.
VẤN ĐỀ CỬ TRI QUAN TÂM

Nhà sinh hoạt cộng đồng

.

Thiếu số lượng, yếu chất lượng

Với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh, hầu hết các khu dân cư ở nội thành không còn đất trống để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng vẫn là đề tài nóng được nhiều người dân quan tâm tại các cuộc tiếp xúc cử tri.

Có được một nhà sinh hoạt văn hóa khang trang là niềm mơ ước của nhiều tổ dân phố. Trong ảnh: Cán bộ, nhân dân tổ dân phố 35 và 36, phường Thuận Phước tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” tại nhà sinh hoạt văn hóa của mình.
Có được một nhà sinh hoạt văn hóa khang trang là niềm mơ ước của nhiều tổ dân phố. Trong ảnh: Cán bộ, nhân dân tổ dân phố 35 và 36, phường Thuận Phước tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” tại nhà sinh hoạt văn hóa của mình.

Hải Châu là quận trung tâm của thành phố nên việc có được những lô đất trống để xây nhà sinh hoạt cộng đồng được xem là “xa xỉ” đối với các phường. Ông Nguyễn Đức Hiền, tổ 14, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu cho biết: “Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vừa qua, chúng tôi phải thuê rạp để làm nơi tổ chức. Cũng đã có gia đình chấp nhận đổi một khu đất trống khoảng 75m2 để làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, cấp trên vẫn chưa đồng ý vì mảnh đất này quá nhỏ. Chúng tôi thấy rằng, hiện ở khu dân cư chúng tôi không còn chỗ nào rộng hơn nên việc tìm một vị trí thích hợp hơn là rất khó và nhận thấy khu đất này là khả thi nhất. Chúng tôi mong muốn cấp trên xem xét để có nơi xây nhà sinh hoạt cộng đồng”.

Bà Hồ Thị Thúy Nga, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Thanh Bình (quận Hải Châu) chia sẻ: “Hiện nay tìm những lô đất trống trên địa bàn quận Hải Châu để xây nhà sinh hoạt cộng đồng là quá khó khăn. Sau khi tổ chức lại tổ dân phố với quy mô nhỏ sẽ giúp giải quyết được phần nào cho vấn đề này. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng muốn cho tổ dân phố mượn nhà mình để sinh hoạt bởi điều này sẽ làm thay đổi nếp sống sinh hoạt thường ngày của gia đình”.

So với quận Hải Châu, quận Thanh Khê hiện nay còn có nhiều đất trống tại các vùng mới tái định cư, đặc biệt là các phường An Khê, Hòa Khê. Ngoài ra, quận Thanh Khê có đến 1.565 ngôi mộ phải di dời ra khỏi khu dân cư. Đến cuối tháng 8, đã có 493 ngôi mộ được di dời và 301 ngôi mộ được các thân nhân đăng ký di dời trong tháng 9 và đầu tháng 10-2012. Đây là điều kiện thuận lợi để các khu dân cư tận dụng các khu đất trống làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Ông Ngô Bình, phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) trăn trở: “Ở khu dân cư chúng tôi có khoảng 300 hộ dân nhưng không có nhà sinh hoạt cộng đồng. Chúng tôi đã có kiến nghị làm nhà sinh hoạt cộng đồng trên đất trống đã di dời mồ mả ra khỏi khu dân cư nhưng đến nay vẫn chưa có”.

Việc tận dụng các lô đất còn trống trong các khu dân cư ở những khu vực mới tái định cư để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng là có nhiều khả thi hơn. Ông Huỳnh Tấn Thưởng, tổ 196, phường An Khê cho biết: “Ở khu vực chúng tôi còn nhiều khoảng đất trống gây ô nhiễm. Đây là nơi thích hợp để xây nhà sinh hoạt cộng đồng, vừa giúp các tổ dân phố có địa điểm sinh hoạt, đồng thời giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường”.

Có định tính mà chưa định lượng

Ngoài một số lượng lớn khu dân cư chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng thì một số khu dân cư đã có nhà sinh hoạt lại hoạt động không hiệu quả và thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương. Một nhà nghiên cứu văn hóa (xin được giấu tên) bức xúc: “Thậm chí chúng tôi đã đề nghị với chi bộ địa phương thành lập nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên cơ sở thiết chế văn hóa cũ còn lại và chúng tôi tự nguyện cung cấp tài liệu, báo chí, sách và các tạp chí của Đảng nhưng đến nay vẫn chưa được địa phương quan tâm”.

Nói về tầm quan trọng của nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, ông Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng cho biết: “Ngày xưa, người dân tập trung sinh hoạt văn hóa ở đình làng. Đình làng còn là nơi trao đổi giống má, cây trồng, vật nuôi thông qua lễ hội đình làng. Khi chuyển lên đô thị hóa, nhà văn hóa thông tin là nơi sinh hoạt, giao lưu, trao đổi, đọc báo, nghe tin tức thời sự và các nghị quyết của Đảng. Chúng ta cũng đã từng thành lập tủ sách pháp luật nhưng không có hiệu quả vì còn xa dân. Do đó, chủ trương xây nhà sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư sẽ có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiện nay nhà sinh hoạt cộng đồng vẫn còn thiếu do nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần do đội ngũ quản lý địa phương còn yếu. Tùy theo mỗi địa phương mà có nội dung sinh hoạt cộng đồng sao cho phù hợp với nhà sinh hoạt cộng đồng. Rất tiếc là một số nơi đã hình thành nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng chưa có phương thức hoạt động của nhà sinh hoạt cộng đồng, mới có định tính mà chưa có định lượng.

Nhà văn hóa cộng đồng và các hoạt động của nhà văn hóa cộng đồng chính là giá trị văn hóa của cộng đồng. Phải coi những hoạt động văn hóa ở nhà văn hóa cộng đồng là nền tảng cho công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Vì vậy, việc xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở khu dân cư là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay bởi không chỉ góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” mà còn góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở mỗi địa phương.

Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.