên? Từ những băn khoăn, trăn trở, sau nhiều lần tìm giải pháp, anh đã đề xuất biện pháp kiểm tra thật kỹ sức khỏe bộ đội trước khi đi làm nhiệm vụ, làm sổ nhật ký quân y tàu theo dõi đăng ký trong quá trình đi biển, các đồng chí có bệnh mãn tính, nhất là tim mạch, gan, huyết áp đều phải ở lại bờ điều trị. Qua nhiều chuyến thử nghiệm, thấy có hiệu quả, 100% cán bộ, chiến sĩ bảo đảm sức khỏe trong thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển. Từ bài học kinh nghiệm thực tiễn, anh mạnh dạn báo cáo trong Hội nghị ngành cấp Quân chủng và đã được triển khai, áp dụng.

Nhiều lần cùng những con tàu lướt sóng ra khơi, dù đó là thực hiện nhiệm vụ huấn luyện hay tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo, hoặc cứu nạn, Bác sĩ Vinh đã tận mắt chứng kiến nỗi khó khăn của cán bộ, chiến sĩ và ngư dân đi biển. Trong đó có những căn bệnh, tai nạn rất giản đơn, nhưng lượng thuốc men mang theo chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, việc chậm trễ, thiếu dụng cụ y tế... dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Anh nghĩ, giá những lúc đó, trên tàu có túi cứu thương bảo đảm đầy đủ theo yêu cầu nhiệm vụ cho các nhân viên quân y thì sẽ giảm được những hậu quả không đáng có xảy ra. Từ sự trăn trở ấy, đã thôi thúc anh dồn hết tâm sức nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến, bảo đảm tốt quân y cho các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Từ năm 2009 đến nay, anh và đồng nghiệp đã tích cực nghiên cứu và đưa vào các ứng dụng như túi băng cá nhân cho bộ đội tàu, túi thuốc cứu thương cho các tàu đi làm nhiệm vụ dài ngày trên biển, vỏ túi BM, hóa chất chất thử, v.v..., đang được Cục Quân y, Bộ Quốc phòng nghiệm thu, nghiên cứu để hoàn thiện.

Sự gương mẫu, trách nhiệm, nhiệt tình với công việc của Bác sĩ Trần Xuân Vinh được cấp trên ghi nhận, đồng nghiệp và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị học tập và noi theo. Năm 2011, anh được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân”; Cục Quân y, Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã đạt thành tích xuất sắc trong Hội thi chủ nhiệm quân y toàn quân. Năm 2012, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư Trung ương về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, anh được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Bằng khen.

VÕ BÁ CHÂU

;
.
.
.
.
.