Tối nay, 25-2, Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ đón nhận bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt và Bằng công nhận 82 bia tiến sĩ triều Lê - Mạc là Di sản Tư liệu Thế giới. Điều này một lần nữa khẳng định giá trị trường tồn của di tích được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Nhà bia Văn Miếu |
Trải qua gần 1.000 năm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là biểu tượng của nền văn hóa và trí tuệ Việt, là biểu tượng văn hóa Nho học tiêu biểu nhất của Hà Nội và cả nước. Ở đây có những tấm bia đá lưu danh những người đỗ đạt trong các khoa thi Đình kéo dài suốt 300 năm (1442 - 1779) từ thời Lê Sơ đến cuối thời Lê Trịnh. Mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mỗi bài ký trên bia là một áng văn mẫu mực. Những tư tưởng về triết học, sử học, những quan điểm về giáo dục, về đào tạo và sử dụng nhân tài được thể hiện trên những bài văn bia.
Mặt khác, những tấm bia cũng là những tư liệu phản ánh một giai đoạn lịch sử kéo dài hơn 300 năm, là bức tranh sinh động về việc đào tạo và tuyển dụng nhân tài ở Việt Nam. Bia đá ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám là loại quý hiếm vì đây là pho sử sống về giáo dục đào tạo ở Việt Nam. Cùng với những giá trị về lịch sử, văn hóa, 82 tấm bia còn mang những giá trị to lớn về kiến trúc nghệ thuật từ chất liệu là đá. Mỗi một tấm bia là một tác phẩm điêu khắc, như một dạng thư pháp điển hình của Việt Nam, làm phong phú đời sống văn hóa của đất nước ta và làm đa dạng di sản văn hóa thế giới. Đó chính là niềm tự hào của Việt Nam.
Theo dòng lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám dần trở thành Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam với mục đích đào tạo người tài cho đất nước, “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Ngày nay, mỗi kỳ thi Trạng nguyên nhỏ tuổi hay tốt nghiệp Đại học, cao học…Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là nơi được chọn để trao bằng rất trang trọng và tôn nghiêm.
SGGPO