.

Người sĩ quan say mê sáng tạo

.

Thiếu tá Ngô Minh Hồng, Phó Tiểu đoàn trưởng kỹ thuật Tiểu đoàn 699 - Tăng thiết giáp (Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng) chia sẻ rằng, những sáng tạo của anh đều bắt nguồn từ yêu cầu thực tế của đơn vị.

Đề tài nghiên cứu thành công đầu tiên của Thiếu tá Hồng là “Lắp đặt hệ thống trợ lực tay lái thủy lực cho xe BTR-152”.

Sáng tạo từ thực tiễn

Thiếu tá Ngô Minh Hồng phát biểu tham luận tạ
Thiếu tá Ngô Minh Hồng phát biểu tham luận tại Đại hội Thi đua quyết thắng LLVT thành phố Đà Nẵng.

Thiếu tá Hồng kể, xuất phát từ việc lái xe BTR-152 rất vất vả, nặng nhọc, trong khi nhiều xe có tải trọng và điều kiện hoạt động khắc nghiệt tương tự được sản xuất sau này do có trợ lực lái nên việc vận hành xe nhẹ nhàng hơn, khả năng quay vòng tốt hơn. Suy nghĩ tại sao không vận dụng lắp trợ lực lái cho xe BTR-152, anh Hồng đã mạnh dạn bắt tay vào nghiên cứu. “Một số người góp ý rằng, nghiên cứu đề tài này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đụng chạm đến kết cấu xe, thủ tục để thực hiện phức tạp, kinh phí lớn”, anh Hồng nhớ lại những khó khăn ban đầu. Ghi nhận những lời khuyên của bạn bè nhưng anh vẫn đã miệt mài nghiên cứu. Sau 9 năm, đề tài của anh thành công, giúp việc lái xe BTR-152 đỡ vất vả hơn.

Một đề tài ứng dụng thành công và cũng đầy cam go khác của Thiếu tá Hồng là “Dụng cụ chuyên dùng tháo lắp bánh tỳ xe tăng-thiết giáp chạy xích”, xuất phát từ thực tiễn trong buổi diễn tập MMT08 diễn ra cách đây vài năm. Trong quá trình đơn vị hành quân, xe M-113 số 297 bị văng bánh tỳ, cả kíp phải hì hục thay bánh suốt 3 giờ đồng hồ và suýt bị đe dọa đến tính mạng. Sau buổi diễn tập trở về, anh Hồng trăn trở, suy nghĩ làm thế nào cho đỡ vất vả, đỡ mất thời gian, bảo đảm an toàn hơn khi tháo lắp bánh tỳ. Anh đề xuất ý tưởng với chỉ huy, có sự cộng tác đắc lực của 2 cán bộ trong đơn vị, đề tài nghiên cứu đã hoàn thành sau đó 2 tháng. Anh tâm sự: Với đề tài này, một người có thể tháo lắp bánh tỳ xe tăng-thiết giáp trong vòng 35 phút, còn một kíp xe 2 người thì chỉ mất 20 phút, gồm cả tháo và thay xong một bánh tỳ. Đề tài đã được công nhận sáng kiến loại B cấp Quân khu.

Vợ từ phàn nàn trở thành người động viên

Ngô Minh Hồng công tác tại Tiểu đoàn 699 từ năm 1999, sau đó được bổ nhiệm Tiểu đoàn phó vào năm 2008. Tiểu đoàn 699 là đơn vị binh chủng tăng-thiết giáp, quản lý số lượng lớn trang bị kỹ thuật, song hầu hết đã qua sử dụng nhiều năm nên tình trạng kỹ thuật hạn chế, hay bị hỏng hóc. Vì vậy, công tác bảo đảm kỹ thuật cho trang thiết bị gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Điều đó đã đặt ra yêu cầu đối với ngành Quân khí phải thực hiện khâu: Giữ tốt - dùng bền - cải tiến, nâng cao tính năng của trang bị kỹ thuật hiện có để đáp ứng tốt các tình huống có thể xảy ra.

Trên cơ sở đó, Ngô Minh Hồng tích cực tham mưu cho Đảng ủy, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn tiếp tục duy trì và phát huy tốt tinh thần sáng tạo kỹ thuật của cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên, sáng tạo là việc khó, phải có thực tế, động lực, niềm đam mê, sự kiên trì bền bỉ, phải chấp nhận thất bại để thành công. Đó chính là lý do mà anh Hồng không ngừng sáng tạo và áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong công việc, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của Nhà nước. Tuy nhiên, cái khó nhất của anh chính là kinh phí để làm đề tài, bởi lẽ, tiền lương ít, công việc của vợ lại không ổn định. Anh phải “thắt lưng buộc bụng” để vừa trang trải cuộc sống gia đình, vừa lo cho đề tài còn dang dở. “Nhiều lúc vợ phàn nàn vì cứ thấy tôi cắm cúi mày mò, nghiên cứu, vừa mất thời gian, công sức, tiền bạc. Nhưng thấy tôi quá đam mê nên cô ấy lại trở thành người động viên tích cực nhất. Sự say mê nghiên cứu, sáng tạo dường như đã ngấm vào máu và điều quan trọng là tôi muốn góp sức cho đơn vị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm”, anh Hồng bộc bạch.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.