Bài 1: Khổ vì “xe mù”
Người dân khi ra đường luôn bị ám ảnh bởi một loại phương tiện, xem nó như “quái vật” đường phố. Đó là những chiếc xe máy cũ nát không còi, không ống pô, không yếm, không đèn và hiếm thấy biển số… lao như điên, mà mọi người thường gọi là “xe mù”.
Nẹt pô, lạng lách, điều khiển một tay là hình ảnh thường thấy đối với “xe mù”. |
Náo loạn đường phố
Trời mờ sáng, trên các tuyến đường đã xuất hiện bóng dáng những “bộ sườn” chạy loạn xạ, rồ ga tăng tốc, tiếng máy nổ đinh tai. Những “tay lái lụa” này phóng xe bạt mạng chở thịt heo, gà từ lò mổ, thực phẩm, hoa quả đến các chợ. Số khác đi nhập đá cho các quán giải khát, chở vật liệu cồng kềnh tới các công trình xây dựng. Cảng cá Thọ Quang cũng huyên náo tiếng “xe mù”. Nhưng sợ nhất là vào các giờ cao điểm, đội quân “xe mù” càng thêm hung hãn. Những khắc cuối cùng đèn vàng chuyển màu sang đỏ ở một ngã tư, từ phía sau, một thanh niên ăn mặc xộc xệch vặn ga liên hồi gây tiếng nổ ầm ầm làm mọi người thất thần dạt ra. Một chiếc xe cũ nát không đèn, không yếm, ống pô bị gãy đôi lòi cả cổ cò bên trong… cố chen lên rồi phóng đi trong sự ngao ngán của mọi người. Lần theo “vật thể lạ” này đến nơi “tập kết” là một cơ sở chuyên cung cấp nước đóng chai và nước đá trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu. Trong vai nhân viên quán cà-phê đến mua ít đá, chúng tôi thấy trong sân còn có thêm 3 chiếc xe gồm 2 chiếc Cub 50, 1 xe 67 trong tình trạng tả tơi, chỉ còn bộ sườn, lốc máy, lòng thòng dây điện, phía sau còn được chế thêm giá đỡ rộng để chất được nhiều hàng. “Bác có nhiều xe độc quá?”, trả lời câu hỏi của tôi, ông P. cười lớn rồi nói bằng giọng Bắc: “Ngựa chiến có hạng đó, trông vậy chứ ngon giai lắm!”. Chỉ ít phút sau, ông P. nhận điện thoại, ngay lập tức một thanh niên tên Thành bốc liên tục 7 bao đá lên xe, mỗi bao khoảng 18kg, không cần buộc dây. Tức tốc hòa vào dòng người luồn lách, nẹt pô, liên tục đảo góc cua các con đường Ngô Văn Sở, Nam Cao, Phạm Như Xương, vào các kiệt nhỏ rồi thông ra đường Hoàng Văn Thái giao hàng. Bắt chuyện, Thành cho biết chỉ là người làm công, mỗi tháng lương chỉ hơn 1,5 triệu đồng, ăn một bữa trưa. “Chạy xe này sợ lắm, nhưng áp lực phải chạy cho kịp hàng, chạy không nhanh đá nó tan, hàng đến chậm bị la ngay. Mà chạy xe này có va quệt nặng thì có thể xù, ai biết là xe của ai”, Thành nói.
Không ít người đang tham gia giao thông trở thành nạn nhân của “xe mù”. Chị Trần Thị Ngà (giáo viên tiểu học) một lần đang đi làm về thì một “xe mù” bất ngờ phía sau lao lên lách ngang cắt mặt, chị loạng choạng té xuống đường, người bạn đuổi theo được một đoạn thì gặp đèn đỏ, đành phải dừng lại ấm ức nhìn tên bất lương chạy mất.
Chợ Cồn - nơi được cho là “thiên đường xe mù”, rất dễ bắt gặp những “bộ sườn di động” mọi lúc mọi nơi. Dọc đường Ông Ích Khiêm, Hùng Vương, Phạm Ngũ Lão, Triệu Nữ Vương là những con đường qua chợ Cồn, hàng trăm chiếc dựng trên, dưới lề đường đợi hàng, có khách gọi đi giao hàng là lên đường ngay. Tình trạng trên cũng thường thấy ở các chợ khác như chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Hòa Khánh, chợ An Hải Bắc…
Hóa kiếp xe mù
Chúng tôi tìm đến một tiệm sửa xe chuyên “hô biến” các loại xe nát trên đường Hoàng Diệu. Tại tiệm A-S, ngoài các thiết bị phục vụ cho việc sửa chữa như các tiệm khác, còn đặc biệt có vô số lốc máy, khung sườn, manh yếm, ống pô treo đầy tường, cái nguyên hình, cái đứt gãy, hoen gỉ. Vừa thay bình nhớt cho chiếc xe của tôi, S vừa nói: “Công việc nhiều lắm, lại sắp Tết, ngày nào cũng phải xong vài chiếc”. 2 thợ phụ luôn tay lắp ráp, cân vành, phun sơn… “Sao không ráp thêm đồ cho đầy đủ?”, S cho biết: “Đây đều là “xe mù”, chỉ cần “3C-1N”, tức có sườn, có máy, có bánh, có phuộc ngon và đạp một phát nổ là có thể giao cho khách. Chiếc nào tồn kho muốn bán chỉ cần lên trang muaban.net thường rao bán giá từ 1,2 triệu đến 4 triệu đồng, ít hôm có người đến tậu ngay. Lý giải giá xe rẻ là do nhiều chiếc không còn giấy tờ, phần lớn là mua từ các bãi phế liệu. Số khác được mua từ người dân, họ bán với giá rất rẻ, khoảng 400 ngàn đến 1,3 triệu đồng/chiếc.
Lần theo số điện thoại 09131678.., chúng tôi đến tiệm sửa xe của H. trên đường Âu Cơ, quận Liên Chiểu. H. được xem là “lão làng” trong việc “độ” xe với hơn 30 năm gắn bó với nghề. Quan trọng nhất là làm lại máy, xoáy nòng, đôn nòng, chế lại pít-tông để máy được bốc hơn. “Một chiếc Cub 50 sau khi đôn nòng có thể chạy tới 80km/giờ, xe 67, CD hơn 100km/giờ. Có thể độ đầu nòng Wave, Dream chạy rất tốt, trên dưới 5 năm”, H. nói quả quyết. Các khâu trong quá trình “hô biến” những đống sắt phế liệu thành “xe mù” cũng được chuyên môn hóa ở các tiệm khác nhau, có tiệm chuyên sơn, chuyên hàn khung, móc pô… Một bộ phận mà theo H., dân chạy “xe mù” rất cần là phuộc nhún sau, phải chịu lực tốt để chất cả núi hàng vẫn chạy ào ào, 1 xe thường có 3 cặp phuộc, 1 cặp trước, 2 cặp sau.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: NGUYỄN TIẾN