.

Nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa

.

Dân gian thường dùng chữ “Án bỏ túi”, “Án theo hồ sơ” để ám chỉ việc kết án đã được chuẩn bị từ trước, xét xử tại tòa chỉ mang tính hình thức chứ không phải là quá trình tranh luận để dẫn đến công lý, công bằng thực sự. Điều này giờ đây đang được thay đổi bằng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa - một trong những nội dung chính của công tác cải cách tư pháp.

Nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa, chú trọng vị trí, quyền và nghĩa vụ của luật sư giúp Tòa án đưa ra phán quyết đúng pháp luật và có sức thuyết phục cao.
Nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa, chú trọng vị trí, quyền và nghĩa vụ của luật sư giúp Tòa án đưa ra phán quyết đúng pháp luật và có sức thuyết phục cao.

Theo ông Nguyễn Văn Quận, Chánh án TAND thành phố thì việc chú trọng và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là khâu đột phá quan trọng của cải cách tư pháp. Mỗi quốc gia khác nhau có các thủ tục tố tụng khác nhau mang đậm tính đặc thù của quốc gia dân tộc thì trong toàn bộ quá trình tố tụng, hoạt động xét xử vẫn đóng vai trò trung tâm, thể hiện đầy đủ bản chất của hệ thống tư pháp của mỗi Nhà nước, là giai đoạn quyết định tính đúng đắn, khách quan của việc giải quyết vụ án, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Trong xã hội hiện đại, ngoài các nước có hệ thống thông luật (luật án lệ), thì các nước theo hệ thống luật dân sự dù ít hay nhiều đều có yếu tố tranh tụng. Đây là cơ chế tố tụng có hiệu quả bảo đảm cho Tòa án xác định sự thật khách quan của vụ án, giải quyết đúng đắn vụ việc, bảo đảm sự công bằng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Việt Nam là nước theo hệ thống luật dân sự và trong bối cảnh cải cách, nước ta đang chú trọng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và coi đây là khâu đột phá của cải cách tư pháp. Theo đó, khi xét xử, Tòa án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự khách quan, dân chủ. Việc phán xét của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chánh án TAND quận Hải Châu cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự cũng như nhiều văn bản pháp luật khác của Việt Nam đang ngày càng thể hiện rõ việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Trên thực tế, việc tổ chức phiên tòa được chu đáo hơn, tranh luận giữa luật sư, kiểm sát viên tại phiên tòa được tăng cường đã giúp việc xác định sự thật khách quan của vụ án được đầy đủ và chính xác để từ đó, Tòa án đưa ra những phán quyết chính xác và phù hợp với các quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, trong đó đặc biệt chú trọng vị trí, quyền và nghĩa vụ của luật sư đã giúp cho Tòa án đưa ra các phán quyết đúng pháp luật và có sức thuyết phục cao.

Theo ông Nguyễn Văn Quận, nếu việc xét xử tại tòa chỉ căn cứ vào tài liệu đã được cơ quan điều tra thu thập, Viện Kiểm sát xác định và Tòa án dựa vào để quy kết tội trạng thì rõ ràng là không khách quan, có thể không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi của bị cáo. Vì vậy, cải cách tư pháp đã xác định toàn bộ tài liệu, chứng cứ, vật chứng liên quan đến vụ án phải được xem xét, đánh giá tại tòa và được các bên tranh tụng. Tất cả các bằng chứng sẽ được đưa ra để kiểm sát viên cùng bị can, bị cáo và luật sư - người bảo vệ cho bị can, bị cáo cùng tranh luận về hành vi vi phạm pháp luật của bị can, bị cáo. Trong suốt quá trình này, Tòa án chỉ lắng nghe phần tranh luận, chứng minh giữa các bên để đưa ra quyết định cuối cùng chứ không dựa vào tài liệu có sẵn trong hồ sơ để buộc tội bị can, bị cáo. Phải khẳng định rằng, thay đổi cách tranh tụng mang lại hiệu quả cao, góp phần rất lớn trong việc hạn chế, tránh được oan sai, kết án oan cho người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Điều này còn giúp những chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội được minh bạch hóa, có được sự “tâm phục, khẩu phục” của tất cả những ai tham dự phiên tòa, ông Quận nhấn mạnh.

Bài và ảnh: MAI CHI MAI

;
.
.
.
.
.