Ngày 20-2-2013, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến ký Quyết định số 1391/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch tổ chức chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Báo Đà Nẵng giới thiệu nội dung kế hoạch này.
I- Mục đích, yêu cầu
1- Mục đích
Tổ chức lấy ý kiến về các quy định của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm các mục đích sau:
a) Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân và thể hiện nguyện vọng của nhân dân.
b) Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp, các tổ chức, cá nhân đối với việc sửa đổi Luật Đất đai.
2- Yêu cầu
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):
b) Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi);
c) Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, công khai, khoa học; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm;
d) UBND các cấp, các sở, ban, ngành có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến đóng góp;
đ) Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp ý kiến; phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến tham gia của nhân dân;
e) Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo địa phương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi);
g) Việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương và của các tổ chức.
II- Nội dung, hình thức, đối tượng lấy ý kiến
1- Nội dung, hình thức lấy ý kiến
a) Lấy ý kiến toàn bộ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm các chương, điều, khoản; hiệu lực của Luật Đất đai (sửa đổi); kỹ thuật trình bày các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi).
b) Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đăng tải toàn văn trên Báo Nhân dân, Báo Lao động, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai; Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến thông qua các hình thức sau đây:
- Tổ chức hội nghị.
- Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm tại phần IV của Kế hoạch này.
Đối với cá nhân gửi ý kiến góp ý bằng văn bản qua đường bưu điện thì thư không phải dán tem.
- Góp ý kiến thông qua Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố Đà Nẵng, Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng.
2- Đối tượng lấy ý kiến
Đối tượng lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm:
a) HĐND, UBND các cấp;
b) Các tổ chức xã hội chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác;
c) Các doanh nghiệp;
d) Các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học;
đ) Các tầng lớp nhân dân.
3- Cách thức tổ chức lấy ý kiến:
a) Tại thành phố
* Đề nghị HĐND thành phố tổ chức kỳ họp chuyên đề lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi);
* Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tổ chức 2 hội nghị chuyên sâu lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi);
* UBND thành phố tổ chức hội nghị chuyên sâu lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cụ thể:
- Lấy ý kiến của đại diện các cơ quan thuộc Thành ủy Đà Nẵng, các sở, ban, ngành; các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý; đại diện Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân các cấp; đại diện UBND các quận, huyện, xã, phường và một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; đại diện cơ quan thông tấn, báo chí; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp;
* Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Hội Nông dân thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức thành viên Mặt trận, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn thành phố;
* Lấy ý kiến trực tiếp bằng văn bản của các cơ quan thuộc Thành ủy Đà Nẵng, các sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố;
* Lấy ý kiến thông qua các chuyên mục trên Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố Đà Nẵng, Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng.
b) Tại quận, huyện, xã, phường:
- UBND quận, huyện tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể của quận, huyện, phường, xã và trực tiếp tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại xã, phường thuộc địa bàn quản lý.
- Từng xã, phường tổ chức rộng rãi việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua các hình thức: Hội nghị lấy ý kiến, lấy ý kiến tại các tổ dân phố, khu dân cư…;
III- Kinh phí thực hiện
1- Kinh phí để tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được bố trí từ ngân sách Nhà nước.
2- Các cơ quan, địa phương có trách nhiệm bố trí đủ nhân lực và các điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho việc lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); căn cứ vào nhiệm vụ được giao liên quan đến việc lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kế hoạch này, lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo Thường trực HĐND, UBND thành phố xem xét, giải quyết.
IV- Phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện
a) Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Có trách nhiệm làm thường trực của Tổ giúp việc giúp UBND thành phố theo dõi việc triển khai thực hiện Kế hoạch Tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi);
- Tham mưu cho UBND thành phố thành lập Tổ giúp việc, Tổ thư ký;
- Lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt kinh phí thực hiện lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo nội dung tại mục II của Kế hoạch này;
- Tham mưu cho UBND thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân dân theo nội dung tại Điểm a, khoản 3, mục II Kế hoạch này;
- Chủ trì, phối hợp với thành viên tổ giúp việc tổng hợp báo cáo ý kiến góp ý và xây dựng dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
b) Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các cấp lập dự toán kinh phí, tổng hợp và thẩm định dự toán kinh phí của sở, ban, ngành, quận, huyện trình UBND thành phố phê duyệt.
c) Các sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc góp ý trực tiếp bằng văn bản, tham gia góp ý tại Hội nghị do thành phố tổ chức góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và góp ý chuyên sâu đối với những nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến lĩnh vực, ngành mình quản lý.
d) UBND các quận, huyện, xã, phường
- Triển khai tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo yêu cầu tại nội dung Điểm b, Khoản 3, Mục II Kế hoạch này và tổng hợp các ý kiến góp ý tại địa phương mình quản lý gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
- Tham gia góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị do thành phố tổ chức.
- Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
- UBND các quận, huyện lập dự toán kinh phí lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tổng hợp dự toán kinh phí của xã, phường gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt.
đ) Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chỉ đạo các tổ chức thành viên của MTTQ; Hội Nông dân thành phố triển khai việc lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến tất cả các hội viên của tổ chức mình, tổng hợp ý kiến góp ý gửi Sở Tài nguyên và Môi trường.
e) Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố Đà Nẵng, Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng xây dựng chuyên mục lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đăng toàn văn Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tổng hợp ý kiến đóng góp gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường.
* Tiến độ thực hiện
- Các cấp, các ngành căn cứ vào Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch cụ thể lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để triển khai thực hiện, đồng thời xây dựng kinh phí tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Sở Tài chính trước ngày 25-2-2013.
- Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình UBND thành phố ban hành Quyết định thành lập Tổ giúp việc, Tổ thư ký trước ngày 25-2-2013.
- Sở Tài chính tổng hợp, thẩm định, báo cáo kinh phí tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên toàn thành phố, trình UBND thành phố phê duyệt trước ngày 27-2-2013.
- Các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến (kể cả góp ý kiến trực tiếp bằng văn bản) phải hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến và gửi báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý theo Đề cương báo cáo đính kèm (theo mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 28-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ) và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan thường trực Tổ giúp việc) trước ngày 20-3-2013.
- Tổ giúp việc tham mưu cho Thường trực HĐND thành phố và UBND thành phố tổ chức Hội nghị về lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tham mưu cho UBND thành phố hoàn thành dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước ngày 28-3-2013; tổng hợp gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 3-4-2013.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phải kịp thời báo cáo UBND thành phố (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thường trực Tổ giúp việc) để tổng hợp báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết.
(Lưu ý: Mọi cá nhân, tổ chức tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có thể sử dụng tài liệu phục vụ việc tham gia ý kiến tại Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng).