Ông Nguyễn Hữu Chiến |
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Chiến - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân là biện pháp chủ yếu, chủ động, hiệu quả đối với việc quản lý hoạt động mê tín dị đoan vào thời điểm cuối năm.
* Cuối năm là thời điểm dễ bùng phát hoạt động mê tín dị đoan, phải chăng thực tế này cũng đang diễn ra ở Đà Nẵng, thưa ông?
- So với hai đầu đất nước, ở miền Trung nói chung, hoạt động mê tín dị đoan trong thời điểm năm hết Tết đến, mùa lễ hội không rầm rộ, không phức tạp bằng. Riêng ở Đà Nẵng, vài năm trở lại đây, các tụ điểm chùa chiền, miếu mạo, vỉa hè trước đây vẫn tập trung bày bán sách báo, băng đĩa, văn hóa phẩm tuyên truyền mê tín dị đoan thì nay đã giảm hẳn. Hiện tượng bán hàng rong, bán dạo lịch vạn niên, sách coi vận mệnh đời người qua 12 con giáp… hầu như rất hiếm. Theo báo cáo của Thanh tra Sở thì năm vừa qua, đội Thanh tra liên ngành không phải xử phạt đáng kể trường hợp nào liên quan đến văn hóa phẩm mê tín dị đoan trên địa bàn thành phố, như tịch thu hàng ngàn cuốn sách, băng đĩa trong các đợt kiểm tra trong những năm trước.
* Nói như thế, văn hóa phẩm mê tín không còn là vấn đề đối với Đà Nẵng?
- Không hẳn thế. Điều chúng tôi lo lắng nhất là các ấn phẩm có nội dung không lành mạnh phát tán tràn lan trên mạng. Người ta có thể đọc ngay trên mạng, in ra, photo lưu hành ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Để rõ thêm điều này, có thể tham khảo ý kiến của ngành thông tin - truyền thông, quản lý xuất bản. Đây là chuyện ngoài tầm tay của ngành văn hóa.
* Còn như bói toán, xin xăm, cúng bái, xả gạo muối, đốt vàng mã vẫn diễn ra... thì sao, thưa ông?
- Đó là chuyện đã tồn tại từ bao đời nên không thể giải quyết một sớm một chiều. Điều đáng mừng là tại hơn 30 lễ hội diễn ra trong năm ở Đà Nẵng không có hiện tượng rải chiếu bói toán, xin xăm hương khói tràn lan như thực tế ở nhiều lễ hội trong nước mà báo, đài đã lên tiếng trong thời gian qua. Lễ hội ở Đà Nẵng vẫn được đánh giá là “sạch”. Ở đó tuyệt đối không có hiện tượng tưng bừng đốt vàng mã, ném tiền khắp nơi vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Người Đà Nẵng có đi coi bói, chủ yếu cũng là đi xem ngày tốt, giờ tốt để xuất hành, khởi sự, xây nhà, cưới hỏi, cầu an đầu năm…, âu cũng là chuyện không có gì đáng lên án, như một giải pháp tinh thần để người ta yên tâm hơn, phấn chấn hơn trong cái sự bắt đầu.
Còn xả gạo muối, đốt vàng mã thường chỉ diễn ra dịp cúng bái tổ tiên, việc ma chay, tế lễ… Đối với những sự việc buồn đau, linh thiêng như thế, cơ quan chức năng khó lòng cắt ngang để hành xử theo luật định. Vì vậy, tuyên truyền là giải pháp số một và cần phải tuyên truyền từng bước. Chẳng hạn, có thể bắt đầu bằng tuyên truyền, thuyết phục người dân đốt vàng mã vào thùng, quét dọn gạo muối sau khi hành lễ thay vì xả đầy đường phố như trước kia; từ lộn xộn, nhếch nhác sang gọn gàng, sạch sẽ; từ đốt nhiều đến đốt ít… để sau cùng, mới có thể xóa bỏ những gì gọi là hủ tục, mê tín, kém văn minh.
* Người ta nói nhiều về ranh giới mong manh giữa “tín ngưỡng” và “mê tín”, ý kiến của ông về chuyện này?
- Ranh giới giữa mê tín dị đoan và tâm linh rất mỏng manh và luôn đứng cạnh nhau nên đã nảy sinh nhiều vấn đề khó giải quyết. Cùng một hiện tượng nhưng có người cho đó là mê tín, người khác lại cho đó là tín ngưỡng. Vì vậy, rất cần những giải pháp kín kẽ, thận trọng. Có điều phải quán triệt chắc chắn rằng, những nét đẹp trong tín ngưỡng thì nên giữ, còn mê tín dị đoan tuyệt đối phải bị đẩy lùi trong xã hội văn minh, bằng mọi biện pháp.
* Ngành văn hóa Đà Nẵng đã có những biện pháp cụ thể nào?
- Như tôi đã nói ở trên, biện pháp trước hết, hiệu quả nhất vẫn là tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân để họ tự nguyện tham gia bài trừ mê tín dị đoan. Ngoài các băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trước mỗi mùa lễ hội, tết nhất, ngành còn lồng ghép việc thực hiện lối sống văn minh trong cưới hỏi, ma chay, cúng chạp... vào các cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị đến từng gia đình, tổ dân phố... Dùng chế tài xử phạt là giải pháp sau cùng, nhưng vẫn bảo đảm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Đoàn Thanh tra liên ngành của thành phố đến các quận, huyện hiện đã sẵn sàng vào cuộc để Đà Nẵng đón Xuân Quý Tỵ an lành, một mùa lễ hội đầu năm rộn ràng, văn minh.
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC DUNG thực hiện