.

Vui buồn chuyện đi thu nợ

.

Hội LHPN thành phố hiện quản lý rất nhiều nguồn quỹ lớn, nhỏ nhằm hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển. Theo đó, nhiều chị em ở khu dân cư từ người buôn bán, cán bộ nghỉ hưu, chi hội trưởng phụ nữ... bỗng trở thành “nhân viên ngân hàng” ngày ngày chuyên đi thu nợ.

Không lương, không trợ cấp, nhưng không phải ai cũng “được” chọn làm nhóm trưởng quản lý vốn tín dụng hoặc quỹ tiết kiệm quay vòng. Một người không đủ độ kiên nhẫn để theo suốt hành trình thu hồi hết các khoản nợ thì coi như... rớt từ vòng ngoài.

Nhóm trưởng (trái) thu nợ không lương nhưng cảm thấy vui, vì qua đó nhiều chị em nghèo được hưởng lợi.
Nhóm trưởng (trái) thu nợ không lương nhưng cảm thấy vui, vì qua đó nhiều chị em nghèo được hưởng lợi.

Tìm đủ phương kế

Nếu thống kê tất cả các nhóm trưởng quản lý vốn tín dụng của Hội LHPN các cấp hiện nay, có thể con số lên đến cả ngàn người. Riêng Quỹ quay vòng vốn vệ sinh đã có đến 689 nhóm trưởng, mỗi nhóm có khoảng 10 thành viên. Trước khi bước vào công việc thu hồi nợ, nhóm trưởng là một trong những người trực tiếp xét chọn ai được vay vốn. Và việc này đã ngốn không ít… lời phàn nàn từ những người xin vay mà không được duyệt.

Nhóm trưởng Đinh Thị Lệ Hương (khu dân cư Chơn Tâm 1B, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Có nguồn quỹ chỉ tiêu đưa về được 24 người, nhưng 34 người đăng ký. Tuy vậy, cũng có trường hợp không bảo đảm các tiêu chí xét cho vay, nhưng nhóm chúng tôi vẫn “lách” quy định. Chẳng hạn, hội viên chưa ổn định về việc làm (yếu tố quyết định khả năng trả nợ), nhưng do nhà ở không có công trình vệ sinh, phải sử dụng nhờ các hộ bên cạnh, nên tôi phải thuyết phục mọi người cho đối tượng này vào danh sách vay vốn”.

Cho vay không dễ, đến đoạn thu hồi nợ còn nan giải hơn nhiều. Các chị cho hay, thông thường tiền lãi và gốc trả theo tháng. Nhưng có không ít trường hợp phải “xé lẻ” lần trả theo tuần, thậm chí góp từng ngày 5.000-10.000 đồng. Ngoài thời gian làm những công việc riêng, các nhóm trưởng phải tranh thủ hết ngày đến đêm để đi thu nợ. Gặp ngày sức khỏe không tốt, các chị “điều” cả chồng, con đi thay là chuyện thường. Chị Đặng Thị Đà (Chi hội 5 Phần Lăng, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) nói: “Ba tháng qua, tôi ốm không thu tiền và làm sổ sách được nên chồng và hai con phải làm việc này”. Dĩ nhiên, những người thay thế cũng không có đồng lương bổng.

Để mai trả!

Đó là điệp khúc hứa hẹn mà nhóm trưởng thường xuyên nghe từ các đối tượng chây ì. Để đáp lại lời hứa đó, các chị phải động viên, mềm mỏng ứng xử cốt sao đến cuối kỳ vẫn thu xong nợ. Chị Đà gặp một hội viên được giải ngân xong thì tỏ ra không muốn trả. Vậy là chị phải tâm sự với người chồng của hội viên đó để anh trả thay. Chị Đà còn đứng trước tình huống nan giải hơn: người vay bỗng dưng bán nhà đi đâu mất… Chị Lê Thị Ngọc (64 tuổi, tổ 46, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) “cao tay” hơn khi hứa với hội viên là nếu người đó chịu trả đúng hẹn, lần sau nhóm sẽ tiếp tục cho vay nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, số người gặp trục trặc trong quá trình hoàn nợ phần lớn xuất phát từ khó khăn thật sự. Thời gian đầu, việc trả lãi và gốc diễn ra khá thuận lợi; nhưng đến từ giữa kỳ về sau, không ít người nảy sinh những khó khăn đột xuất. Hội viên của chị Ngọc có người bị ốm triền miên 2 tháng, người khác thì phải nghỉ làm ăn để chăm sóc chồng bị bệnh. Trước hoàn cảnh ấy, nhóm trưởng phải ứng tiền Ban quản lý Quỹ phường, đồng thời kêu gọi chị em đóng góp ủng hộ các khoản thiếu hụt.

Dù công sức của các “nhân viên ngân hàng” bất đắc dĩ này vẫn chỉ là những đóng góp thầm lặng, nhưng đáp lại công lao ấy là nhiều chị em nghèo được tiếp sức để cải thiện cuộc sống gia đình.

Bài và ảnh: TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.