.
GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Xây dựng Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật

Qua nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhìn chung, về những sửa đổi lần này khẳng định các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành và quan trọng của nền kinh tế quốc dân; tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân không quốc hữu hóa, Nhà nước chỉ trưng dụng, trưng mua khi thật cần thiết và không có mục đích vì lợi ích công cộng và dự án phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra có những điểm mới là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có đưa vào những thiết chế độc lập như Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng như Kiểm toán Nhà nước… là rất phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.  

Tôi xin tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 một số nội dung sau:

Tại Chương 2: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (từ Điều 15 đến Điều 52)
Theo tôi, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân còn thiếu tính lôgic và chưa được rõ ràng như:

- Các điều quy định về quyền con người được bố trí xen kẽ với các điều quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân. Vì vậy, đề nghị cần tách bạch các điều quy định về quyền con người trước rồi đến các quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

- Khi Hiến pháp xác định những quyền cơ bản của con người và của công dân thì Nhà nước phải "đảm bảo" để các quyền của con người và quyền của công dân được thực hiện chứ không thể Nhà nước "tạo điều kiện" để thực hiện là không tương xứng. Chẳng hạn Điều 29, khoản 1 “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước"; khoản 2 “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân". Điều này cần bổ sung, sửa đổi: khoản 1, bổ sung cụm từ "biểu quyết" thành “tham gia thảo luận, biểu quyết và kiến nghị" có như vậy mới phù hợp với Điều 30. Tại khoản 2, cần bỏ cụm từ "tạo điều kiện"  thay cụm từ "đảm bảo điều kiện" và khoản 3 thêm cụm từ "Nhà nước phải" thành "Nhà nước phải công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân".

- Đề nghị bỏ các khoản của các điều như: Điều 16, khoản 2:  "không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác"; Điều 25, đoạn cuối khoản 3: "hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật"; và Điều 31, đoạn cuối khoản 3: "hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác". Bởi lẽ, tất cả quyền con người và quyền công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định và mọi người, mọi công dân đều phải chấp hành. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn, việc khiếu nại, tố cáo là quyền của mọi người đã được pháp luật quy định cụ thể, nếu khiếu nại không thuộc quyền của mình thì cơ quan có thẩm quyền không thụ lý giải quyết và nếu tố cáo sai thì phạm tội vu khống... Vì vậy, không nên dùng khái niệm "lợi dụng" như trên để ghi vào bản Hiến pháp.

Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ (Điều 58, khoản 2, đoạn cuối). Nhưng khoản 3, Điều 58, lại quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội” là thiếu thống nhất.

Như ta đã biết, quyền sử dụng đất là quyền tài sản được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa và chỉ bị trưng dụng, trưng mua trong trường hợp thật cần thiết đã được ghi nhận tại khoản 3, Điều 56 và đoạn cuối khoản 2, Điều 58. Vì vậy, khoản 3 Điều 58 là trái với khoản 2, Điều 58 và khoản 3 Điều 56. Việc quy định thêm khoản 3: "Nhà nước thu hồi đất" và mục đích thu hồi đất "lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội” là tiếp tục tạo cơ hội cho việc lợi dụng "thu hồi" đất để hợp thức hóa việc lấy quyền sử dụng đất hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Vì vậy, đề nghị bỏ khoản 3, Điều 58 nêu trên.

- Về Hội đồng Hiến pháp được ghi nhận tại khoản 2, Điều 120 của dự thảo “Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện vi phạm Hiến pháp...”.

Theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng là cần "Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp". Đây là cơ chế thực sự cần thiết cho một Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Và khắc phục được sự tùy tiện của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp trong thời gian qua ở Trung ương và nhiều địa phương dẫn đến mất tính thượng tôn pháp luật. Tinh thần của nghị quyết nêu trên là như vậy, nhưng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa thể hiện rõ và đầy đủ một “cơ chế phán quyết” việc vi phạm Hiến pháp đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp như quy định trong dự thảo thì “cơ chế kiến nghị” của Hội đồng Hiến pháp xem ra còn chưa bằng cơ chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc. Vì vậy, đề nghị cần quy định một cơ chế đủ mạnh để kiểm soát như: “bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có vi phạm Hiến pháp của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp” thay cho cơ chế “Kiến nghị”.

ĐỖ THÀNH NHÂN

Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.