Vào những ngày cuối năm, hàng hóa được các tiểu thương nhập về khá nhiều để phục vụ Tết. Do đó, vấn đề phòng, chống cháy nổ luôn đặt trong tình trạng báo động tại các chợ.
Diễn tập PCCC tại chợ Mới (Đà Nẵng). |
Sở Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 80 chợ từ cấp 1 đến cấp 3, trong đó có nhiều chợ đã xuống cấp.
Hệ thống PCCC không đáp ứng
Theo Sở Cảnh sát PCCC, hệ thống PCCC ở các chợ không đáp ứng được yêu cầu chữa cháy hiện hành. Trong khi đó, gần Tết, hàng hóa được các tiểu thương nhập về nhiều như: áo quần, giày dép, bao bì các loại, giấy, thực phẩm khô, hàng mã… Song, khoảng cách chống cháy lây lan không bảo đảm vì các đình chợ có mái liền kề với nhau, có đình không có tường ngăn cách, lối đi lại chật hẹp.
Có mặt tại chợ Cồn, phải khá vất vả chúng tôi mới len lỏi, chui, lách giữa hàng trăm quầy hàng, ki-ốt để đi lại bởi ở đây, các ki-ốt dường như quá tải so với ngôi chợ có vẻ đã xuống cấp. Do cận Tết, tiểu thương đưa thêm nhiều hàng hóa về bán trong dịp Tết nên lấn cả ra ngoài đường đi. Không chỉ vậy, hàng hóa được treo, móc, trưng bày ở khắp nơi, thậm chí trên đường dây điện. Nhiều mặt hàng dễ cháy như vàng mã, hương đèn cũng được các tiểu thương nhập về nhiều hơn ngày thường. Một tiểu thương tại chợ Cồn nói: “Năm nào cũng vậy, gần Tết phải nhập hàng về để bán. Bởi đây là thời điểm “ăn nên làm ra”, rất nhiều hộ gia đình đến mua sắm Tết, chuẩn bị tất niên”.
Các chợ như Đống Đa, Hòa Khánh, Cẩm Lệ… cũng trong tình trạng tương tự, hàng hóa được các tiểu thương nhập về tăng gấp đôi so với ngày thường. Theo quan sát của chúng tôi, do việc kinh doanh cuối năm bận rộn, nhiều tiểu thương đã “quên” công tác PCCC, nên “bà hỏa” có thể “viếng” bất cứ lúc nào.
Chủ động phòng cháy
Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng cho biết, trong công tác PCCC ở chợ, lực lượng tại chỗ đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi khi xảy ra hỏa hoạn, nếu lực lượng bảo vệ phát hiện kịp thời, kèm thêm phương tiện chữa cháy đầy đủ thì công tác chữa cháy sẽ gặp thuận lợi, thiệt hại không đáng kể. Thực tế trong những năm qua, một số chợ Đà Nẵng đã xảy ra hỏa hoạn. Điển hình vào năm 2000 cháy ở chợ Cồn, năm 2010 siêu thị Đà Nẵng cũng xảy ra cháy tại một ki-ốt nhỏ… Mới đây, lúc 0 giờ ngày 29-10-2013, chợ Cẩm Lệ xảy ra hỏa hoạn, thiêu rụi một ki-ốt. Người dân phát hiện đã nhanh chóng tri hô, lực lượng PCCC ở chợ có mặt kịp thời, đồng thời gọi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hỗ trợ nên đã khống chế được ngọn lửa, không cháy lan sang những ki-ốt khác.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng cho biết, nhận thức vấn đề cháy nổ trong dịp Tết tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao nên Sở đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát PCCC các quận, huyện triển khai các kế hoạch thanh kiểm tra tại các chợ, đồng thời lên phương án chữa cháy cụ thể khi có sự cố. “Qua kiểm tra, chúng tôi luôn nhắc nhở ban quản lý các chợ chú trọng mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy. Bên cạnh đó, nhắc tiểu thương cần có phương án bảo vệ tài sản, không nên lơ là trong việc phòng cháy”, Đại tá Lê Ngọc Hai nói.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại thời điểm này, ban quản lý các chợ cũng đã tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương mua sắm thêm trang thiết bị PCCC, đồng thời tăng cường lực lượng triển khai công tác bảo vệ, kịp thời phát hiện để dập tắt các sự cố hỏa hoạn ngay từ ban đầu.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ