.

25 năm trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma (14-3): Trường Sa bất tử!

.

Cách đây 25 năm, ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có 9 người con của thành phố Đà Nẵng.

Với người thân của 64 chiến sĩ, các anh chưa bao giờ mất mà đã hóa thân vào đất mẹ - nơi biển đảo quê hương, để động viên những người đang sống tiếp tục hướng về Trường Sa, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Thả hoa tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma. Ảnh: MỸ HẠNH
Thả hoa tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma. Ảnh: MỸ HẠNH

Ký ức của người ở lại

Chúng tôi đến thăm gia đình liệt sĩ Trần Văn Tài (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), cụ Trần Huỷnh - bố liệt sĩ Tài - năm nay bước sang tuổi 92, nhưng trông cụ rất minh mẫn, nhất là những lúc hồi tưởng về con trai mình. Cụ cho biết, Tài là con trai út trong gia đình có 4 anh chị em. Hai người anh của Tài cũng từng tham gia nghĩa vụ quân sự nên sau khi tốt nghiệp THPT, theo quy định, Tài được ưu tiên không lên đường nhập ngũ. Nhưng Tài nói với gia đình rằng, cho con tham gia nghĩa vụ quân sự, sau khi hoàn thành nhiệm vụ con sẽ về làm nước đá để giúp đỡ bố mẹ.

“Thằng Tài có năng khiếu âm nhạc, đam mê âm nhạc từ nhỏ, nhưng lúc đó nhà nghèo lắm nên nó không nuôi dưỡng ước mơ theo con đường nghệ thuật. Do nó tính tình hiền lành, hát hay, đàn giỏi, nên được mọi người trong xóm yêu mến. Ngày Tài lên đường nhập ngũ, mẹ nó (bà Lê Thị Cả - P.V) luôn động viên con giữ gìn sức khỏe, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, cụ Trần Huỷnh kể. Rồi cụ Huỷnh trầm ngâm: “Cái ngày nghe tin dữ, cả nhà như chết lặng, mẹ nó bắt đầu ngã bệnh và bệnh mất trí nhớ của bà cũng bắt đầu từ đó. Nhưng trong tận sâu thẳm lòng mình, bà vẫn đau đáu nỗi nhớ con. Bà mãi gọi tên con trong từng bữa ăn, giấc ngủ mãi cho đến lúc qua đời do bạo bệnh vào năm 2009”.

Còn mẹ Hồ Thị Lai, mẹ liệt sĩ Trương Quốc Hùng, năm nay 77 tuổi, vẫn nhớ như in ngày con trai về nhà ăn Tết và cho biết sẽ vào Cam Ranh để ra xây dựng đảo. Mẹ Lai và gia đình không muốn Hùng đi xa nhưng vẫn luôn động viên con rằng, đời lính phải đi đây đi đó, đến nơi Tổ quốc cần để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Khi tới Cam Ranh, anh Hùng viết thư về thông báo chuẩn bị ra đảo và động viên gia đình đừng lo lắng.

Mẹ Lai nhớ lại: “Sáng 14-3-1988, lòng tôi bồn chồn, đứng ngồi không yên, linh tính mách bảo có việc chẳng lành, trong giấc ngủ trưa, tôi thấy con trai mình mặc quần đùi, người ướt sũng, lòng tôi cảm thấy bất an”. Ngay ngày hôm sau, mẹ nghe đài phát thanh thông báo tình hình ở đảo Gạc Ma thì bàng hoàng vì giấc mơ của mình là sự thật. Bây giờ, khi nhớ về đứa con trai hiếu thảo của mình, mẹ Hồ Thị Lai nghẹn ngào: “Thằng Hùng hiền lắm, ít nói nhưng hay làm nhiều. Nó thường giúp gia đình xắt chuối, bằm rau để nuôi lợn. Những ngày mưa lụt, nó cùng bạn bè thường đi nơm cá về cải thiện bữa ăn cho gia đình. Lúc đó, gia đình tôi còn nghèo. Trước khi vào Cam Ranh, nó thấy tấm mền của tôi rách thì để lại tấm mền mới vừa nhận ở đơn vị cho tôi, còn nó chỉ mang thao tấm mền cũ”. Đã 25 năm trôi qua, nhưng với mẹ Lai, đứa con trai hiếu thảo vẫn luôn ở bên cạnh. Tấm mền của liệt sĩ Hùng để lại như một báu vật, là niềm an ủi tuổi già, mang đến cho mẹ hơi ấm trong những ngày đông giá lạnh và xoa dịu nỗi nhớ mong con.

Sẻ chia với người còn sống

Ông Phan Trọng Tín, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc, cho biết trước những hy sinh to lớn của các chiến sĩ ở Trường Sa, trong 25 năm qua, chính quyền địa phương đã quan tâm chăm sóc chu đáo các gia đình liệt sĩ. Ngoài các chế độ chính sách chung, chính quyền địa phương đã kết nghĩa và thường xuyên phối hợp với Trung đoàn 83 (đơn vị của các liệt sĩ trước lúc hy sinh) xây dựng, sửa chữa nhà ở, kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình các liệt sĩ.

Đối với các cựu chiến binh Trường Sa, sau khi xuất ngũ, những người lính năm nào luôn tận tình giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn và có nhiều tấm gương sáng về nghị lực, tài năng vượt khó, làm giàu chính đáng. Điển hình như anh Trần Văn Xuất (ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) bền bỉ phấn đấu vươn lên trở thành ông chủ một doanh nghiệp lớn về sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ, sản phẩm có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới. Mỗi năm anh Xuất ủng hộ hàng trăm triệu đồng giúp đỡ đồng đội cũ, nạn nhân chất độc da cam, những người nghèo khó, bất hạnh… Còn anh Nguyễn Văn Tấn (ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) lúc mới xuất ngũ rất khó khăn, bây giờ đã có một trung tâm bảo trì và thay thế phụ tùng xe máy, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động.

Từ năm 2011, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984-1987 thành phố Đà Nẵng đã được thành lập và tích cực tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ nhau ổn định cuộc sống. Mới đây, Ban liên lạc đã vận động kinh phí mua tặng sổ tiết kiệm cho 5 hội viên khó khăn, mỗi sổ 5 triệu đồng. “Nhận món quà này, mình hết sức xúc động về cái tình cái nghĩa của đồng đội từng gắn bó bên nhau trong những năm công tác, chiến đấu tại Trường Sa”, anh Hà An Hải (ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) chia sẻ.

Đến nay, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984-1987 thành phố Đà Nẵng có 95 hội viên và đều đặn tổ chức gặp mặt truyền thống vào ngày 14-3. Cũng vào dịp 14-3 hằng năm, Ban liên lạc tổ chức thắp hương tưởng niệm tại gia đình các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh tại đảo Gạc Ma năm xưa (thường gọi là liệt sĩ Trường Sa), đồng thời vận động giúp đỡ những hội viên nghèo khó, ốm đau.

Với mẹ Hồ Thị Lai, sự quan tâm của chính quyền các cấp và những người đồng đội của con trai mình cũng là niềm an ủi lớn lao. “25 năm qua, đồng đội của con tôi vẫn thường xuyên đến nhà, ân cần thăm hỏi, động viên, làm tôi cảm thấy ấm lòng”, mẹ Lai cho biết.

VĂN NỞ - LÊ VĂN THƠM

 

;
.
.
.
.
.