Xử lý ngập úng, quản lý vận hành và đầu tư hạ tầng thoát nước thành phố đang bị phân tán nguồn lực, thiếu vai trò “nhạc trưởng” làm cho hiệu quả chống ngập úng trong những năm qua còn thấp.
TIN LIÊN QUAN
Năng lực thoát nước tại lưu vực sông Phú Lộc (Dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên đầu tư) chưa đáp ứng yêu cầu vận hành và khai thác xử lý thoát nước. |
Các đơn vị tham gia trực tiếp vào chương trình chống ngập úng có Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải (Sở Tài nguyên - Môi trường) và Ban Quản lý dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên (Văn phòng UBND thành phố). Bên cạnh đó là nhiều nguồn lực đầu tư của thành phố, Trung ương và vốn dự án Ngân hàng Thế giới (WB) để đầu tư thoát nước đô thị, nhưng hiệu quả chưa tương xứng, nhất là sự phối kết hợp của các đơn vị liên quan.
Điển hình như tuyến cống thoát nước đường Ông Ích Khiêm đã được đầu tư từ vốn Dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên nhưng nhiều năm qua tình trạng ngập sâu và kéo dài tại khu vực nút giao thông đường Quang Trung-Đống Đa vẫn chưa được xử lý. Công ty Thoát nước và xử lý nước thải cho biết, khu vực này thoát nước theo cống dọc đường Quang Trung có khẩu độ 1,8 mét chảy về cống thoát nước trên đường Ông Ích Khiêm ra biển Thanh Bình. Tuy nhiên, việc đấu nối gặp trở ngại do khác cao trình đáy cống, khẩu độ cống bị thu hẹp, đáy cống phía hạ lưu cao hơn thượng lưu và mạng dây cáp thông tin cắt ngang dòng chảy của cống.
Tình trạng ngập úng tại khu vực lân cận ngã ba đường Kỳ Đồng-Thanh Huy 1-Nguyễn Đức Trung-Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Khê lại xuất phát từ cửa xả sông Phú Lộc phần đoạn cống liên phường Xuân Hà-Xuân Hòa A do Dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên đầu tư có cấu tạo không hợp lý làm thu hẹp dòng chảy, hạn chế khả năng thoát nước. Qua phản ánh của Công ty Thoát nước và xử lý nước thải, Ban Quản lý dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên đã cải tạo cửa xả nhưng đơn vị quản lý vận hành khai thác gặp khó khăn khi cửa đóng mở quá nặng, chỉ mở được một nửa cửa xả cùng với việc lắp đặt lưới chắn rác quá dày, nước không thoát qua được. Qua trận mưa ngày 17 và 18-9-2013, phía thượng lưu của cống xả liên phường này ngập sâu 20cm và kéo dài 30 phút. Tương tự, tại tổ 14, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, cửa xả ra sông Phú Lộc do Dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên đầu tư cũng có cấu tạo không hợp lý, thu hẹp dòng chảy, hạn chế khả năng thoát nước khu dân cư.
Tại quận Sơn Trà, khu vực đường Hà Thị Thân, phường An Hải Tây, Sở Xây dựng xác định đây là khu vực dân cư trũng thấp nên cần đầu tư tuyến cống thoát nước qua đường Trần Hưng Đạo có khẩu độ 1,5 x 12m. Năm 2012 thành phố giao cho Công ty CP Cù Lao Chàm (SunGroup) đầu tư thực hiện theo hình thức BT với giá trị 12 tỷ đồng, Ban Quản lý các dự án công trình Bạch Đằng Đông làm chủ đầu tư và đã hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 8-2012. Tại Báo cáo số 3252/SXD-QLHT của Sở Xây dựng ngày 23-8-2013 thì khu vực đường Hà Thị Thân đã hạn chế tối đa ngập. Song ngày 18-9-2013, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải đã ghi nhận tình trạng ngập tại khu vực này với mức độ ngập sâu 35cm và kéo dài 50 phút.
Các đơn vị quản lý, vận hành và đầu tư xây dựng hạ tầng thoát nước chưa đạt được sự thống nhất cao trong việc xác định số lượng điểm ngập và giải pháp xử lý chống ngập. Sở Xây dựng thống kê có 93 điểm ngập và đã xử lý 26 điểm ngập; Công ty Thoát nước và xử lý nước thải cho rằng có 91 điểm ngập và đã xóa được 33 điểm. Các giải pháp chống ngập của Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước và xử lý nước thải chưa đồng nhất. Ví dụ, tại điểm ngập cổng vào Khu công nghiệp Hòa Khánh, Sở Xây dựng thi công khớp nối tuyến đường nối ra đường Nguyễn Tất Thành và đấu nối thoát nước ra hồ Bàu Mạc. Trong khi đó, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải lại chuyển dòng thu nước khu vực này về tuyến cống số 2 Khu công nghiệp đổ vào hồ Bàu Tràm.
Theo Sở Xây dựng, để chương trình chống ngập úng đô thị phát huy hiệu quả cần thành lập Ban chỉ đạo xử lý ngập úng cấp thành phố, đồng thời chuyển Công ty Thoát nước và xử lý nước thải trực thuộc UBND thành phố để thuận lợi cho việc điều hành quản lý.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG