Năm 2012, Thường trực HĐND thành phố đã chủ động cùng các Ban HĐND tổ chức trên 185 cuộc giám sát, khảo sát thực tế tại các địa phương, cơ sở, các đơn vị, ngành liên quan. Kết quả hoạt động giám sát được thể hiện cụ thể:
1. Các lĩnh vực giám sát Kinh tế - Ngân sách
Tổ chức giám sát về tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2012. Về tình hình sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, thủy sản nông lâm; việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN); hỗ trợ cho các tàu khai thác xa bờ; tình hình xử lý các điểm ô nhiễm môi trường; giải tỏa, đền bù và bố trí đất tái định cư, tiến độ thi công các công trình trọng điểm và các giải pháp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông...
Kết quả giám sát cho thấy trong năm 2012, trước tình hình kinh tế gặp khó khăn, nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng, thành phố đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng nguồn thu; chỉ đạo, điều hành tích cực công tác thu - chi ngân sách trên địa bàn. Đã tổ chức buổi gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo thành phố, Ngân hàng Nhà nước và các DN nhằm tháo gỡ những khó khăn cho DN. Việc thu hút các nhà đầu tư, các DN có quy mô sản xuất lớn vào thành phố còn hạn chế. Một số trạm xử lý nước thải tuy đã cố gắng khắc phục nhưng vẫn còn ô nhiễm. Việc xử lý ngập úng đã được UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt, xử lý ngập úng hằng tháng nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.
Văn hóa-Xã hội
Đã tập trung giám sát về gắn bảng tên đường; quản lý và bảo tồn các di sản văn hóa; công tác quản lý hoạt động kinh doanh karaoke, quán bar, hoạt động quảng cáo; tình hình quản lý sĩ số học sinh đầu cấp, vấn đề dạy thêm học thêm; các khoản thu tại trường học nhằm triển khai thực hiện một cách công khai, thống nhất trên địa bàn thành phố; vấn đề thực hiện BHYT toàn dân, việc tăng viện phí mới theo Thông tư 04 của liên Bộ Y tế-Tài chính; chất lượng phục vụ ở các bệnh viện công trên địa bàn; việc triển khai thực hiện hộ nghèo theo chuẩn mới; công tác giải quyết việc làm; công tác phòng chống tệ nạn xã hội…
Qua giám sát, nhìn chung việc triển khai thực hiện chương trình “3 có” của thành phố ngày càng có hiệu quả và đi vào chiều sâu; công tác an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, đời sống của các hộ nghèo và gia đình chính sách luôn được quan tâm; mạng lưới trường lớp tiếp tục được phát triển hợp lý giữa các ngành học, cấp học; ngành y tế đã có những giải pháp thiết thực để góp phần nâng cao y đức, chất lượng phục vụ; các công trình văn hóa được quan tâm đầu tư. Bên cạnh đó, hiện nay cần tiếp tục quan tâm như: dịch bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng; tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp; một số trường tiểu học ở khu vực trung tâm tiếp tục quá tải dẫn đến số lượng học sinh học 2 buổi/ngày giảm; công tác quản lý dạy thêm, học thêm chưa được triển khai tích cực; một số thiết chế văn hóa hoạt động chưa hiệu quả, các khu vui chơi, giải trí ở địa phương chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Pháp chế
Tăng cường giám sát việc thực hiện Chương trình “5 không”; tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống vi phạm, tội phạm; công tác PCCC; công tác giao nhận quân; công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền; tổ chức giám sát có hiệu quả một số vụ thi hành án tồn đọng phức tạp, kéo dài, tạo niềm tin cho công dân; giám sát tình hình và chất lượng thực hành quyền công tố; điều tra; kiểm sát việc giải quyết, xét xử; kiểm sát tạm giam, tạm giữ, quản lý và giáo dục phạm nhân.
Từ thực tế hoạt động giám sát thấy rằng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, thành phố an bình, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực; công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của công dân được các ngành, các cấp quan tâm; công tác thi hành án dân sự có nhiều cố gắng. UBND các quận, huyện, phường hoạt động tích cực, có nhiều đổi mới trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường… Song, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp; kết quả kiềm chế và giảm tai nạn giao thông chưa thật bền vững. Trong công tác PCCC, người đứng đầu cơ sở chưa thật sự thấy hết trách nhiệm và quan tâm đầu tư cho công tác này; việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn xảy ra; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán vẫn chưa khắc phục được.
Giám sát thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường
Từ khi tiến hành thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, công tác giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố vẫn tiếp tục bám sát cơ sở; đã tổ chức giám sát nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực đặc biệt là giám sát hoạt động đối với cơ quan tư pháp ở quận, huyện và tại UBND phường, xã. HĐND thành phố đã thành lập Phòng xử lý nhanh thông tin đường dây nóng nên công tác giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của UBND các cấp được tăng cường hơn. Ngoài ra, các Ban của HĐND thành phố đã tổ chức các buổi làm việc với UBND quận, huyện theo định kỳ để thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của UBND quận, huyện.
Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND trên địa bàn cho thấy đã đạt kết quả nhất định, vẫn bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương. Thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể và Chủ tịch UBND quận, phường cũng được nâng lên, tính chủ động của lãnh đạo UBND trong việc thực thi trách nhiệm và quyền hạn được phát huy.
Về công tác dân nguyện Công tác tiếp xúc cử tri
Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức Hội nghị Rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp tiếp xúc cử tri của ĐBQH, đại biểu HĐND thành phố. Từ đó đã thống nhất cải tiến trong công tác tiếp xúc cử tri; góp ý sửa đổi bổ sung Quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Nhìn chung, hoạt động tiếp xúc cử tri ngày càng được cải tiến, rút ngắn thời gian báo cáo của đại biểu, dành nhiều thời gian cho cử tri phản ánh tâm tư nguyện vọng. Thường trực HĐND thành phố luôn quan tâm, theo dõi và đôn đốc UBND thành phố, các ngành, các cấp liên quan trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri ngày càng kịp thời, có hiệu quả.
Công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại
Tính đến ngày 20-11-2012, Thường trực HĐND thành phố đã tiếp nhận 3.357 đơn. Trong đó, có 2.967 đơn thư gửi trực tiếp Chủ tịch HĐND và 390 đơn gửi Thường trực HĐND thành phố.
Đối với đơn gửi trực tiếp Chủ tịch HĐND thành phố, trên 80% đơn có nội dung phản ánh, kiến nghị, thỉnh cầu. Hầu hết các đơn đã được Chủ tịch xử lý chuyển trực tiếp các cơ quan có thẩm quyền xử lý, trả lời cho công dân.
Đối với 390 đơn gửi Thường trực HĐND, đơn khiếu nại chiếm tỷ lệ 12%, tố cáo chiếm 6%; còn lại đơn có nội dung phản ánh, kiến nghị, thỉnh cầu liên quan đến lĩnh vực đất đai và chính sách chế độ liên quan khác 82%. Đến nay, Thường trực HĐND thành phố đã xem xét, xử lý 390/390 đơn, đạt 100%. Qua theo dõi, có hơn 82% các cơ quan, đơn vị đã báo cáo kết quả giải quyết đơn công dân. Các trường hợp chậm giải quyết và báo cáo, Thường trực HĐND tiếp tục đôn đốc giải quyết.
Ngoài ra, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức họp giải quyết dứt điểm 9 trường hợp khiếu nại bức xúc kéo dài. Tiến hành rà soát, đôn đốc cùng với UBND thành phố, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện trong việc tiếp nhận giải quyết đơn thư của công dân.
Công tác tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng
Sau hơn 8 tháng đi vào hoạt động, Bộ phận Xử lý nhanh thông tin qua đường dây nóng của Thường trực HĐND thành phố tiếp tục được kiện toàn về nhân sự, chấn chỉnh, đổi mới về phương pháp hoạt động. Đến nay đã tiếp nhận 1.562 thông tin phản ánh của người dân qua điện thoại nóng. Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo bộ phận này kết hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương tiến hành thẩm tra, xác minh và báo cáo với Thường trực HĐND để có ý kiến chỉ đạo xử lý nóng đối với 693 thông tin; chuyển cho các cơ quan thẩm quyền và kết hợp đôn đốc, giám sát có kết quả đối với 869 thông tin. Qua điểm báo, đã tiến hành kiểm tra, xác minh đối với 213 thông tin phản ánh của các báo, đài; ban hành 126 văn bản giao cho UBND các cấp và sở, ban, ngành kiểm tra, xử lý kịp thời.
Thường trực HĐND tiến hành tiếp nhận và cho xác minh gần 1.500 trường hợp và xử lý đơn xin thuê, mua căn hộ chung cư; khảo sát, phúc tra hộ nghèo, đề xuất hỗ trợ tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng bằng nguồn vốn huy động của các nhà hảo tâm, DN cho các hộ nghèo để sớm thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
2. Đánh giá chung
Năm 2012, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND thành phố đã có nhiều đổi mới, tăng cường hoạt động, triển khai hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm trong đó có hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng có chất lượng, hiệu quả và đi vào chiều sâu. Sau giám sát luôn có những kiến nghị kịp thời để Thường trực HĐND kết luận, có ý kiến để UBND, các ngành, các cơ quan chức năng tổ chức triển khai. Ngoài ra, Thường trực và các Ban HĐND thành phố luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố để thực hiện một số nhiệm vụ như: đôn đốc việc triển khai các Nghị quyết của HĐND tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 cũng như kết luận của Chủ tịch HĐND thành phố; giải quyết những kiến nghị, khiếu nại kiến nghị của công dân và những bức xúc của cử tri; cùng với UBND thành phố giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn.
Tuy nhiên, hoạt động của Thường trực, các Ban và các tổ đại biểu vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định; hoạt động giám sát được triển khai trên diện rộng nhưng hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế, chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện các kiến nghị giám sát, chưa thực hiện việc giám sát chuyên đề… đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động chung của HĐND thành phố.
3. Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2013
Năm 2013, Thường trực và các Ban của HĐND thành phố đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1- Tổ chức có hiệu quả các hoạt động giám sát theo chương trình, trong đó tập trung giám sát việc thực hiện Nghị quyết HĐND thành phố về nhiệm vụ năm 2013.
2- Tổ chức tốt kỳ họp thứ 6, 7 năm 2013 của HĐND thành phố khóa VIII; phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tốt việc tiếp xúc cử tri của các đại biểu HĐND thành phố trước kỳ họp thứ 6 và 7.
3- Tiếp tục giám sát việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
4- Tập trung giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri; triển khai thực hiện giám sát một số chuyên đề mang tính chuyên sâu về các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng trên địa bàn thành phố.
5- Thực hiện tốt hơn việc điều hòa phối hợp hoạt động của các Ban HĐND trong hoạt động giám sát, phát huy hơn nữa vai trò của các tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND trong công tác giám sát.
6- Triển khai thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh do HĐND bầu; triển khai lấy ý kiến nhân dân dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
7- Tham gia tích cực vào các chương trình giám sát của Quốc hội tại địa phương và các hội nghị, hội thảo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan trực thuộc Quốc hội, Chính phủ tổ chức.
(Trích Báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND thành phố năm 2012, nhiệm vụ trọng tâm năm 2013)
(*) Tít chính do Tòa soạn đặt