Chiều 25-2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành; TAND, Viện KSND, các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn thành phố.
Các đại biểu góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Tại hội nghị, bên cạnh các ý kiến góp ý các nội dung tại phần Lời nói đầu, các câu chữ, bố cục trình bày…, nhiều đại biểu nêu những ý kiến có sức thuyết phục cao, nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp một cách hợp lý, khoa học; tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân...
Về quyền quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp và quyền phúc quyết đối với Dự thảo Hiến pháp, theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy Linh, Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, mặc dù ở Điều 2 của dự thảo quy định “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” nhưng những quy định về quyền lập hiến lại không thể hiện điều đó. Theo Dự thảo, tại Điều 75 và Điều 124, Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn “làm Hiếp pháp và sửa đổi Hiến pháp”, “Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi ít nhất có hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành” và “việc trưng cầu ý kiến về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”.
Theo Thạc sĩ Duy Linh, Hiến pháp của đất nước là một bản khế ước xã hội, trong đó nhân dân trao quyền cho Nhà nước thì quyền lập hiến trước hết thuộc về nhân dân, Quốc hội chỉ thay mặt nhân dân thực hiện quyền lập hiến. Việc làm Hiếp pháp và sửa đổi Hiến pháp phải do nhân dân quyết định cuối cùng. Sau khi Hiến pháp được thông qua, quyền giám sát tối cao việc thực hiện Hiến pháp phải thuộc về nhân dân, Quốc hội chỉ giám sát việc thực hiện Hiến pháp, không phải là quyền giám sát tối cao. Vì vậy, cần thiết nên bổ sung vào Dự thảo quyền của nhân dân cùng với Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, đồng thời quy định thủ tục phúc quyết của nhân dân đối với dự thảo, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình một cách hiệu quả.
Về Hội đồng Hiến pháp (Điều 120), theo dự thảo, Hội đồng Hiến pháp sẽ giữ vai trò là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập để giúp Quốc hội kiểm tra, kết luận về tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Trung ương và địa phương ban hành. Trường hợp phát hiện vi phạm Hiến pháp thì kiến nghị xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật; yêu cầu sửa đổi, bổ sung; đề nghị hủy bỏ… Theo ông Lê Ra, Phó phòng 1 Viện KSND thành phố, đây là việc làm rất cần thiết nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp; bảo đảm khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết của cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng cần quy định rõ cơ chế phán quyết và nguyên tắc hoạt động của Hội đồng Hiến pháp.
Cần quy định trách nhiệm cá nhân người đứng đầu Chính phủ
Tại Điều 43 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có nêu “Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật”, theo ông Phạm Kiều Đa, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật thành phố, nên bổ sung thêm cụm từ “được Nhà nước bảo hộ và hỗ trợ” ở phần sau. Ông Phạm Kiều Đa cũng đề nghị bổ sung nội dung vào khoản 1 và 2 tại Điều 34 là “không ai được tự ý vào nơi sản xuất kinh doanh của thể nhân và người khác nếu không được thể nhân và người đó đồng ý” và “việc kiểm tra, khám xét nơi sản xuất kinh doanh phải do pháp luật quy định”.
Tại Chương IV về Bảo vệ Tổ quốc, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, cho rằng Hiến pháp phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, Quân đội Nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì vậy Điều 70 nên đảo cụm từ thành “… Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Một số nhà khoa học và chuyên gia cũng góp ý cần đưa vào quy định chịu trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu Chính phủ, về các quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; về truyền thống văn hóa của dân tộc; về vấn đề phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực Nhà nước; về chế định Chủ tịch nước; chế định Kiểm toán Nhà nước…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các đại biểu và chỉ đạo Tổ thư ký tập hợp đầy đủ, chính xác các ý kiến; đề nghị các cơ quan báo chí của thành phố dành thời lượng thích hợp đăng tải các thông tin góp ý để người dân hiểu và tích cực đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn thành phố trong thời gian đến.
V.D