.

Chị Thu xe ôm

.

“Quá khứ tôi cũng giang hồ lắm. Tôi buôn gian bán lận, nói chủ tàu đổ 20 lít dầu nhưng thực chất đổ 18, 19 lít. Những hôm đắt đỏ, tôi mua dầu xấu trộn chung dầu tốt đổ cho họ mà không mảy may suy nghĩ lỡ tàu ra biển gặp sự cố sẽ ra sao.

Mẹ biết gặng hỏi, tôi chối bay chối biến. Cả nhà chồng lắc đầu vì đứa con dâu “ăn đằng sóng nói đằng gió”, không coi ai ra gì. Rồi thì sống không có đức nên ông trời lấy đi tất cả. Những chuyến đi biển không thành. Nhiều tàu cá vỡ nợ, tiền nợ dầu họ không có để trả. Tôi vét hết tài sản trả nợ cho các đại lý cung cấp dầu mà vẫn không đủ. Gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, chủ nợ suốt mấy tháng trời tìm tới nhà đòi tiền. Đứa con trai đầu lòng chịu không được cảnh ấy, bỏ nhà đi bụi khi đang học phổ thông. Tôi ân hận, thương con nên quyết tâm làm lại cuộc đời. Và từ thiện là cách tôi chuộc lỗi với bản thân, gia đình cùng những người tôi trót lọc lừa, dối trá”.

Căn bếp nhỏ này nhiều năm qua là nơi chị Thu nấu những bữa cơm từ thiện dành cho người nghèo.
Căn bếp nhỏ này nhiều năm qua là nơi chị Thu nấu những bữa cơm từ thiện dành cho người nghèo.

Giữa tiết trời se lạnh chiều cuối năm, chị Nguyễn Thị Tuyết Thu (ở tổ 1C, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) mở đầu câu chuyện của mình như thế. Chị không quên nói thêm: “Em cứ viết sự thật, để những ai đang sống không tốt nhìn vào tôi như một tấm gương”.

Mượn vàng… cho người khó

Một buổi sáng năm 2005, sau nhiều tháng trốn tránh chủ nợ tìm đến nhà, chị Thu một mình dắt chiếc xe máy ra đầu hẻm hành nghề xe ôm. Cuốc xe đầu chở khách, chị lóng nga lóng ngóng, làm tài xế mà phải hỏi dò đường. Thấy không ổn vì dễ mất khách, chị chuyển về đứng tại khu chợ An Cư gần nhà. Khách hàng của chị hầu hết là người đi chợ, thi thoảng chị Thu nhận chở hàng cho các đại lý. Chạy xe ôm thời ấy chẳng kiếm được mấy đồng vì đoạn đường đi từ chợ đến nhà thường gần, nhưng hễ gặp người già, người khó như mình là chị không lấy tiền xe. Lầm lũi làm việc từ ngày này qua ngày khác, chẳng mấy chốc chị thành tay xe ôm thứ thiệt. “Chạy xe thời gian ngắn mà có lúc tôi còn không dám nhìn mình trong gương nữa, đen đủi xấu xí lắm. Nhiều khi đứng chờ khách mà thấy tủi thân, nhưng rồi tôi nghĩ, mình không làm thì lấy gì phụ chồng trả nợ và nuôi các con ăn học”, chị Thu nói.

Chạy xe ôm, tiếp xúc nhiều mảnh đời, nhiều hoàn cảnh khác nhau, khơi gợi tâm hồn hướng thiện trong chị. Lúc thành phố chưa có chủ trương tập trung người bị tâm thần, xin ăn về nuôi dưỡng, nhiều khi ngồi chờ khách, chị Thu thấy không ít người xin ăn, tâm thần lang thang trên đường phố. Cám cảnh, chị mua cho ổ bánh mì, gói xôi, đôi khi dẫn họ vào quán bún, mì cho ăn sáng dù trong túi chị không có đồng nào. Chị ký nợ, khi nhận tiền cuốc xe đầu tiên trong ngày, thế nào chị cũng mang đến trả. Có hôm đang trên đường ra chợ mua thức ăn, gặp hoàn cảnh đáng thương, bao nhiêu tiền trong túi đều vét sạch cho họ, còn mình sau đó đi tiếp ra chợ xin ít rau về nấu canh ăn qua bữa. Chị bảo, trong tâm chị lúc ấy, bây giờ luôn có lời Phật dạy “phục vụ chúng sanh là cúng dường thiết thực nhất”. Và chị chọn cách làm từ thiện để “trả ơn đời và chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ”.

Từ một người “ăn đằng sóng nói đằng gió”, chỉ biết nghĩ cho mình, sự thay đổi tích cực của chị Thu được nhiều người biết đến. Cách đây khoảng 7 năm, một cô gái trẻ đang mang thai quê Bình Định đến gặp chị và bảo “người dân ở đây nói em nếu cần giúp đỡ thì tìm đến Thu xe ôm”. Chị ân cần chở cô gái về nhà, nấu cơm cho ăn. Tại đây, cô gái kể chồng làm thợ xây, chẳng may ngã giàn giáo nguy kịch đến tính mạng. Để có tiền cứu chữa cho chồng, cô bán nhà ở quê, mang chồng ra Bệnh viện Nguyễn Văn Thái (quận Sơn Trà) để chữa trị. Nhưng sau ca mổ, bệnh của chồng không khá hơn. Giờ cô phải chạy ăn từng bữa trong khi cái thai sắp đến ngày sinh nở, tiền đi xe về quê nhà cũng không có. Đang lúc túng quẫn thì cô gái được mọi người giới thiệu đến gặp chị Thu. Cảm động trước hoàn cảnh đáng thương của cô gái trẻ, chị Thu nghỉ chạy xe thồ 3 ngày, đi xin được 7 triệu đồng mang đến bệnh viện trao tận tay đôi vợ chồng trẻ. Chị còn xin cho vợ chồng họ về ở trong một ngôi chùa tại quê nhà Bình Định chờ ngày sinh nở. Đặc biệt hơn, chị còn đi vay 5 phân vàng đưa cho cô gái trẻ và dặn “giữ đến khi nào lên bàn sinh, nếu kẹt tiền quá thì bán mà lấy tiền nuôi con”.

Hành trình của những nồi cơm

Chuyện nấu cơm từ thiện đến với chị như cơ duyên. Cách đây mấy năm, những lúc chở khách đến trước Bệnh viện Đà Nẵng, thấy cảnh một số người ra trước cổng bệnh viện ngửa tay xin tiền mua cơm, mua cháo cho người nhà đang nằm viện, chị ứa nước mắt. Chị quyết định dùng phần lớn số tiền chạy xe ôm kiếm được trong ngày để mua gạo, thức ăn nấu mang đến bệnh viện phát cho người khó.

Với quyết định đó, mỗi ngày chị thức dậy từ 3 giờ, nấu 15 lon gạo và 25.000 đồng thức ăn gồm đậu khuôn, rau, xì dầu rồi một mình mang cơm qua đứng phát tại bệnh viện. Phát xong, chị quay lại công việc xe thồ thường nhật để kiếm sống, phụ chồng nuôi con.

Một mình nấu cơm từ thiện được 4 tháng thì có chị Huỳnh Thị Hoa đến nhà đề nghị phụ chị Thu mỗi ngày thêm một nồi cơm. Hai người phụ nữ chia nhau mỗi người một nhiệm vụ, người nấu cơm, người nấu thức ăn và xin thêm tiền tài trợ. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Thu ra chợ An Cư, xin mỗi hộ buôn bán tại đây từ 1.000 - 2.000 đồng. Số tiền xin không đáng là bao nhưng cũng giúp nhóm chị Thu kiếm được từ 200.000 - 300.000 mỗi ngày.

Gầy dựng dần dần, đến năm 2010, cơm từ thiện của chị Thu đã “phình to” được 12 nồi, lần nấu từ 40 - 50 ký gạo cộng một triệu tiền thức ăn. Chị chia sẻ: “Mỗi tháng 8 lần, chúng tôi mang cơm đến phân phát cho người nghèo tại một số bệnh viện trong thành phố. Việc xin tiền duy trì nồi cơm không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có người tôi vừa mở miệng xin đã chửi thẳng vào mặt rằng “làm chuyện dông dông, đi xe thồ nghèo kiết xác mà còn bày đặt làm từ thiện”. Điều đó không làm tôi nản, vì tôi tin nhiều người sống quanh mình có lòng tốt và sẵn sàng giúp đỡ mọi người”.

Từ ngày gia đình rơi vào cảnh vỡ nợ, thời gian rảnh, chị Thu thường tới chùa để tìm lại cõi tịnh trong tâm hồn. Chị thay đổi hẳn cách sống, cách ứng xử, trở lại là con hiền dâu thảo. Nguyễn Anh Huy, con trai chị, nhận ra sự thay đổi của mẹ, đã trở về nhà và tiếp tục ôn thi, đậu vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Ra trường, đi làm, Huy thường xuyên tham gia hoạt động từ thiện cùng mẹ, chịu trách nhiệm tiền điện, nước. Thỉnh thoảng Huy còn hỗ trợ thêm cho mẹ 30 ký gạo góp vào nồi cơm. Mỗi khi thu xếp được việc gia đình, chồng và con gái chị cũng theo chân vào bệnh viện phát cơm cho người nghèo. Hành trình nhiều ý nghĩa này đã gắn kết tình cảm gia đình họ ngày một gắn bó, yêu thương.

Chị Thu bảo, con người ai cũng có lúc túng quẫn, cần sự giúp đỡ của mọi người. Giống như chị năm xưa, nếu không nhờ sự nương tay của các chủ nợ, thì cuộc đời chị, có khi chẳng được hạnh phúc tròn đầy như bây giờ.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.