.

Tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng

(Trích báo cáo của Viện KSND thành phố do Viện trưởng TRẦN THANH VÂN trình bày)

Năm 2012, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được giữ vững, tuy nhiên tình hình trật tự an toàn xã hội vẫn diễn biến phức tạp, số vụ án và tội phạm có chiều hướng gia tăng, số mới khởi tố tăng 78 vụ/126 bị can so với cùng kỳ năm 2011 (697vụ/1.242 bị can so với 619 vụ/1.116 bị can), chủ yếu là các loại tội phạm: ma túy, cố ý gây thương tích, hiếp dâm trẻ em, các loại tội xâm phạm sở hữu như trộm cắp tài sản.

Trong đó, tội phạm về ma túy tăng hơn 30% về số vụ so với năm 2011, nơi xảy ra tội phạm chủ yếu là trong nhà nghỉ, khách sạn, vũ trường. Nguyên nhân chính là do số lượng người nghiện và tái nghiện tăng. Số người nghiện ma túy đa phần đều còn rất trẻ, đang ở độ tuổi vị thành niên là một nguy cơ tiềm ẩn về tội phạm trong tương lai. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tăng hơn so với cùng kỳ năm 2011, xảy ra ở cả vùng ngoại ô và nội thành. Trong 7 vụ có 3 bị can đã thành niên, còn lại đều là những người chưa đủ tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra các loại tội nghiêm trọng mà dư luận quan tâm như giết người với tính chất nguy hiểm và có nhiều đối tượng tham gia. Tình hình mâu thuẫn trong một bộ phận nhân dân không được giải quyết theo pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều băng nhóm bắt giữ người trái pháp luật nhằm đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội. Từ năm 2011 đến ngày 31-5-2012 đã có 8 vụ/23 bị can liên quan đến việc đòi nợ thuê như bắt giữ người trái pháp luật cưỡng đoạt tài sản, bắt cóc… Tình hình trộm cắp tài sản không được đẩy lùi mà diễn biến ngày càng phức tạp, chiếm 30,4% các vụ mới khởi tố. Công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội trên một số lĩnh vực còn chưa hiệu quả, có lĩnh vực như dịch vụ cầm đồ gần như thả nổi, nhiều sai phạm trong hoạt động công chứng và tín dụng để lại hậu quả đang phải tập trung giải quyết.

Trong tổng số 1.242 bị can mới khởi tố, có 69 bị can là người chưa thành niên, chủ yếu tập trung ở các tội trộm cắp tài sản, chiếm tỷ lệ 5,5%, giảm 6,8% so với cùng kỳ 2011. Trong số bị can mới khởi tố có 164 bị can là nữ, chiếm 13,2%; 79 bị can có tiền án, tiền sự chiếm 6,4%; 297 bị can có hộ khẩu ngoại tỉnh, chiếm 23,9%; 511 bị can không có nghề nghiệp, chiếm 41,1%.

Số lượng án tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình phát sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong năm qua có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm trước (4.282/4.419 vụ, việc) nhưng tính chất hết sức phức tạp, các vụ án tranh chấp về tài sản có giá trị lớn về quyền sử dụng đất, thừa kế. Các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật gia tăng về số lượng, diễn biến đa dạng và phức tạp hơn trước. Các dạng tranh chấp chủ yếu trong án kinh doanh thương mại phổ biến là hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng tín dụng, hợp đồng xây dựng, tranh chấp nội bộ các thành viên trong doanh nghiệp, ngoài ra có một số vụ việc mới xuất hiện có yếu tố nước ngoài như yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài.
Viện Kiểm sát hai cấp đã chủ động phối hợp với các ngành hữu quan nâng cao chất lượng công tác thi hành án hình sự, các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án đều có căn cứ, đúng pháp luật. Đến nay, số án tù có thời hạn phải thi hành 797 bị án; đã thi hành 761 bị án (đạt tỷ lệ 95,5%), chưa thi hành 36 bị án. Trong đó số trốn thi hành án đã có lệnh truy nã là 11, hoãn thi hành án 17, đang chờ tống đạt 1, tại ngoại trong thời gian tự nguyện thi hành 7. Tổng số bị án phải thi hành án treo, cải tạo không giam giữ là 232 bị án.

Trong năm 2013, Viện KSND thành phố tập trung thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ do cấp ủy giao, gắn việc thực hiện nhiệm vụ công tác của ngành với việc giữ vững an ninh-trật tự, trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành nhất là đối với công tác thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; chủ động kiểm sát việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố và quá trình điều tra, hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, không để xảy ra các trường hợp đình chỉ điều tra bị can vì không phạm tội; nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử những vụ án trọng điểm, phức tạp; tăng cường kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh thương mại và vụ án hành chính…

Đ.L lược trích

;
.
.
.
.
.