Đúng 40 năm trước, ngày 27-1-1973, tại Paris, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Hiệp định đã buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Thế giới gọi hội nghị đàm phán ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam là cuộc “Hòa đàm thế kỷ”.
Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris. (Ảnh tư liệu) |
Hiệp định Paris là cuộc “Hòa đàm thế kỷ” bởi đó là cuộc đàm phán để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20, cuộc chiến tranh diễn ra trên phạm vi một nước, nhưng lại là tiêu điểm của những mâu thuẫn và xung đột mang tính thời đại: giữa độc lập dân tộc và CNXH với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, giữa hòa bình và chiến tranh. Cuộc đàm phán Paris có thời gian kéo dài 5 năm, từ ngày 15-3-1968 đến ngày 27-1-1973, trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, hàng nghìn cuộc mít-tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam.
Ngày 13-5-1968, cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ bắt đầu tại Paris và gần 6 tháng sau đã đi đến thỏa thuận về việc Mỹ chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 31-10-1968, đồng thời thỏa thuận về việc triệu tập tại Paris một hội nghị để bàn việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Ngày 25-1-1969, Hội nghị Paris về Việt Nam họp phiên đầu tiên, đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh Việt Nam: đọ sức trên mặt trận ngoại giao đồng thời với đọ sức trên chiến trường; với Việt Nam là tạo cục diện “vừa đánh vừa đàm”. Hội nghị Paris về Việt Nam là mũi nhọn và tiêu điểm của mặt trận ngoại giao của ta thời chống Mỹ, cứu nước.
Cả ta và đối phương đều đến Hội nghị với những mục đích và đòi hỏi đối lập nhau. Ta đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam… Mỹ nói muốn chấm dứt chiến tranh, nhưng lại đòi miền Bắc và Mỹ cùng rút quân; đòi khôi phục lại khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn; có nghĩa là tiếp tục duy trì chế độ thực dân mới ở miền Nam, chia cắt lâu dài Việt Nam.
Chính vì những đòi hỏi khác nhau đó mà đàm phán vừa mở ra mấy tháng đã dẫm chân tại chỗ. Ðể khai thông, ngày 8-5-1969, Ðoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa ra Giải pháp toàn bộ 10 điểm về việc giải quyết vấn đề Việt Nam. Ðáp lại, ngày 14-5-1969, Tổng thống Mỹ R.Nixon, qua diễn văn đọc trên truyền hình Mỹ, đã đưa ra 8 điểm của giải pháp cho vấn đề Việt Nam. Giải pháp của hai bên vẫn đối chọi nhau như nước với lửa.
Ngày 6-6-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập. Ngày 8-6, Tổng thống Nixon công bố chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, chủ trương tìm một con đường khác chứ không phải thông qua đàm phán để rút được quân Mỹ ra khỏi chiến tranh mà vẫn giữ được chính quyền và quân đội Sài Gòn. Chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” đã thật sự đẩy cuộc đàm phán Paris vào chỗ bế tắc. Những năm 1969 - 1972 là những năm giằng co quyết liệt giữa ta và địch trên chiến trường cũng như tại bàn đàm phán.
Ngoại giao của ta lúc này vẫn kiên trì vận dụng sách lược “vừa đánh vừa đàm”, kết hợp đàm phán với vận động dư luận thế giới, phối hợp với chiến trường để củng cố thế trận đàm phán, vận động ba nhân tố: chiến trường, hậu phương quốc tế và đàm phán trực tiếp với Mỹ để cải thiện so sánh lực lượng, tạo chuyển biến có lợi cho cuộc chiến tranh cách mạng.
Ngày 8-10-1972, trong một phiên họp tại diễn đàn đàm phán bí mật, Cố vấn đặc biệt Lê Ðức Thọ đã trao cho H.Kissinger bản dự thảo Hiệp định về vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, thực chất là giải quyết vấn đề ngừng bắn, Mỹ rút quân, trao trả tù binh hai bên, còn về chính trị thì giữ nguyên hiện trạng. Bản dự thảo đó đã đặt cơ sở cho một văn bản được thỏa thuận sau đó gọi là “Hiệp định 20 tháng Mười năm 1972″.
Nhưng rồi do sự lật lọng của phía Mỹ và sự phá hoại dữ dội của chính quyền Sài Gòn, phải tiếp tục trải qua một thời gian đàm phán gay go nữa, nhất là sau trận “Ðiện Biên Phủ trên không”, Mỹ mới buộc phải chấp nhận ký kết “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” vào ngày 27-1-1973. Hiệp định này được sự công nhận và bảo đảm của một Hội nghị quốc tế về Việt Nam, thông qua Ðịnh ước quốc tế ký ngày 2-3-1973 cũng tại Paris.
Hiệp định Paris về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Với Hiệp định Paris, ta đã “Đánh cho Mỹ cút”, một thắng lợi lịch sử quan trọng tạo thời cơ thuận lợi để nhân dân ta tiến lên “Đánh cho ngụy nhào”.
(Còn nữa)
PHÚ BÌNH
(Tổng hợp theo Tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)