.

Năm 2014, giảm hội nghị, không sắm xe công

.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 23-10, Quốc hội (QH) làm việc tại Hội trường nghe báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; Tờ trình của Chính phủ về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 và các báo cáo thẩm tra các nội dung trên.

Tại phiên họp này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH đề nghị năm sau Chính phủ tiết kiệm chi tiêu, giảm tối đa chi hội nghị, khánh tiết, không mua xe công, cần rà soát tinh giản biên chế khu vực hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển: Dự toán tăng chi 2,9% chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu.	       Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển: Dự toán tăng chi 2,9% chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu. Ảnh: TTXVN

Bội chi 5,3%

Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày đề cập việc nâng trần bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% GDP (224.000 tỷ đồng).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khi tốc độ tăng thu giảm, bội chi ngân sách Nhà nước cao hơn kế hoạch, dư nợ công tăng nhanh, nhiều khoản nợ của ngân sách Nhà nước chưa được xử lý nhưng dự toán chi ngân sách Nhà nước tăng 2,9% so với năm 2013 như đề nghị của Chính phủ là “chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu”.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị mức dự toán chi giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, sự nghiệp môi trường phải bảo đảm bố trí theo các tỷ lệ tương ứng 20%, 2%, 1% trên tổng chi ngân sách Nhà nước, không ban hành chính sách chi an sinh xã hội mới khi chưa thể cân đối được nguồn thực hiện.

Ủy ban cũng đề nghị tiết kiệm chi tiêu, giảm tối đa chi hội nghị, khánh tiết, không mua xe công… Đồng thời, cần rà soát tinh giản biên chế khu vực hành chính, sự nghiệp theo hướng không tăng biên chế (trừ biên chế thật cần thiết cho giáo dục, y tế), siết chặt kỷ luật tài chính trong quản lý chi tiêu.

Về chi đầu tư phát triển, Ủy ban đề nghị Chính phủ bố trí ít nhất bằng dự toán của năm nay là 175.000 tỷ đồng.

Bên lề kỳ họp, ông Nguyễn Đình Quyền, Đoàn đại biểu QH Hà Nội, cho rằng ngân sách Nhà nước năm 2013 hết sức lo ngại trong bối cảnh hụt thu ngân sách lớn, thất thu so với dự toán trên 63.000 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên hụt thu ngân sách lớn đến như vậy. Vì vậy, việc nâng bội chi ngân sách từ 4,8% tăng lên 5,3% GDP là cần thiết để dành cho đầu tư vì bội chi ngân sách là bội chi để phát triển chứ không phải bội chi để bù đắp tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Quyền lo ngại mức bội chi 5,3% không đủ ngưỡng để trang trải các dư nợ và đầu tư phát triển mà phải lên tới 5,8-6,2% thì mới đủ để chuyển trả nợ trên dư nợ công, dư nợ Chính phủ, dư nợ quốc gia và chuyển một số nguồn lực để phát triển. Vì vậy, theo ông Quyền, dư nợ công, dư nợ Chính phủ, dư nợ quốc gia trong báo cáo của Chính phủ cần rà soát để có con số chính xác, trung thực, từ đó có giải pháp khắc phục dư nợ. Bảo lãnh tín chấp của Chính phủ phải được rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm ngưỡng nợ công không vượt quá trần để đảm bảo an toàn cho thu chi ngân sách Nhà nước và làm lành mạnh hóa ngân sách Nhà nước năm 2014.

Cần giám sát, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của HĐND

Trước đó, sáng 23-10, QH thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Cần Thơ.

Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa phát biểu thảo luận tại tổ.
Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa phát biểu thảo luận tại tổ.

Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhận định, Điều 74 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục quy định, Ủy ban Thường vụ QH là cơ quan có nhiệm vụ và quyền hạn “Giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND; bãi bỏ các nghị quyết sai trái của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giải tán HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp HĐND đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân”. Đồng thời, tại Điều 96 quy định, Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn “hướng dẫn, kiểm tra HĐND trong việc thực hiện các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để HĐND thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định”. Như vậy, cùng một lúc HĐND cấp tỉnh có đến 2 cơ quan là Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ thực hiện chức năng giám sát, hướng dẫn, kiểm tra. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động ở địa phương cho thấy, thời gian qua các quy định này vẫn còn mang tính chất định hướng chung chung, quá trình hoạt động của HĐND cấp tỉnh gặp nhiều khó khăn nhưng chưa được hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời.

Trong thực tế, mối quan hệ giữa HĐND tỉnh và Ủy ban Thường vụ QH chưa được xác định cụ thể bởi các quy định, cơ chế rõ ràng, nên vẫn còn rất chung chung, chưa thật sâu sát. Việc hướng dẫn và giám sát của Ủy ban Thường vụ QH với HĐND tỉnh còn hạn chế, chưa thường xuyên. Mối quan hệ giữa HĐND cấp tỉnh và Chính phủ trên thực tế tuy đã được điều chỉnh bởi các quy định cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề này cũng chỉ mới dừng lại về mặt pháp lý, lý luận. ĐB đề nghị trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cần xem xét quy định theo hướng giao cho Ủy ban Thường vụ QH thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Có như vậy, hoạt động của HĐND mới đi vào hướng ổn định, có cơ quan chủ trì chỉ đạo rõ ràng, tránh lúng túng như vừa qua.

Về chế định Tòa án Nhân dân tại Chương 8, ĐB cho rằng việc Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp xác định tranh tụng là nguyên tắc cần thiết góp phần quan trọng vào việc xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo đảm phán quyết của tòa án được công bằng, bảo vệ công lý, và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã quy định vấn đề này. Tuy nhiên, ĐB đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu bỏ nguyên tắc tranh tụng này, vì đây là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, Hiến pháp không nên quy định. Mặt khác, đối với các vụ án đơn giản thì xét xử theo thủ tục rút gọn sẽ nhanh chóng và đỡ tốn kém.  

Thiếu tướng Lê Văn Hoàng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng) cho rằng, về chế định bảo vệ Tổ quốc tại Chương 4 đã khẳng định bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang chính là xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị. Đây là một nội dung mà các thế lực thù địch đang tập trung đòi xóa bỏ. Do vậy, việc quy định bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang trong Hiến pháp là hết sức đúng đắn, khẳng định sự trung thành của lực lượng vũ trang với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; đồng thời khẳng định vai trò nòng cốt của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Về chế định Chủ tịch nước tại Chương 6, ĐB bày tỏ đồng tình với quy định tại khoản 5 Điều 88. Tuy nhiên, ĐB cho rằng nên chăng giao cho Chủ tịch nước thẩm quyền vừa bổ nhiệm chức vụ, vừa phong quân hàm thì mới đúng nghĩa thống lĩnh lực lượng vũ trang. Vì trong lực lượng vũ  trang, việc quyết định chức vụ rất quan trọng, có chức vụ thì sẽ được phong quân hàm tương ứng.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Thân Đức Nam (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng) nhận định, khoản 2 Điều 45 quy định “Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”; đối chiếu với Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định “Công dân nam giới, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, nơi cư trú, có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam” thì rõ ràng có sự chưa phù hợp. Tất nhiên, như dự thảo Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp năm 1992 đã quy định bảo đảm tính hợp hiến của hệ thống pháp luật sau khi Hiến pháp có hiệu lực, tức là các luật có quy định trái Hiến pháp cần sửa đổi cho phù hợp. ĐB cho rằng ở đây có hai vấn đề, một là việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và hai là việc tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Trong đó, việc tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân là trách nhiệm của công dân là rõ ràng. Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong lực lượng Quân đội nên quy định như pháp luật hiện hành là đối với công dân nam giới. Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần diễn đạt lại khoản 2 Điều 45 cho rõ hơn.

Tại khoản 1 Điều 114 quy định “UBND do HĐND cùng cấp bầu hoặc do HĐND cấp trên trực tiếp phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch UBND cùng cấp, là cơ quan chấp hành của HĐND…”. ĐB cho rằng, việc quy định UBND là cơ quan chấp hành của HĐND là phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta đang thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường ở một số địa phương, như vậy UBND ở nơi không có HĐND cùng cấp lại là cơ quan chấp hành của HĐND cấp trên trực tiếp hay sao? Như vậy, HĐND cấp đó có cả cơ quan chấp hành là UBND cùng cấp và có thể nhiều hơn một cơ quan chấp hành là UBND cấp dưới do mình phê chuẩn theo đề nghị của UBND cùng cấp. Do đó, ĐB đề nghị làm rõ thêm vấn đề này và nên nghiên cứu xem có cần phân biệt chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn để có cơ chế điều chỉnh phù hợp, thuận lợi cho tiến trình cải cách chính quyền địa phương.

TTXVN-PHẠM HỮU HOA
 

;
.
.
.
.
.