(ĐNĐT) - Tết là thời điểm rất nhiều loại hàng hóa tiêu dùng tiêu thụ mạnh, nhất là bánh, mứt, thịt gia súc, gia cầm, rau củ, trái cây, hoa tươi… Những sản vật này làm nên một cái Tết đủ đầy. Bên cạnh đó, ngày nay cuộc sống bận rộn khiến nhiều gia đình chọn hàng chế biến sẵn thay vì tự chuẩn bị. Nhiều cơ sở làm bánh, mứt, xôi chè ra đời từ đó và đem lại thu nhập đáng kể cho những người làm công việc này.
Một mâm cúng với nhiều thức ngon tượng trưng cho ước vọng sung túc của người Việt. |
Mâm cúng truyền thống ngày Tết
Ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hoá hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm hồn Việt. Tuy mỗi vùng miền có những đặc sản, phong vị khác nhau nhưng mâm cỗ ngày Tết của cả ba miền vẫn có những điểm chung, mang đậm hương vị truyền thống.
Mâm cỗ Tết với nhiều thức ngon được những người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, thể hiện sự no ấm, hạnh phúc cũng như ước mong một năm mới đủ đầy, thịnh vượng và phát đạt.
Suy nghĩ của người Việt ta là dành những điều tinh túy, hoàn hảo nhất cho ngày Tết. Điều đó thể hiện rất rõ qua mâm cỗ Tết - một mâm cơm đặc biệt nhất trong năm khi cả gia đình được đoàn viên, sum vầy.
Cô Đinh Thị Dung (giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM), cho biết: “Mâm cúng Tết rất quan trọng với người Việt. Ngày Tết ở miền Trung cúng ngày 30 (rước ông bà) giống cúng mồng 3 (tiễn ông bà), cách cúng gồm có 2 bàn: Bàn thượng gồm hoa tươi, trái cây, 2 cây đèn và cả vàng mã sắp 2 bên. Bàn hạ gồm có cơm, cá, thịt, món luộc, món xào, nước chấm, nem chả, có tô canh... đầy đủ như một mâm cỗ ấy. Còn nữa, trước khi thắp nhang rót ly nước lọc gọi là nước súc miệng. Nhang lên rồi thì rót rượu, nhang tàn 1/2 thì rót nước trà...”. Cô chia sẻ thêm, nghi thức cúng lễ của người Việt khá cầu kỳ, với tâm nguyện con cháu càng thành kính với tổ tiên thì sẽ có một năm nhiều lộc phước.
Từ ý nghĩa mâm cúng đó, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân trong những ngày Tết tăng nhiều so với ngày thường. Ngoài nhu yếu phẩm cần thiết trong gia đình ngày Tết như thịt gà, thịt lợn, dưa kiệu, bánh chưng, bánh tét…, hoa quả cũng rất quan trọng, đặc biệt là mâm ngũ quả với ý nghĩa cầu mong một năm mới sung túc, suôn sẻ.
Nói về vấn đề này, tiến sĩ Lý Tùng Hiếu (giảng viên khoa Văn hóa học ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM) cho biết: “Cần phân biệt mâm cỗ cúng với các thức trái cây, quà bánh dùng trang trí, gọi là đồ chưng, thường có màu sắc tươi đẹp và tên gọi mang tính biểu tượng: mãng cầu (cầu xin), sung (sung mãn), dừa (vừa), đu đủ (đủ), xoài (xài), cành sung (lộc sung), dưa hấu (vận đỏ), thơm (thơm tho), đào (vận đỏ, mùa xuân), mai (may mắn, mùa xuân), dơi (phúc), nai (lộc), ông tiên (thọ), ngựa (mã đáo thành công), bức lộc song tiền (phúc lộc song toàn), phúc lộc thọ, liễn đối…Các thức trang trí này vừa có chức năng thẩm mỹ, chức năng nghệ thuật, vừa có chức năng tâm linh, thể hiện những ước vọng, cầu mong chính đáng của người Việt”.
Thực vậy, ý nghĩa của các mâm cỗ cúng Tết này cũng chính là ý nghĩa của Tết Việt: Tết Nguyên đán là dịp đoàn viên gia đình, đại gia đình, là dịp tưởng nhớ công ơn, tạ ơn và cầu khấn tổ tiên, thần linh. Cuối cùng mới là dịp nghỉ ngơi, vui chơi, tiêu khiển. Các mâm cỗ Tết là sự thể hiện, thực hiện mục đích, ý nghĩa thiêng liêng ấy.
Phong phú hàng chế biến sẵn
Ngày nay, cuộc sống bận rộn khiến nhiều chị em chọn thực phẩm chế biến sẵn thay vì mua nguyên liệu về tự làm mâm cỗ. “Bánh tét, mứt, dưa kiệu, giò chả…, tất cả đều được làm sẵn hợp vệ sinh được bày bán ở siêu thị và các chợ với giá cả chấp nhận được khiến chúng tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều so với các bà, các mẹ ngày xưa. Một phần vì tôi không có thời gian do cuối năm phải quyết toán sổ sách, phần vì bây giờ cái gì cũng có sẵn cả nên rất tiện lợi”, chị Lê Thị Loan (kế toán, trú đường Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà) chia sẻ.
Không chỉ những đồ đóng gói sẵn tiêu thụ mạnh dịp Tết, mà các loại thực phẩm như xôi, chè cũng được bày bán từ sớm, phục vụ cho những gia đình cúng chay hay cúng tất niên, ông Táo, giao thừa… Bà Hoa (bán xôi, chè tại chợ An Hải Đông, quận Sơn Trà), cho biết: “Lượng khách mua xôi và chè đậu xanh bắt đầu tăng từ đầu tháng Chạp đến sát Tết. Không chỉ lượng khách lẻ mua hằng ngày tăng mà chúng tôi còn nhận đơn đặt trước chè đậu xanh và xôi vò từ nhiều khách hàng quen nữa.”
Nhiều tiểu thương bán dưa kiệu, bánh chưng, chè, giò thủ… ở chợ Hàn cho hay, lượng khách mua những thực phẩm này những năm gần đây tăng cao do chị em ngày càng bận rộn, không có thời gian chuẩn bị. “Những ngày giáp Tết nhiều lễ cúng nên gia đình nào cũng phải mua các mặt hàng thiết yếu. Tôi đã dự đoán lượng mua dưa kiệu sẽ tăng vì những chị em trẻ làm gì có thời gian mua kiệu tươi về gọt vỏ, rồi phơi…nên tôi cùng mấy chị em trong gia đình làm dưa kiệu bán, những ngày này thì bán được lắm”, chị Tươi (bán dưa kiệu tại chợ Cồn), cho biết.
Ngày Tết - ngày lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm của người Việt đang đến rất gần. Người người, nhà nhà đều hân hoan sửa soạn đón Tết với hy vọng một năm nhiều thành công, may mắn và hạnh phúc.
Quỳnh Trang