.

Bão số 10 đổ bộ, đất liền có gió mạnh giật cấp 15-16

.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 30-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Sóng biển đánh vào nhà dân ở vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế)
Sóng biển đánh vào nhà dân ở vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế)

Thời điểm hiện tại, tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cho hay, bão đã bắt đầu đổ bộ và ảnh hưởng. Từ 14h chiều nay, bắt đầu có mưa to và gió lớn giật cấp 10-11.

Ông Lê Đa Sơn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị cho biết tính đến 14 giờ chiều 30-9, việc sơ tán dân tại các vùng ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đã hoàn thành.

Đặc biệt, tại khu vực đảo Cồn Cỏ, đến 14 giờ cùng ngày, gió to cấp 12, cấp 13, toàn bộ nhà cửa của nhân dân cũng như các cơ quan, đơn vị trên đảo đã bị tốc mái, nhiều cây cối ngã đổ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang có mưa to đến rất to, gió ở vùng ven biển cấp 10, cấp 11. Tại địa bàn thành phố Đông Hà và các huyện, thị như Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, gió giật mạnh từng cơn, mưa to khiến một số con đường nội thị, liên huyện đã bị ngập.

Nhiều diện tích cây công nghiệp bị ngã đổ. Đường diện 110KV bị sự cố khiến toàn tỉnh Quảng Trị bị mất điện từ 12 giờ trưa 30/9. Đồng thời, mọi thông tin liên lạc (qua điện thoại) giữa huyện đảo Cồn Cỏ với đất liền đều nằm ngoài tầm phủ sóng; lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đang nắm thông tin chỉ đạo qua hệ thống mạng cơ yếu…

Tỉnh Quảng Trị đã huy động các lực lượng bộ đội, biên phòng, công an, dân quân tự vệ, y tế gồm hơn 6.200 người với 70 xe ôtô các loại, 52 tàu tham gia ứng cứu, sơ tán dân trong mọi tình huống khẩn cấp, khi cơn bão số 10 đổ bộ vào đất liền.

Tại Hà Tĩnh, Chánh Văn phòng Ban Phòng chống lụt bão, ông Bùi Lê Bắc đã cho hay, để đối phó với bão số 10, các cơ quan chức năng đã chủ động sơ tán hơn 2 vạn dân các xã của 5 huyện ven biển và TP. Hà Tĩnh trước 6h sáng nay. Hiện tại, gió đã mạnh lên cấp 7, sóng biển dâng cao 2m.

Tại thị trấn Lăng Cô (H.Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), bão số 10 đã ảnh hưởng kể từ khoảng 3 giờ sáng nay (30-9), và từ 8 giờ sáng, cơn bão đã mạnh lên và tràn vào thị trấn này.

Kể từ 10 giờ sáng nay, từng đợt gió mạnh khoảng cấp 8 - 9 đã quần thảo thị trấn Lăng Cô. Trên khắp địa bàn thị trấn, hàng trăm cây xanh, cổ thụ bị ngã đổ.

Thống kê sơ bộ của UBND thị trấn Lăng Cô lúc 11 giờ cùng ngày cho hay, ít nhất 45 căn nhà bị tốc mái, 2 căn nhà bị sập đổ hoàn toàn; Nhà nghỉ Trung ương Đảng, Trường tiểu học thị trấn Lăng Cô và một số khách sạn cũng bị tốc mái.

Hơn chục ngôi nhà kiên cố trong khu nghỉ dưỡng ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) bị tốc mái..
Hơn chục ngôi nhà trong khu nghỉ dưỡng ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) bị tốc mái...

Trong cuộc họp giao ban Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương diễn ra sáng nay (30-9), tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Hoàng Văn Thắng yêu cầu các địa phương sẵn sàng các lực lượng và phương tiện ứng phó bão số 10 đổ bộ vào bờ chiều nay.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, đến khoảng 22 giờ ngày hôm nay (30-9), vị trí tâm bão sẽ ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Bởi thế, Ban chỉ đạo cho rằng, phải tiếp tục khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão. Ngoài việc cấm biển và sơ tán dân những vùng nguy hiểm của các địa phương được dự báo tâm bão số 10 đi qua (gồm: Quảng Bình, Quảng Trị); các địa phương nằm ngoài vùng nguy hiểm ở Trung Trung Bộ, miền Trung và Tây Nguyên cần đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt chẽ các hoạt động ven bờ, đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn hồ chứa khi bão kèm gió mạnh và mưa lớn khi đổ bộ vào bờ đồng thời triển khai các lực lượng ứng trực sẵn sàng ứng phó khi xảy ra tình huống xấu.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết: Hiện nay toàn tàu thuyền đã ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 10. Một số về bờ trú tránh, một số đi xuống phía Nam. Các lực lượng bộ đội biên phòng được huy động sẵn sàng ứng phó bão.

Theo ông Võ Văn Hòa, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây rồi suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 1-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 103,1 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Gió lớn đã quật đổ nhiều cây xanh ven đầm Lập An (Huế)
Gió lớn đã quật đổ nhiều cây xanh ven đầm Lập An (Huế)

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam và Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 13, giật cấp 15 - 16. Biển động dữ dội.

Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6 - 7, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 14 - 15.

Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét.

Tính đến 6 giờ sáng nay, lực lượng Biên phòng các tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho khoảng 61.200 phương tiện với hơn 300 nghìn người biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.

Vietnam+/VNN/TN

;
.
.
.
.
.