.

Xây dựng cán bộ “điện tử”

.

Đội ngũ cán bộ trẻ đã phát huy tốt vai trò tiên phong, tích cực trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào cải cách hành chính.

Những năm gần đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) là một trong những đơn vị mạnh về ứng dụng CNTT để giải quyết các thủ tục hành chính. Đây cũng là đơn vị cấp Sở đầu tiên trên địa bàn thành phố đưa vào áp dụng mô hình một cửa.

Bộ phận một cửa ở phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) được đầu tư khá hoàn chỉnh về hệ thống mạng.
Bộ phận một cửa ở phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) được đầu tư khá hoàn chỉnh về hệ thống mạng.

Mô hình một cửa

Từ nhận thức đúng đắn muốn xây dựng được cơ quan điện tử trước hết phải xây dựng được đội ngũ cán bộ “điện tử”, tiến đến xây dựng công dân “điện tử”, lãnh đạo Sở GTVT đã tạo mọi điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) trẻ được “thử lửa” trong những vị trí công tác “nóng” như tổ một cửa. Với khối lượng công việc lớn (giải quyết hơn 27.000 hồ sơ các loại/năm), cán bộ làm việc tại tổ một cửa không chỉ nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe mà còn phải giỏi về CNTT. Được biết, trung bình một năm Sở GTVT có từ 10-15 giải pháp CNTT, trong đó lực lượng đoàn viên, thanh niên là những người tiên phong trong việc ứng dụng các phần mềm mới, mạnh dạn đề xuất hơn 10 giải pháp nhằm rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục cấp phát giấy phép lái xe, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Ông Bùi Thanh Thuận, Chánh Văn phòng Sở GTVT thành phố cho biết: “Nếu không ứng dụng CNTT, chúng tôi không thể giải quyết được khối lượng lớn công việc như vậy. Công việc này chúng tôi ưu tiên cho cán bộ trẻ và thực tế đã chứng minh họ làm rất tốt. CBCC trẻ phải tự xây dựng mình thành người cán bộ “điện tử” mới đáp ứng được đòi hỏi công việc”.

Trong khi đó, tại phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê), ngay khi UBND phường quyết định áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 từ tháng 7-2012 với mức đầu tư hơn 50 triệu đồng, đội ngũ CBCC trẻ (nhất là ở bộ phận một cửa) đã chủ động hơn áp dụng CNTT để giải quyết công việc. Đoàn Thanh niên của phường cũng đề xuất lãnh đạo phường tổ chức các buổi tập huấn về CNTT cho cán bộ nhằm bổ sung kiến thức. Anh Nguyễn Hoài Phương, cán bộ tổ một cửa phường Vĩnh Trung chia sẻ: “Người dân bây giờ sành CNTT lắm, mình không nắm được CNTT thì không thể làm việc được. Cái gì chưa biết thì mình phải tự mày mò, học hỏi thêm”.

Qua thống kê, hiện 100% cơ quan trên địa bàn thành phố đã có mạng LAN và kết nối Internet tốc độ cao; cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý văn bản, điều hành tại cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, 100% sở, ngành, quận, huyện đã có website chuyên ngành, là kênh thông tin quan trọng các chính sách, quy định pháp luật và thủ tục hành chính đến với nhân dân.

Trong năm 2012, mô hình một cửa điện tử không chỉ được thực hiện trong nội bộ đơn vị mà còn hướng đến việc tạo ra sự kết nối giữa phần mềm một cửa phường, xã và phần mềm một cửa quận, huyện, tạo điều kiện mở rộng, nâng cao hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông hiện nay giữa cấp xã và cấp huyện. Đến nay, 100% UBND phường, xã sử dụng ổn định và thường xuyên phần mềm quản lý hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Vẫn thiếu nhân lực CNTT

Một trong những trăn trở lớn nhất của các đơn vị, cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố đối với việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính là thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là thiếu cán bộ chuyên trách về CNTT có trình độ ĐH, CĐ tại trung tâm giao dịch hành chính “một cửa”. Rất ít đơn vị cấp sở có riêng phòng Khoa học - Công nghệ như Sở GTVT. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ đương chức tuy được đào tạo về CNTT nhưng kỹ năng sử dụng thấp; các kỹ năng khai thác Internet yếu, chủ yếu soạn thảo văn bản, chưa có các ứng dụng tác nghiệp. Ở nhiều nơi, CBCC chưa thật sự quen với cách làm việc trên mạng máy vi tính và không ít người chưa tích cực, chủ động học tập, trang bị kiến thức về CNTT nên hiệu quả sử dụng thiết bị vào công việc thấp.

Tại UBND các quận Liên Chiểu, Sơn Trà..., trình độ CNTT của CBCC đa số chỉ là chứng chỉ tin học B. Ở nhiều đơn vị khác, hệ thống máy vi tính trang bị cho các phòng, ban chuyên môn đã lạc hậu, cấu hình thấp nên tốc độ xử lý chậm. Nhiều lãnh đạo các đơn vị cho biết, do mức thu nhập của vị trí này thấp nên không thu hút được nhân lực có trình độ cao. Với những đơn vị có sự đầu tư mạnh thì giải pháp chính mà họ thường đưa ra là hư hỏng đến đâu thuê người sửa đến đó, nếu cần giải pháp mới về phần mềm thì sẽ thuê người thực hiện.

Ông Trần Trung Sơn, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ thành phố cho biết: “CBCC trẻ là lực lượng tiên phong trong việc ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính. Để khuyến khích họ mạnh dạn đề xuất, thực hiện các giải pháp CNTT mới, thành phố đã chỉ đạo Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức cuộc thi “Giải pháp ứng dụng CNTT” trong CBCC trẻ”. Tuy nhiên, trong khi đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT còn thiếu thì rất nhiều cán bộ trẻ ở các cơ quan, đơn vị Nhà nước vẫn chưa mạnh dạn tham gia nghiên cứu khoa học, chưa có ý thức trong việc tìm kiếm giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong công việc của bản thân cũng như đơn vị.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.