Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng:
Hiến pháp phải bảo đảm tính khả thi quyền con người
Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định tại Chương II của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992 từ Điều 15 đến Điều 52. So với HP hiện hành, một trong những thay đổi lớn là: Bỏ bớt ở nhiều điều cụm từ “theo quy định của pháp luật” vì cách thể hiện các quyền kèm theo cụm từ trên đã vô tình hạn chế thực hiện trên thực tế. Do các cơ quan Nhà nước cho rằng, phải có pháp luật quy định thì người dân mới được hưởng các quyền mà HP quy định. Hơn nữa, việc sử dụng từ “pháp luật” ở đây được hiểu là tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, từ luật do Quốc hội (QH) ban hành đến quyết định của UBND xã.
Tuy nhiên, với 38 điều của Chương 2, mặc dù trong đó có 5 điều mới, 30 điều sửa đổi, bổ sung và chỉ giữ nguyên 3 điều, nhưng vẫn còn mang tính tuyên ngôn, không ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ các quyền và cũng chưa có cơ chế để thực hiện các quyền. Tôi e rằng, như vậy HP cũng phải chờ luật thôi, có khi còn lâu hơn cả luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, thậm chí quyền đã được HP quy định còn có thể bị “treo”.
Thực tế, qua gần 20 năm nay nhưng vẫn chưa có các luật chi tiết hóa các quyền: được thông tin, lập hội, biểu tình, trưng cầu ý dân mà HP 1992 đã quy định.
Quyền con người – ngoài những cá nhân được xác định là công dân, còn bao hàm những người không phải là công dân (người nước ngoài, người không có quốc tịch, người bị tước quốc tịch).
Như vậy, con người không chỉ tồn tại với tư cách là công dân của một quốc gia, mà còn là thành viên của cộng đồng quốc tế. Vì thế, người dân có quyền con người, quyền công dân hay không? Có nhiều hay ít? Có thực chất hay hình thức?... Tất cả điều đó chủ yếu phụ thuộc vào việc giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trên phương diện pháp lý. Do đó, tôi đề nghị sửa đổi theo hướng:
- Các quyền vốn có của con người phải được HP quy định, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.
- Nên phân các quyền thành 2 nhóm:
Một là, nhóm quyền chỉ bị hạn chế bởi luật của QH, đó là các quyền con người, quyền công dân về lĩnh vực chính trị (như: quyền bầu cử, ứng cử, trưng cầu ý dân) và các quyền về tự do dân chủ (như: quyền bất khả xâm phạm về thân thể, chỗ ở, đời sống riêng tư, tín ngưỡng, tôn giáo…). Qua đây, đề nghị trong thời gian tới cần nghiên cứu nâng Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo lên thành luật cho phù hợp với Điều 51 HP 1992 và nay là khoản 2, Điều 20 của dự thảo.
Hai là, nhóm quyền bị hạn chế bởi pháp luật, đó là các quyền về kinh tế, dân sự, văn hóa xã hội (như: quyền sở hữu, quyền làm việc, bảo vệ sức khỏe, học tập…). Đồng thời phải có quy định để ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ các quyền; phải xây dựng một hệ thống thủ tục cụ thể, đơn giản, chính xác và thuận lợi để người dân thực hiện.
Hơn nữa, rất cần có quy định để hạn chế sự tùy tiện của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình chi tiết hóa các quyền; cũng như tạo cơ chế để người dân có thể khiếu kiện, yêu cầu xử lý các cơ quan, tổ chức vi phạm các quyền của mình. Do đó, đề nghị bổ sung một điều mới vào cuối chương này với nội dung gồm 2 khoản sau:
1- Việc ban hành các quy định hạn chế quyền về chính trị, tự do dân chủ trong HP chỉ tiến hành trong trường hợp thật cần thiết (ví dụ: vì lý do quốc phòng – an ninh, hay là trong tình trạng khẩn cấp), thay cho khoản 3, Điều 17 của dự thảo.
2- Công dân có quyền khởi kiện tại Tòa án khi quyền của mình bị xâm phạm.
Về cụ thể:
Dự thảo kế thừa và khẳng định: Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân (Điều 2). Bổ sung hình thức nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp. Mở rộng hình thức dân chủ đại diện, không chỉ thông qua QH và HĐND như trước, mà còn thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 6).
Tuy nhiên, để thực sự tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, đề nghị sửa đổi theo hướng: Bổ sung và hoàn thiện các quy định về quyền của người dân đối với Nhà nước, bảo đảm cho người dân thực sự là chủ và làm chủ được Nhà nước, mà nhất là các quyền thể hiện dân chủ trực tiếp.
Theo dự thảo, quyền dân chủ trực tiếp mới dừng lại ở quyền trưng cầu ý dân. Vì vậy, kiến nghị 3 vấn đề sau: Thứ nhất, cần đổi mới việc bầu cử đại biểu QH để tăng cường trách nhiệm của đại biểu QH trước cử tri. Thứ hai, cần xem lại quy định về trưng cầu ý dân, vì nếu chỉ quy định: “Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân” (Điều 31) và “QH quyết định việc trưng cầu ý dân” (khoản 15, Điều 76) là chưa có sự phân định giữa quyền lực của QH và quyền lực của nhân dân, mà gần như QH toàn quyền. Do đó, đề nghị: Quy định việc trưng cầu ý dân cần kết hợp quyền của người dân và thẩm quyền của QH, đồng thời cũng cần xác định trong HP trường hợp nào thực hiện trưng cầu ý dân. Thứ ba, bổ sung vào HP: quyền phúc quyết của nhân dân. Thực tế, quyền này đã được xác định trong HP đầu tiên 1946, tại Điều 21 quy định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về HP và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”.
Quyền này được hiểu là người dân có quyền quyết định cuối cùng về một số vấn đề trọng đại của đất nước, thông qua việc Nhà nước tổ chức lấy ý kiến nhân dân về vấn đề nào đó và phải được sự ủng hộ của đa số người dân thì mới làm (ví dụ: việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân chẳng hạn…).
Có nghĩa là: Nhân dân là người quyết định, còn Nhà nước là người chấp hành, tổ chức thực hiện quyết định đó. Điều đó khác với việc Nhà nước đứng ra lấy ý kiến nhân dân để đi đến quyết định của mình, như là trưng cầu ý dân. Đồng thời, dự thảo cần xác định rõ lĩnh vực, vấn đề nào chỉ do nhân dân trực tiếp quyết định thông qua quyền phúc quyết của mình và điều kiện để bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền này.
Cuối cùng, HP cũng phải có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với các hoạt động quản lý Nhà nước. Có như vậy mới bảo đảm tính khả thi của quyền con người, quyền công dân mà HP đã quy định, vì theo Lênin: “Một đường lối đúng không chỉ là đường lối có những mục tiêu cao cả, đẹp đẽ mà còn phải, hay chủ yếu đường lối đó phải có khả năng thực hiện được”.