.

Xe mượn không bị xử phạt

.

(ĐNĐT)- Người dân tỏ ra lo lắng trước thông tin về quy định xử phạt đối với những xe không làm thủ tục sang tên đổi chủ sau khi mua bán, trao đổi. Mức phạt lên tới 6-10 triệu đồng/xe (đối với ôtô) và 800.000-1.200.000 đồng/xe (đối với xe máy).

............
Cảnh sát giao thông quận Sơn Trà (Đà Nẵng) kiểm tra giấy tờ của một người tham gia giao thông (Ảnh: Đ.Mạnh)

Người dân lo lắng

Bày tỏ nỗi lo lắng, sinh viên Nguyễn Tuấn Đạt (quê Quảng Trị), đang học Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cho biết: “Khi biết được thông tin điều khiển xe máy không chính chủ ra đường sẽ bị phạt 1 triệu đồng, em rất sợ mỗi khi đi xe máy đến trường. Hầu hết mấy bạn ở ngoại tỉnh trong lớp em đi xe máy đều do ba mẹ đứng tên, bây giờ nếu lưu thông trên đường mà bị công an “sờ gáy” thì sinh viên tụi em lấy đâu ra tiền để nộp phạt”.

Anh Lê Văn Xinh, công nhân tại KCN Hòa Khánh nói: “Khi biết có quy định sẽ xử phạt khi đi xe không chính chủ, tôi rất khó hiểu, vì chiếc xe tôi đang đi là xe mua lại, dù có giấy tờ trong tay nhưng người này lại ở tận Quảng Ngãi và cũng không biết bây giờ họ đang ở đâu để tìm họ làm thủ tục sang tên đổi chủ. Chẳng hạn nếu chủ chiếc xe mà tôi mua lại qua đời rồi thì tính sao”.

Theo luật sư Võ Văn Thiết, Trưởng phòng Luật sư Thiết và cộng sự, thì Quy định tại nghị định mới có nội dung xử phạt “chủ xe không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” là mập mờ, khó hiểu khiến người dân hoang mang.

Bởi, người ta có thể hiểu “chủ xe” bị xử phạt trong trường hợp này là người chủ cũ, người đã bán xe mà không sang tên chứ không phải người đã mua xe hay người đang điều khiển xe mà chưa thực hiện thủ tục này.

Bên cạnh đó, ông Thiết bày tỏ lo lắng, khi quy định việc xử phạt người bán xe không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, sẽ khiến cho lượng phương tiện mới tăng lên, càng khiến ách tắc giao thông cao hơn.

Ông Thiết phân tích, thường khi cha mẹ có xe cũ, muốn sang tên cho con cái nhưng nhiều người dân ngại thủ tục, ngại thêm chí phí sang tên đổi chủ vẫn còn cao. Hơn nữa, như xe máy chẳng hạn, thường thì giá trị thấp, thậm chí mua cái xe cũ vài ba triệu mà đi sang tên đổi chủ có khi mất cả tiền triệu tốn kém; còn ôtô thì thuế phí chuyển nhượng cao quá khiến người ta “lách luật” bằng cách viết giấy uỷ quyền chứ không sang tên.

Với lại, nếu muốn cho con thì sẽ mua chiếc xe mới chứ không muốn cho con xe cũ nên sẽ có tới trên 80% người dân sẽ không làm thủ tục sang tên đổi chủ mà chấp nhận…để vậy.

Anh Lê Văn Nam, trú tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) bức xúc: “Nhà tôi có 4 người nhưng chỉ mua được có 2 chiếc xe máy, bắt buộc phải dùng chung phương tiện. Xe máy chỉ có thể đứng tên 2 người trong gia đình, chẳng lẽ mỗi lần ra đường đều phải chở người đứng tên xe đi cùng hay sao. Luật gì mà tráy khoáy vậy”.

Giám đốc một doanh nghiệp dịch vụ vận tải trên địa bàn thành phố cho biết: “Nếu quy định điều khiển xe ô-tô không chính chủ sẽ bị phạt từ 6-10 triệu đồng thì doanh nghiệp vận tải sẽ gặp rất nhiều rắc rối. Ngay sau khi Nghị định 71/2012 có hiệu lực thì nhiều lái xe thuê cho doanh nghiệp đã không dám chạy xe vì sợ bị phạt.

“Nếu cánh lái xe mà xin nghỉ hết, doanh nghiệp vận tải sẽ phá sản là cái chắc bởi đa số xe mua đều vay vốn của ngân hàng”.

Cùng chung nỗi lo lắng như các doanh nghiệp vân tải, anh Nguyễn Duy Tiến, dịch vụ cho thuê xe ô-tô tự lái trên đường Tôn Đức Thắng cũng rất “nóng ruột” với quy định này. Anh Tiến cho hay: “Mấy hôm nay, lượng khách đến thuê xe đã giảm hẳn vì họ sợ đi xe không chính chủ sẽ bị phạt. Nhiều khách còn ra điều kiện với chúng tôi, nếu bị Cảnh sát giao thông xử phạt lỗi đi xe không chính chủ thì dịch vụ cho thuê phải chịu chứ họ không chịu”.

Xe mượn không bị xử phạt

Đại tá Huỳnh Văn Hai, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, vì người dân hiểu chưa chính xác quy định về xử phạt với xe không “chính chủ” nên mới có sự lo lắng như vậy.

...
Đi xe mượn nhưng khi bị CSGT kiểm tra mà người điều khiển phương tiện chứng minh được xe mượn của bạn bè hoặc người thân…thì người đó chỉ chịu trách nhiệm với lỗi mà mình đã vi phạm giao thông như: chạy quá tốc độ, chở người vượt quá quy định, không đội mũ bảo hiểm, không có Giấy phép lái xe... (Ảnh: Đ.Mạnh)

Đại tá Hai giải thích, theo quy định tại điều 33 (sửa đổi, bổ sung) về “xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ” của Nghị định 71/2012/NĐ-CP, tại khoản 3 đểm e quy định nêu rõ, chủ phương tiện “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”, tức là khi mua-bán xe, chủ phương tiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ theo quy định mới là có lỗi và bị xử phạt (mức phạt từ 800.000-1.200.000 đồng với chủ xe xe mô tô, xe gắn máy).

Còn đối với xe mượn và người tham gia giao thông bằng xe đi mượn (chẳng hạn như chồng đi xe vợ, con mượn xe cha mẹ, trường hợp lái xe thuê, đi xe cơ quan…) - tức là xe không chính chủ - thì không có lỗi và cũng không ai phạt. Người dân không nên băn khoăn những trường hợp đó.

Trong thực tế, khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có dấu hiệu, hành vi vi phạm Luật giao thông (chạy quá tốc độ, chở người vượt quá quy định, không đội mũ bảo hiểm, không có Giấy phép lái xe..) thì CSGT sẽ dừng phương tiện mà người đó điều khiển để kiểm tra giấy tờ.

Nếu xe là chính chủ với xe đăng ký lần đầu hoặc đã chuyển quyền sở hữu phương tiện theo qui định; hoặc đi xe mượn nhưng khi bị CSGT kiểm tra mà người điều khiển phương tiện chứng minh được xe mượn của bạn bè hoặc người thân…thì người đó chỉ chịu trách nhiệm với lỗi đã vi phạm giao thông.

Nếu xe mua lại nhưng chưa chuyển quyền sở hữu phương tiện theo qui định thì mới phải chịu trách nhiệm thêm ở lỗi này.

Đắc Mạnh–Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.