.

Văn phòng không giấy

.

Thay đổi thói quen luôn là điều không dễ, điều này cũng không sai trong việc tiếp cận khoa học và sử dụng công nghệ thông tin thay cho giấy, bút đối với những công chức, viên chức lớn tuổi. Thế nhưng, bằng quyết tâm và đồng thuận, đội ngũ cán bộ, viên chức UBND quận Liên Chiểu làm được điều tưởng chừng như “bất khả thi” để đưa Liên Chiểu trở thành quận đầu tiên sử dụng hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành trên mạng Internet.

Ông Ông Văn Dũng đang thao tác trên hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành trên mạng Internet.
Ông Ông Văn Dũng đang thao tác trên hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành trên mạng Internet.

Trưởng Phòng Nội vụ quận Liên Chiểu, ông Phạm Minh cho biết, các thao tác sử dụng hòm thư điện tử hay đánh máy, căn chỉnh cho đúng khuôn mẫu văn bản có thể là điều dễ dàng với nhiều người nhưng khi đã ở độ tuổi U50, mắt đã viễn, đầu óc mất đi sự tinh nhạy đối với công nghệ và ngoại ngữ thì việc tiếp cận công nghệ thông tin (CNTT), vốn chủ yếu hiển thị bằng tiếng Anh, là điều vô cùng khó khăn.

Khó khăn là vậy nhưng những giá trị không thể phủ nhận của CNTT như: đẩy nhanh tốc độ gửi, nhận văn bản; giảm thời gian hội họp; tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách… giúp ông Phạm Minh cũng như đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quận Liên Chiểu quyết tâm học tập, tự nâng cao kiến thức hoặc tham gia các lớp tập huấn về CNTT để có thể lĩnh hội và sử dụng thành thạo các kiến thức về tin học văn phòng căn bản, sử dụng ngày càng có hiệu quả các ứng dụng của CNTT trong hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao. Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức của UBND quận và 5 phường sử dụng thành thạo các thiết bị CNTT, khai thác mạng LAN, hòm thư điện tử…

Chánh Văn phòng UBND quận Liên Chiểu Ông Văn Dũng cho biết, từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn quận, việc giao, nhận nhiệm vụ công tác, gửi và nhận thông tin tham khảo, các văn bản trình lãnh đạo, các văn bản cần phát hành… đều thực hiện thông qua các công cụ của chương trình Quản lý văn bản và điều hành, hạn chế tối đa việc in ấn và xử lý văn bản trên giấy, trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ về công tác kiểm tra, văn bản mật… Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức được yêu cầu nối mạng với UBND quận trong ngày làm việc, phải sử dụng máy vi tính và đăng nhập vào chương trình Quản lý văn bản và điều hành để trực tiếp nhận nhiệm vụ, xử lý văn bản, trao đổi thông tin công tác trên mạng.

Theo ông Ông Văn Dũng, để có thể hồi đáp kịp thời yêu cầu của tổ chức và cá nhân, xử lý thông tin liên quan đến công việc một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức buộc phải hình thành thói quen thường xuyên kiểm tra hộp thư điện tử của cơ quan, đơn vị và cá nhân trong giờ làm việc ít nhất 4 lần trong ngày (buổi sáng lúc 8 giờ và 10 giờ 30, buổi chiều vào lúc 14 giờ và 16 giờ 30). Hệ thống thư điện tử được sử dụng trong hoạt động của UBND quận là hệ thống thư điện tử của thành phố Đà Nẵng (danang.gov.vn) do Sở Thông tin và Truyền thông tạo lập và cung cấp; quận khuyến khích và từng bước yêu cầu sử dụng hệ thống thư điện tử của thành phố để gửi, nhận thông tin phục vụ công tác chuyên môn. Những văn bản được chuyển qua hệ thống thư điện tử của thành phố Đà Nẵng phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch thư điện tử có giá trị pháp lý tương đương với văn bản giấy trong giao dịch giữa các cơ quan Nhà nước, và cơ quan không phải gửi thêm văn bản giấy.

Sắp bước sang độ tuổi 55, ông Ông Văn Dũng không tránh khỏi những khó khăn khi lần đầu tiên tiếp cận với máy vi tính, bàn phím, con chuột… Tuy nhiên, là Chánh Văn phòng, chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo tổ chức điều hành, phân công cán bộ công chức theo dõi, kiểm tra, thực hiện việc gửi, nhận các loại văn bản phát hành của UBND quận đi các đơn vị, cơ quan, người dân và doanh nghiệp hay ngược lại; kịp thời thông tin báo cáo, gửi nội dung đã nhận đến lãnh đạo UBND quận để chỉ đạo giải quyết công việc, ông Ông Văn Dũng đã nhanh chóng thích nghi với CNTT bằng cách tự học, tự làm để “Vừa bắt nhịp được với sự phát triển tất yếu của xã hội vừa không trở thành trở ngại, nỗi phiền toái cho người khác”.

Bài và ảnh: MAI TRANG

;
.
.
.
.
.