Những đòn tấn công quân sự từ năm 1968 đến 1972 chưa đánh sập ý đồ xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam. Chỉ khi nào Việt Nam đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, thì mới buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chính là đòn quyết định đó!
Lịch sử buộc nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ phải có một cuộc quyết chiến chiến lược trong cuộc đối đầu lịch sử mới có thể đi đến kết thúc chiến tranh. Và lịch sử đã chọn thủ đô Hà Nội để “kết liễu giặc thù”, kết thúc chiến tranh như dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về phía Mỹ, với ưu thế về vũ khí và phương tiện kỹ thuật hiện đại, để đè bẹp tinh thần chiến đấu vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, ngày 14 tháng 12 năm 1972, Nixon quyết định mở chiến dịch Linebacker II, dùng máy bay chiến lược B52 từ các căn cứ Mỹ ở Thái Lan, Guam, Philippin tiến công hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng, nhằm đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá. Hoa Kỳ cho rằng: “Đối phương không thể có cách chống đỡ và không còn một sinh vật nào tồn tại nổi dưới những trận mưa bom kinh khủng của loại B52 bất khả xâm phạm” (Hồi ký của Kissinger). Đây là sự lựa chọn cực kỳ thâm độc và dã man của Mỹ.
Vấn đề đặt ra trước nhân dân Việt Nam và trước cả nhân dân thế giới là liệu ta có “trụ nổi” cú đánh “cuối cùng”, cú đánh mà mọi người cho rằng có tính quyết định thắng thua trong chiến tranh, cú đánh mà Nixon ngỡ rằng nhất định sẽ đánh gục sức đề kháng của ta ở chiến trường, buộc ta chấp nhận thay đổi nội dung, thực chất là đầu hàng, mà Mỹ đòi sửa đổi trong bản dự thảo Hiệp định mà đại diện của họ đã chấp nhận.
Nhân dân Việt Nam chấp nhận thực hiện một “Điện Biên Phủ trên không” để trả lời với cả thế giới rằng, Việt Nam có thể đánh Mỹ, thắng Mỹ và cao hơn là đập tan ý chí xâm lược của Mỹ.
Nếu không đánh bại được ý đồ xâm lược man rợ của Mỹ thì cuộc chiến ngoại giao ở Paris sẽ không giành được thắng lợi.
Như vậy, trận quyết chiến chiến lược “Điện Biên Phủ trên không” là cuộc đọ sức thực sự giữa hai bên, không chỉ là vũ khí, trang bị hiện đại mà còn cả ý chí, quyết tâm và trí tuệ.
Trong 12 ngày đêm, từ ngày 18 đến 29 tháng 12 năm 1972, Mỹ huy động gần 200 máy bay B52 và gần 1.000 máy bay chiến thuật các loại đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, trút 10 vạn tấn bom đạn xuống các trường học, bệnh viện và các khu dân cư.
Cuộc chiến đấu 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng là sự thể hiện sinh động sức mạnh tổng hợp của ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu, quân ta đã bắn rơi 81 máy bay hiện đại thuộc không quân chiến lược và không quân chiến thuật của Mỹ, phần lớn rơi tại chỗ, trong đó có 34 máy bay chiến lược B52, phần lớn thuộc B52D và B52G, tức loại máy bay chiến lược có trang bị điện tử tối tân của Mỹ; 5 máy bay F 111; 42 máy bay phản lực hiện đại của hải quân Mỹ và các loại khác; tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ, trong đó có đủ sĩ quan từ cấp trung tá trở xuống; bắn cháy 8 tàu chiến Mỹ.
Đánh giá ý nghĩa về quân sự của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích: “Không quân chiến lược mà tổn thất tỷ lệ 10% đến 15% là rất cao. Thất bại hết sức nặng nề là như vậy đó”. Và chính Nixon sau này trong hồi ký của mình cũng thừa nhận: “Điều lo ngại chính của tôi trong tuần lễ ném bom đầu tiên không phải là những đợt phản đối của trong nước và thế giới, mà chính là thiệt hại nặng nề của B52”.
Lá bài cuối cùng của Mỹ là sử dụng B52 đánh Hà Nội, Hải Phòng không khuất phục nổi nhân dân Việt Nam mà còn bị thất bại thảm hại. Thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973.
Việc ký kết Hiệp định Paris thể hiện khẳng định thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, như lời tiên tri của Bác Hồ từ năm 1945: Đem sức ta mà giải phóng cho ta. Đó là tư tưởng nền tảng vững chắc của sự nghiệp cứu nước, trong đó chúng ta có quyền cao nhất là quyền tự quyết định công việc của Tổ quốc mình.
Việc ký Hiệp định Paris, Mỹ phải công nhận thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. Trong Lời mở đầu của Hiệp định có viết: “Nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp phần củng cố hòa bình ở châu Á và trên thế giới”. Và điều 1, chương 1 của Hiệp định đã khẳng định: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam như Hiệp định Geneve năm 1954 đã công nhận”.
Với thắng lợi của “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, chúng ta mới thực hiện mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, đồng thời tạo tiền đề pháp lý vững chắc để tiến hành cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Paris 2 năm sau đó; củng cố và tăng cường lực lượng để thực hiện cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 “đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
PGS, TS Trương Minh Dục
(Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III)