.

Phần Lan - Việt Nam: 40 năm quan hệ đối tác

.
Ảnh: STT-Lehtikuva/Chính phủ Phần Lan
Ảnh: STT-Lehtikuva/Chính phủ Phần Lan

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22 đến 26-1-2013 nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Phần Lan và Việt Nam (25-1-1973 – 25-1-2013), ngày 26-1, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Phần Lan Heidi Hautala sẽ thăm thành phố Đà Nẵng. Nhân sự kiện này, Báo Đà Nẵng giới thiệu bài viết của bà Heidi Hautala (ảnh) về quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Quan hệ chính thức giữa Phần Lan và Việt Nam bắt đầu từ năm 1972, khi Phần Lan công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 28-12-1972. Quan hệ ngoại giao được thiết lập sau đó vào ngày 25-1-1973, hai ngày trước khi ký Hiệp định Hòa bình Paris. Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội mở cửa vào năm 1974.

Hợp tác giữa hai nước rất cụ thể. Việt Nam trở thành một trong những nước đối tác lâu năm trong chính sách hợp tác phát triển của Phần Lan.  Kể từ năm 1973, Phần Lan đã tài trợ cho Việt Nam hơn 400 triệu USD, trong đó hỗ trợ người dân nông thôn và dân tộc thiểu số giảm nghèo tại nhiều vùng khác nhau. Đổi mới sáng tạo và chuyên môn của Phần Lan trong lĩnh vực nước sạch, lâm nghiệp và công nghệ sạch đã chứng tỏ giá trị tại Việt Nam. Hiện nay, chương trình hợp tác phát triển song phương tại Việt Nam tập trung vào nước sạch và vệ sinh môi trường, lâm nghiệp và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Phần Lan cũng hỗ trợ các lĩnh vực khác, ví dụ như phòng chống tham nhũng, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tăng trưởng xanh và các công việc liên quan đến giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Quan hệ mậu dịch và thương mại giữa Phần Lan và Việt Nam phát triển ổn định. Khoảng 60 công ty Phần Lan đang hoạt động tại Việt Nam. Theo số liệu từ phía Việt Nam, Phần Lan đứng thứ 26 trong số 96 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với tổng số dự án trị giá khoảng 335 triệu USD.  Tôi đặc biệt hài lòng nhận thấy một số công ty lớn của Phần Lan gần đây đã có những quyết định đầu tư quan trọng. Một tin vui khác là Finnair, hãng hàng không quốc gia Phần Lan, có kế hoạch mở đường bay thẳng giữa Hà Nội và Helsinki vào tháng 6 năm nay. Tôi tin rằng đường bay mới không chỉ giúp doanh nghiệp Phần Lan mà còn giúp doanh nghiệp và người dân châu Âu đến gần Việt Nam hơn.

Ở quy mô lớn hơn, Hiệp định Thương mại tự do đang đàm phán giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam - mà Phần Lan nhiệt tình ủng hộ - cũng sẽ giúp tăng cường thương mại giữa hai nước. Đại sứ quán Phần Lan và Cơ quan thương vụ Phần Lan Finpro đang làm việc hết sức tích cực để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có Chương trình Finnpartnership giúp xúc tiến quan hệ đối tác kinh doanh.

Tôi hy vọng rằng các cơ quan của Việt Nam sẽ tiến hành các hoạt động tương tự, chẳng hạn như cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch và dễ dự đoán hơn. Tương tự, tôi cũng hy vọng trách nhiệm doanh nghiệp sẽ được xem xét để quản trị doanh nghiệp trở thành yếu tố chủ chốt trong các kế hoạch kinh doanh, bởi vì đó là cách duy nhất để có được kết quả bền vững.

Phần Lan đã làm tất cả những gì tốt nhất để hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Hiện nay, khi Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, chúng tôi đang tìm kiếm cách thức hợp tác mới.

Nâng cao giá trị gia tăng, tạo ra việc làm có chất lượng, cũng như cải thiện giáo dục và an sinh xã hội, đồng thời giảm thiểu bất bình đẳng, là những thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt. Do đó, hỗ trợ Việt Nam xây dựng một xã hội tri thức mở và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia là những mục tiêu chính trong Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo (IPP) mà chúng tôi đang thực hiện cùng Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong giai đoạn hai của dự án này, dự định Đà Nẵng sẽ là một trong những khu vực chính.

Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng hệ thống quản trị quốc gia và tôn trọng nhân quyền hình thành nền tảng cho quá trình phát triển bền vững của xã hội và nền kinh tế. Đất nước tôi, Phần Lan, có được thịnh vượng và đời sống ổn định là nhờ chúng tôi là một xã hội mở, nơi mọi công dân đều dễ dàng tiếp cận tri thức, nơi luôn khuyến khích đổi mới sáng tạo và cách nghĩ mới.  Câu chuyện thành công về kinh tế của Phần Lan phụ thuộc rất nhiều vào việc mở cửa cho tiềm năng của người dân và tạo cho họ không gian để hiện thực hóa khát vọng.

Vì vậy, chúng tôi cũng đang cố gắng xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững giữa các viện, trường đại học và công ty của Phần Lan và Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng, phương thức này sẽ giúp tăng cường chuyển giao kiến thức cũng như thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn mở rộng mối liên hệ giữa hai nước chúng ta trong các lĩnh vực khác. Bí quyết về giáo dục của Phần Lan đang tạo cơ hội đáng kể cho Việt Nam. Hợp tác giữa các trường đại học Phần Lan và Việt Nam đang tăng, trong những năm gần đây, khoảng 750-800 sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học Phần Lan và trở thành nhóm sinh viên nước ngoài đông thứ ba tại đây. Trong lĩnh vực văn hóa, Đại sứ quán Phần Lan sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và một số tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng, để tổ chức triển lãm nghệ thuật tranh áp-phích Phần Lan trong năm nay. Cùng với các sự kiện văn hóa khác, ví dụ các hoạt động do Quỹ Juminkeko của Phần Lan tổ chức với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Phần Lan, chúng tôi sẽ nâng hợp tác văn hóa giữa hai nước lên tầm cao mới.

Quá trình phát triển của Đà Nẵng rất ấn tượng. Tôi có cảm nhận rõ ràng rằng các công ty Phần Lan có nhiều cơ hội ở nơi mà có thể kết hợp đổi mới sáng tạo, giảm nghèo và kinh doanh, nên tôi rất vui lòng đưa đoàn doanh nghiệp chính thức đầu tiên của Phần Lan đến Đà Nẵng. Ngoài ra, Đại sứ quán cũng dự định tổ chức triển lãm tranh áp-phích và hội thảo kết nối kinh doanh Finnpartnership tại Đà Nẵng vào đầu tháng 5 năm nay.  Chi tiết cụ thể sẽ được công bố vào thời gian thích hợp, nhưng tôi hy vọng cả hai sự kiện này sẽ thu hút được đông đảo sự quan tâm.

Heidi Hautala

;
.
.
.
.
.