Đại gia đình gồm 6 anh em quê gốc Quảng Ngãi đều gắn với nghề biển. Không hẹn trước, nhưng cả 6 người đều lấy ngư trường Hoàng Sa để mưu sinh và cũng để góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với ông Phạm Hừng, dù gian nan vất vả nhưng ông vẫn quyết tâm bám ngư trường Hoàng Sa. |
Đại gia đình làm nghề biển
Sau chuyến biển dài gần một tháng, cái mặn mòi của gió biển vẫn còn hằn trên khuôn mặt của ông Phạm Hừng (57 tuổi, ngụ phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). Trong căn nhà khang trang ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, ông kể: “Đại gia đình chúng tôi đều làm nghề biển. Riêng tôi làm cái nghề “hồn treo cột buồm” này hơn 35 năm, trong đó hơn 20 năm gắn bó với ngư trường Hoàng Sa”.
Những năm đầu, do còn khó khăn nên ông Hừng theo bạn, đánh bắt ở khu vực Vịnh Bắc Bộ. Khi có vốn thì gia đình đóng tàu mới và lấy ngư trường Hoàng Sa để mưu sinh. Hiện tại, ông Hừng có 4 tàu công suất từ 90 - 774CV, khoảng 40 lao động cùng ra khơi Hoàng Sa.
Các em của ông Hừng là ông Phạm Phương, Phạm Thanh, Phạm Dũng (hiện sống ở Đà Nẵng) và ông Phạm Nghĩa, bà Phạm Thị Nuôi (ở Quảng Ngãi) đều làm nghề biển, gắn với ngư trường Hoàng Sa. Ông Phạm Phương (hiện ngụ phường An Hải Bắc) cũng có 2 tàu công suất 450CV đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa. Ông Phương thổ lộ: “Nghề biển đã làm thay đổi cuộc sống gia đình, cho chúng tôi cái ăn, cái mặc và cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa khá gian nan. Hơn 20 năm bám biển Hoàng Sa, hầu như chuyến nào ra khơi cũng gặp tàu hải quân Trung Quốc, trên đầu thì máy bay gầm rú. Ban đầu cũng lo nhưng mình lì thành quen. Họ cũng chẳng dám làm gì mình, vì mình đánh bắt đúng luật, đúng hải phận”.
Người em thứ 3 của ông Phạm Hừng là anh Phạm Thanh năm nay tròn 40 tuổi, nhưng có hơn 20 năm làm nghề biển, gần 10 năm bám ngư trường Hoàng Sa. Với anh Thanh, Hoàng Sa là vùng biển, đảo thiêng liêng. Mỗi lần ra khơi, không nhìn thấy được đảo thì lòng không yên. Có những lần anh cho tàu ghé sát đảo chỉ còn cách 7 hải lý để đánh bắt.
Cũng theo anh Thanh, trong những năm đánh bắt cá tại khu vực Hoàng Sa, không ít lần anh “chạm trán” với tàu Trung Quốc. “Một lần, tàu chúng tôi vừa tới ngư trường đánh bắt, khi thả ngư cụ xuống thì tàu Trung Quốc đến xua đuổi. Chúng ra hiệu phải đi khỏi vùng đánh bắt đó. Tôi cho tàu đi rà rà như để “trêu ngươi” chúng. Chúng cứ bám đến mấy chục hải lý. Tuy nhiên, theo mãi cũng chả làm gì được nên chúng phải đi nơi khác để anh em chúng tôi làm nghề”. Cũng có lần tàu hải quân Trung Quốc thấy tàu anh đánh bắt cá thì bắn pháo hiệu lướt ngay trên tàu, khiến những người lao động có phần hoang mang. Tuy nhiên, mọi người vẫn kiên trì bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa.
Sợ... là mất ngư trường!
Những năm gần đây, Trung Quốc có những động thái độc chiếm Biển Đông, cản trở rất lớn việc đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam tại ngư trường Hoàng Sa. Tuy nhiên, ngư dân Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng không bao giờ biết sợ. Bởi như họ tâm sự, Hoàng Sa là một phần máu thịt không thể thiếu của nước Việt Nam chúng ta. Nếu sợ sẽ mất một ngư trường nhiều tôm cá, không thể góp phần bảo vệ, đòi lại được quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng ấy.
Các lao động theo ông Phạm Hừng hàng chục năm nay đều thuộc từng luồng nước, từng luồng cá đi trên ngư trường Hoàng Sa. Họ hiểu rõ Luật Biển quốc tế, nắm được tình hình thời sự trên Biển Đông qua các phương tiện truyền thông và những thông tin từ các cơ quan chính quyền cung cấp. Mỗi năm các lao động của ông cùng các ngư dân đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa cung cấp hàng trăm tin liên quan tình hình trên Biển Đông cho cơ quan chức năng Việt Nam để giải quyết. Do đó, đều đặn hằng tháng, ngư dân Đà Nẵng vẫn thẳng tiến Hoàng Sa để đánh bắt, dù gặp biết bao cản trở và sự xua đuổi của Trung Quốc.
“Suốt mấy chục năm qua, tôi cùng với các lao động đều quen thuộc ngư trường Hoàng Sa. Tuy không được đặt chân đến đảo nhưng nhìn Hoàng Sa rất thiêng liêng. Vì vậy, tôi không bao giờ bỏ ngư trường này, dù Trung Quốc có ra bao nhiêu điều luật cấm vận”, ông Phạm Hừng - anh cả trong đại gia đình 6 anh em ngư phủ nói.
Còn anh Phạm Thanh nói rằng, chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, các lao động đang được nghỉ ngơi để ra Tết sẽ bắt đầu một chuyến mới thẳng tiến đến ngư trường Hoàng Sa, dù ngày 1-1 vừa qua, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) thông qua dự thảo sửa đổi biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp, theo đó sẽ sử dụng các biện pháp xua đuổi, tịch thu tài sản, xử phạt hành chính đối với ngư dân nước ngoài hoạt động trong vùng nước do tỉnh này quản lý, trong đó có cả Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Chỉ có ra khơi mới khẳng định được chủ quyền biển đảo của Hoàng Sa Việt Nam!
Bài và ảnh: AN NHIÊN