.

Lay lắt hoạt động Đoàn ở trường tư thục

.

Hoạt động Đoàn cầm chừng, Bí thư Đoàn trường bỏ ngang công việc khiến công tác Đoàn bị ngưng trệ, mất niềm tin trong sinh viên... là thực tế đang diễn ra ở một số trường ĐH, CĐ tư thục trên địa bàn thành phố.

Đội tuyển cheerleading của Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng tham gia giải U-League 2010 tại Đà Nẵng.
Đội tuyển cheerleading của Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng tham gia giải U-League 2010 tại Đà Nẵng.

Bí thư “ẵm”… đoàn phí bỏ đi

Tháng 4-2012, Bí thư Đoàn trường CĐ Đông Du (quận Hải Châu) đột ngột bỏ ngang công việc, để lại cho Đoàn trường khoản nợ gần 6 triệu đồng đoàn phí đã thu của sinh viên. Điều đáng nói ở đây là Đại hội Đoàn trường CĐ Đông Du lần thứ 3, nhiệm kỳ 2012 -2014, dự kiến diễn ra vào 2 tháng sau đó nên Đoàn trường như rắn mất đầu, mọi hoạt động bị ngưng trệ, kế hoạch kết nạp đoàn viên mới bị bỏ dở. Đoàn trường rơi vào cảnh nợ nần khiến công tác chuẩn bị đại hội gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Trần Xuân Diệu, Bí thư Đoàn trường CĐ Đông Du hiện nay cho biết: “Sau đại hội đến nay là khoảng thời gian khó khăn với tổ chức Đoàn của trường. Mặc dù Ban giám hiệu đã hỗ trợ cho khoản đoàn phí bị “mất” kia, nhưng chúng tôi không nắm được giấy tờ, sổ sách công tác, sổ Đoàn của sinh viên vì Bí thư cũ không bàn giao lại. Vì thế, chúng tôi phải cấp lại sổ Đoàn mới cho sinh viên”.

Sau sự cố Bí thư Đoàn trường “ẵm” đoàn phí bỏ ngang công tác, Đoàn trường CĐ Đông Du đang phải từng bước lấy lại niềm tin trong đoàn viên, sinh viên và khởi động lại các hoạt động.

Trong khi đó, Trường CĐ Đức Trí cũng vừa nhận đơn xin nghỉ việc của Bí thư Đoàn trường. Người mới đã có nhưng việc thay thủ lĩnh Đoàn như thế khiến công tác Đoàn gặp không ít xáo trộn. Được biết, toàn thành phố hiện có 10 trường ĐH, CĐ tư thực có tổ chức Đoàn. Ngoài những trường nằm tốp đầu với hoạt động Đoàn - Hội được tổ chức, duy trì thường xuyên, quy mô như ĐH Duy Tân, ĐH Đông Á, ĐH Kiến trúc, CĐ Phương Đông..., những trường khác nằm ở tốp dưới như CĐ Đông Du, CĐ Việt Tiến, CĐ Đức Trí... chỉ dừng lại ở mức cầm chừng, nếu không muốn nói là yếu.

Anh Trần Xuân Diệu cho rằng, việc Bí thư khóa trước nghỉ ngang khi đang công tác là điều dễ hiểu vì bản thân người đó là sinh viên giỏi, sau khi tốt nghiệp được giữ lại đảm nhận vị trí Bí thư Đoàn trường, kiêm nhiệm vụ ở bộ phận tuyển sinh, sau khi liên thông lên ĐH thì xin được việc nên không làm ở trường nữa. BCH Đoàn trường Đông Du gồm 21 người, trong đó có 5 giáo viên thì cũng có một giáo viên vừa xin nghỉ việc.

Không riêng gì Trường CĐ Đông Du, đây cũng là tình trạng chung, thường gặp ở nhiều trường tư thục khi việc giáo viên nói chung, cán bộ Đoàn nói riêng đột nhiên xin nghỉ để tìm công việc khác.

Kênh thông tin quảng bá

Trong khi một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố đang gặp khó khăn trong việc xây dựng uy tín của nhà trường, thu hút đầu vào của thí sinh thì công tác Đoàn - Hội ở một mức độ nào đó, nếu được làm tốt sẽ góp phần giải quyết những khó khăn trên; rút ngắn khoảng cách với các trường công lập, thay đổi cách nhìn của xã hội về trường tư thục.

Ý thức được điều này, nhiều trường tư thục đã đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn vừa có nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng thanh niên, vừa tâm huyết với hoạt động phong trào. Song đến nay, đội ngũ cán bộ này chủ yếu là kiêm nhiệm. Trường CĐ Phương Đông, một trong những đơn vị có phong trào Đoàn hoạt động khá tích cực, hiện có 6.000 đoàn viên/7.000 sinh viên đang theo học tại trường với 120 chi đoàn, đội ngũ cán bộ Đoàn trường đều kiêm nhiệm, tay ngang. Anh Nguyễn Quốc Trấn, Bí thư Đoàn trường CĐ Phương Đông chia sẻ: “Theo tôi biết, gần 95% cán bộ Đoàn ở các trường ĐH, CĐ là cán bộ kiêm nhiệm. Hầu hết vừa làm công tác Đoàn, vừa làm nhiệm vụ chuyên môn hoặc có thêm nhiệm vụ ở một bộ phận nào đó. Thực tế, để tìm được một cán bộ chuyên trách công tác Đoàn có trình độ, kỹ năng nghiệp vụ Đoàn, đáp ứng được yêu cầu rất khó. Trường chúng tôi tìm mãi mấy năm nay mà chưa được”.

Để động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Đoàn, Trường CĐ Phương Đông đã đề ra chính sách ưu đãi như giảm 15% học phí đối với sinh viên là Bí thư chi đoàn, giảm 40% tiết dạy cho giáo viên là cán bộ Đoàn, tặng học bổng cho cán bộ Đoàn xuất sắc...

Anh Nguyễn Duy Minh, Trưởng ban Thanh thiếu nhi - Trường học, Thành Đoàn Đà Nẵng nói: “Tổ chức Đoàn trong các trường ĐH, CĐ tư thục đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động, nhất là những trường ở tốp dưới càng lay lắt hơn khi lãnh đạo nhà trường chủ yếu quan tâm đến việc kinh doanh hơn việc tổ chức các hoạt động phong trào. Bên cạnh đó, ở một số trường, mọi công việc của Đoàn chỉ do Bí thư, Phó Bí thư Đoàn đảm nhận, ít có sự chia sẻ với sinh viên nên dẫn đến tình trạng một người ôm nhiều việc, khiến hiệu quả chưa cao. Để công tác Đoàn - Hội ở những trường này hiệu quả, điều quan trong nhất là sự quan tâm của Ban giám hiệu. Thực tế, nhiều trường đã xem hoạt động phong trào là kênh thông tin hữu ích để quảng bá hình ảnh nhà trường đến toàn xã hội”.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.