Từ ngày Ních-xơn lật lọng đến ngày Mỹ phải ký hiệp định khoảng 100 ngày, trùng với mùa mưa miền Trung. Chúng tôi về núi. Không thể trụ ở đồng bằng vì lũ lụt sẽ là cơ hội để địch lợi dụng “nước ngập bắt dế”. Nhịp độ công tác của chúng tôi như giãn ra. Chúng tôi nóng lòng chờ đợi. Mỹ nhất định sẽ giở trò gì, tung chiêu gì đây. Tin B52 đánh phá hủy diệt Hà Nội và nhiều vùng ở miền Bắc làm chúng tôi đau nhói, căm hận nhưng chúng tôi không bất ngờ.
Ở chiến trường, chúng tôi đã chịu trận với B52 nhiều lần. Những tiếng ầm ì nặng nề vọng lên đâu đó trên trời rất cao. Bom hạng nặng đổ xuống, không một tín hiệu báo trước. Mặt đất rung lên dữ dội. Cây cối như bị những lưỡi dao sắc bén quét đứt đổ rạp ngả nghiêng. Nhà cửa như bị đào bới, san phẳng tan hoang. Ở miền Nam, địa điểm oanh kích của B52 là những vùng quê dân đã bị xúc, tát gần hết, người ở thưa thớt, là những vạt rừng dãy núi mà chúng nghi là nơi đồn trú của cán binh Việt cộng. Còn B52 dội bom xuống Hà Nội thì sao? Nhà cửa san sát, dân cư dày đặc. Chúng tôi không thể hình dung nổi những tai họa khủng khiếp mà bà con phải gánh chịu.
Ních-xơn trong thế bí, tin rằng sức mạnh hủy diệt của hàng ngàn tấn bom B52 trút xuống đầu dân lành sẽ là đòn quyết định tạo sức ép cho cuộc đấu trí trên bàn đàm phán. Còn chúng tôi, chúng tôi tin là cũng như mình ở đây, bà con, đồng chí mình ở Hà Nội, ở cả hậu phương sẽ đứng vững và giành thắng lợi trong cuộc đọ sức thi gan này.
Chúng tôi như nghe vang vọng về tiếng nói ấm áp mà kiên quyết của Bác Hồ “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Chúng tôi như muốn nói với Bác, chúng con đang làm theo lời Người đây. Vì độc lập, vì tự do chúng tôi nghiến răng ngẩng cao đầu quyết thắng trong cuộc thi gan này.
Chúng tôi reo mừng khi Hà Nội đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm. Cả thế giới một lần nữa phát hiện và khâm phục sức mạnh Việt Nam, lên án tiệc máu Nô-en của Ních-xơn. Kít-sin-gơ và Lê Đức Thọ trở lại Paris. Hiệp định vẫn là văn bản mà hồi tháng 10 hai bên đã thỏa thuận.
Ngày 27-1-1973, Hiệp định được ký trong một cảnh quan trang nghiêm rực rỡ. Hàng triệu người Việt Nam hướng về Paris mừng vui trào nước mắt, còn chúng tôi từ núi Duy Xuyên băng bộ xuống đồng bằng với kịch bản hiệp định và những dự tính về những công việc, những tình huống mới mẻ.
Những ngày Tết Quý Sửu năm ấy thật là những ngày đặc biệt. Đã nhiều mùa xuân ăn Tết ở chiến trường, dù ở vùng giải phóng ven sông Thu hay ở giữa đại ngàn Trà My, chúng tôi vẫn có những ngày Tết khá đầy đủ trong vòng tay đầm ấm của bà con, trong niềm mến thương của đồng đội với những giờ khắc yên tĩnh giữa cuộc chiến ác liệt. Ngay cả Xuân Mậu Thân không vào ăn Tết ở Đà Nẵng được như dự kiến rồi tức tưởi trở về, chúng tôi không chỉ vẫn có đủ bánh tét, thịt heo mà còn được bà con động viên “thua keo này ta bày keo khác”. Tết năm Sửu này chúng tôi tất bật bộn bề, căng thẳng với bao công việc hầu như không có Tết.
Những ngày hiệp định có hiệu lực đầu tiên, chúng tôi ngỡ ngàng, cảm động vì những hình ảnh cắm cờ lấn đất, giành dân dù đây là chủ trương đã có trong kịch bản. Không rõ bằng cách nào mà đồng bào, đồng chí ta có nhiều cờ đến thế, nhìn những lá cờ nửa đỏ nửa xanh rực rỡ sao vàng tung bay trên những cột cờ cao thấp, lớn bé đủ loại. Màu cờ nổi bật giữa cây cỏ mùa xuân ai cũng phấn chấn, náo nức.
Nhưng rồi không phải đợi chờ, nhiệm vụ lên án, tố cáo Mỹ-Thiệu vi phạm, chống phá hiệp định đến ngay dồn dập hơn mọi dự báo.
Chiến tranh vẫn diễn ra như khi chưa có hiệp định. Tôi còn nhớ trong một buổi giao ban, một đồng chí đã hỏi thẳng người chủ trì “Ông Tố Hữu làm thơ đã tắt hôm nay lửa chiến trường, chúng ta ngồi đây nghe rõ tiếng bom pháo có khác gì trước, cho tôi xin hỏi đã tắt hay chưa lửa chiến trường”.
Nhưng rồi chúng tôi thấy, với hiệp định, mục tiêu “đánh cho Mỹ cút” đã thành hiện thực, tất yếu mục tiêu “đánh cho ngụy nhào” sẽ được giải quyết.
Sau nhiều tháng căng thẳng, có lúc tơi bời, chúng tôi đã thấy một vài tín hiệu vui. Ở những vùng trắng, việc trài dân, cấy dân dù còn nhỏ nhoi nhưng đã có cơ tạo thế hợp pháp xanh đồng, đông chợ. Phong trào Đà Nẵng-Hội An cùng với Sài Gòn mà vị thế lực lượng thứ ba được ghi trong hiệp định, hoạt động mạnh mẽ, tự tin hơn.
Và chỉ sau 5 - 7 tháng xuống đồng bằng quần nhau với địch, trở lại căn cứ chúng tôi thấy cả một sự thay đổi bất ngờ. Rừng già Trường Sơn ngày nào im lìm nuôi nấng, che giấu chúng tôi nay như bừng thức. Đường ống xăng dầu đã đi qua T’rao vào đến tận Lộc Ninh. Đường Hồ Chí Minh, đường xe đông Trường Sơn như những lát cắt khổng lồ xẻ núi. Ở ngã ba Giằng, xe chở quân, chở hàng nối nhau về phía Nam cuốn tung bụi đỏ.
Ngày chưa xa lắm khi địch đổ quân vào căn cứ Hòn Tàu quyết vây diệt chỉ huy sở Mặt trận Quảng Đà, chúng tôi hành quân về vùng núi huyện Giằng gặp ngay lúc cạn kho lương thực. Mọi cơ quan đều phải ăn bắp “bảy lửa”. Chẳng là bắp được các đồng chí lương thực mua rồi chôn lấp ở Vùng B Đại Lộc, bị ngập lụt nó thúi không thể chịu được. Nhưng không còn gì nữa vẫn phải ăn. Nấu sôi rục rồi chắt nước, nấu đi nấu lại bảy lần, ráng mà nuốt.
Giờ đây, xe chở những bao gạo trắng thơm đến tận kho lương thực, chúng tôi còn có đủ thứ thực phẩm trứng bột, ruốc bông, sữa, đường… Có anh cán bộ đứng ở bến Giằng lẩn thẩn đếm từng chiếc xe đi qua, đếm một hồi con số lớn quá mà đoàn xe vẫn nối nhau đi về phía Nam, anh đành bỏ cuộc trong niềm vui khôn tả. Có người đứng sát đoàn xe không sợ bụi mà còn hít hà mùi xăng nói là xăng của ta thơm quá. Cán bộ và bộ đội giải phóng, bà con đồng bào dân tộc và cả đồng bào Kinh chạy giặc từ đồng bằng lên đây đau ốm (phần lớn là sốt rét) đều được truyền dịch, tiêm thuốc thoải mái, đâu còn cảnh uống cùng viên thuốc chia đau.
Bây giờ, mỗi khi nhớ về 40 năm trước, tôi cứ nghĩ sao lạ vậy. Chúng tôi là những người lính, những cán bộ bình thường ở một góc khuất vô danh nào đó của một chiến trường mông mênh và dữ dội vậy mà lại gắn kết với biết bao con người và sự kiện lớn lao quan trọng.
Từ những ngày hè đỏ lửa ở Thành cổ Quảng Trị đến những cuộc xuống đường của sinh viên và nhân dân Sài Gòn, từ chiến công của một nội tuyến đánh chìm tàu Mỹ ở cửa Hàn, đến một bà mẹ bị xúc cả chục lần lên trực thăng vào khu dồn lại tháo củi sổ lồng trở về mái tranh nghèo Xuyên Hòa, và cả những thăng trầm của cuộc hòa đàm Paris. Chúng tôi không chỉ biết mà rõ là có dự phần, có trách nhiệm.
Và vì vậy, chúng tôi được biết và chú ý đến Kít-sin-gơ, có thể bởi ông ta từng có một câu nói ngồ ngộ “Trong cuộc chiến này Việt cộng không thua tức là họ thắng, còn chúng ta (người Mỹ) không thắng tức là chúng ta thua”. Chúng tôi cũng biết với hòa đàm Paris mà ông đã tham gia đấu trí, đối thoại, Kít-sin-gơ được đồn thổi là “bộ óc của nước Mỹ”, “người gốc Do Thái thông minh nhất trong các chính khách Mỹ”.
Chúng tôi còn biết một điều thú vị. Ngày 8-2-1973, mùa xuân Quý Sửu trong chuyến thăm ngắn ngủi Hà Nội khi tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nghe người giới thiệu (dịch) bài thơ thần của Lý Thường Kiệt:
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Ông ta đã buột miệng “đây là điều 1 của Hiệp định Paris”.
Chắc chắn là chỉ sau khi thi thố tất cả mọi thủ đoạn thâm độc tàn bạo, sau khi tung hết sức mạnh quân sự, kỹ thuật của siêu cường số 1 mà không làm chúng ta run sợ, sau khi cảm nhận rõ ràng lòng yêu nước, ý chí vì độc lập, tự do, ý thức về độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi người và mọi người Việt Nam, ngọn nguồn sức mạnh vô tận, vô địch Việt Nam, Ních-xơn và Kít-sin-gơ mới chịu ký, mới chấp nhận thất bại.
Ngay lúc này đây dù bao năm tháng qua đi, dù cuộc đời có bao chuyển biến, ý chí đó, tinh thần đó vẫn còn nguyên vẹn trong tôi, trong các bạn, trong tất cả chúng ta.
Nhất định là như thế.
NGUYỄN ĐÌNH AN