Để nâng cao chất lượng huấn luyện chiến sĩ có trình độ sơ cấp chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, năm 2012, Trung tâm Huấn luyện chuyên môn kỹ thuật Vùng 3 Hải quân đã đưa ra nhiều nội dung, biện pháp để nâng cao chất lượng dạy và học, trong đó xây dựng mô hình “Giáo viên mẫu mực - Học viên chuyên cần”, đã thực sự phát huy hiệu quả.
Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi lại đến Trung tâm Huấn luyện chuyên môn kỹ thuật Vùng 3 Hải quân. Khác với những năm trước, năm nay khu doanh trại của đơn vị gọn gàng, ổn định bởi các công trình xây dựng đã hoàn tất, pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền được làm mới...
Trung tá Hoàng Công Nghĩa, Chính trị viên trung tâm cho chúng tôi biết, mỗi khóa, trung tâm tiếp nhận khoảng 40 đến 60 chiến sĩ đã được huấn luyện cơ bản về kiến thức quân sự, nhưng để huấn luyện một khóa tốt nghiệp có trình độ sơ cấp về chuyên môn kỹ thuật phải bắt đầu từ những kiến thức cơ bản nhất. Làm thế nào để đào tạo một chiến sĩ có trình độ sơ cấp giỏi về chuyên môn kỹ thuật, có nhận thức sâu sắc về tình hình nhiệm vụ, tính kỷ luật cao, có sức khỏe và chịu đựng sóng gió tốt, khi xuống tàu phải hoàn thành được chức trách nhiệm vụ được giao. Từ đặc điểm tình hình đó, Đảng ủy, chỉ huy trung tâm đã đưa ra nhiều nội dung, giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học, trong đó tập trung xây dựng mô hình “Giáo viên mẫu mực - Học viên chuyên cần”, lấy xây dựng “Giáo viên mẫu mực” là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng huấn luyện của đơn vị, bởi vì giáo viên có mẫu mực mới rèn luyện được học viên chuyên cần.
Theo Trung tá Tán Khánh, Phó Chỉ huy trưởng trung tâm thì: Việc xây dựng kế hoạch huấn luyện, tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm theo định kỳ, thường xuyên đổi mới nội dung, biện pháp giáo dục, chú trọng thực hiện phương châm giảm lên lớp lý thuyết, tăng thực hành, thực tế cho học viên; làm tốt công tác chuẩn bị và thục luyện giáo án trước khi giảng dạy... là việc làm thường xuyên của trung tâm trong những năm vừa qua. Nhưng để thực hiện có hiệu quả mô hình xây dựng tiêu chí, chuẩn mực của người giáo viên trong quân đội không phải là những điều “cao siêu”, mà phải sát với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của đơn vị, sát với trình độ, năng lực, chuyên môn của từng khoa, từng giáo viên và qua nhận xét, đánh giá, xếp loại của từng khóa và cả năm huấn luyện. Ngoài ra, phải thực sự chăm lo đến đời sống, hoàn cảnh gia đình của từng giáo viên, có những nội dung, hình thức để tạo động lực cho giáo viên, trợ giáo vừa yêu nghề nghiệp, thực sự gắn bó với đơn vị, hết lòng vì học viên thân yêu, vừa hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Chiến sĩ Nguyễn Hữu Thuy (quê Quỳnh Lưu, Nghệ An), học viên lớp báo vụ tâm sự: “Được các thầy giáo huấn luyện cơ bản, trợ giáo ân cần hướng dẫn theo quy trình, tỷ mỷ từng nội dung, động tác, nếu nội dung nào chưa đạt yêu cầu chúng em đều phải thực hành lại cho bằng được, đến nay cơ bản học viên chúng em đã phát nhận được tín hiệu và sử dụng được các trang bị kỹ thuật chuyên ngành hiện có, sẵn sàng về các đơn vị nhận nhiệm vụ mới”.
Được biết, năm nay trung tâm đã hoàn thành tốt 2 khóa huấn luyện chuyên môn kỹ thuật và 1 lớp báo vụ, kết quả toàn khóa đạt 100% yêu cầu, trong đó có trên 85% khá, giỏi, không có học viên yếu kém, vi phạm kỷ luật. Trong tổng kết phong trào thi đua Quyết thắng năm 2012, trung tâm được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 3 đề nghị Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tặng Danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. Vừa qua, trong đợt thi đua đột kích “37 ngày đêm hành động kiểu mẫu” chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Vùng và Đại hội Thi đua Quyết thắng Vùng 3 Hải quân giai đoạn 2009-2012, 1 khoa của trung tâm được Bộ Tư lệnh Vùng tặng giấy khen, đó là món quà đầy ý nghĩa để tặng cán bộ, giáo viên, trợ giáo, chiến sĩ, CNVQP trung tâm nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay.
DUY KHANH