Theo ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT, việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trước đây có những tồn tại, vướng mắc cơ bản, bởi thực tế ranh giới giao đất và khoán đất nông nghiệp chưa được xác định rõ ràng và cụ thể trên bản đồ với thực địa; phân cấp trách nhiệm quản lý và cấp quyền sử dụng chậm triển khai, lúng túng.
Đáng chú ý là tình trạng lập hợp đồng khoán đất nông nghiệp của Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ còn nhiều bất cập. Diện tích giao khoán không đồng bộ, tạo ra manh mún về đất đai khi có nơi giao khoán đến 100ha nhưng cũng có nơi giao 0,5ha cho mỗi trường hợp. Hợp đồng giao khoán thiếu công khai tại rừng đặc dụng Nam Hải Vân, Sơn Trà...
Việc giao đất, khoán rừng đang được Sở NN&PTNT rà soát và chấn chỉnh quản lý. |
Qua công tác thanh tra, kiểm tra thời gian qua đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc giao đất rừng, giao khoán rừng không đúng đối tượng. Tại địa bàn huyện Hòa Vang, trình tự thủ tục giao đất rừng không thực hiện theo quy định, có trường hợp người ngoài địa phương không có nhu cầu về trồng rừng cũng được giao đất trồng rừng. Việc quản lý sau khi giao đất trồng rừng lỏng lẻo, bởi có trường hợp sau khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng rừng thì trục lợi bằng cách bán đất, khai thác đất đồi không theo quy hoạch; có trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. Tại các khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, việc giao khoán rừng không công khai, dân chủ, thiếu minh bạch và để xảy ra tình trạng xây dựng nhà ở, xây dựng công trình trên đất có rừng...
Kể từ năm 2008, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch 3 loại đất rừng đã tạo điều kiện cho việc giao đất, khoán rừng và bảo vệ rừng thuận lợi. Theo phân loại, thành phố có 57.195ha đất lâm nghiệp, gồm 51.598ha đất có rừng, 5.597ha đất chưa có rừng. Đối với 51.598ha đất có rừng, có trên 36,5ha rừng tự nhiên được đóng cửa, khoanh vùng bảo vệ để bảo tồn thiên nhiên và phòng hộ môi trường. Thu hồi 24.150ha đất lâm nghiệp giao cho các tổ chức, cá nhân để giao lại cho các dự án đầu tư phát triển kinh tế. Trong tổng diện tích 4.383ha giao cho 787 tổ chức, hộ gia đình từ các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thực hiện, đã thu hồi 1.000ha đưa vào phát triển du lịch, hạ tầng giao thông, sản xuất công nghiệp... Diện tích đất trống, đồi núi trọc quy hoạch cho mục tiêu trồng rừng được triển khai sử dụng hiệu quả. Độ che phủ rừng hiện tăng lên 45%.
Ông Trần Đình Quỳnh cho biết, để chấn chỉnh tình trạng trên, ngành NN&PTNT đang thực hiện nhiều bước đổi mới để chấn chỉnh và phát huy hiệu quả trong việc giao đất rừng, giao khoán rừng. Theo đó, tập trung phân chia giao quản lý lâm phận 3 loại rừng theo quy hoạch; đưa về các quận, huyện quản lý các diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng; đo đạc lại và cấp giấy chứng nhận quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp cho Ban Quản lý rừng và Hạt Kiểm lâm. Ban Quản lý rừng bàn giao nhiệm vụ và hồ sơ quản lý các hợp đồng khoán đất lâm nghiệp ở các khu vực được thành phố điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất khác ngoài đất lâm nghiệp để các quận, huyện quản lý, chờ thu hồi đất.
Sở NN&PTNT cũng phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra, rà soát các dự án đã được thu hồi, giao hoặc cho thuê đất có rừng để thu hồi và thực hiện lại việc giao rừng, cho thuê rừng có địa chỉ cụ thể nhằm tránh tình trạng trục lợi trái phép tài nguyên rừng. Đồng thời xây dựng lộ trình thu hồi các hợp đồng khoán đất lâm nghiệp sai quy định và sai mục đích do các đơn vị quản lý rừng thực hiện trước đây.
Bài và ảnh: TRIỆU VĂN