.

Phải tạo bước đột phá trong xây dựng thể chế

.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ  tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ  đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 đã nhấn mạnh điều này khi chủ trì cuộc họp tổng kết của Ban Chỉ đạo, chiều 17-1, tại Hà  Nội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Báo cáo tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ: Trong quá trình tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ban Chỉ đạo đã nghiêm túc triển khai ngay từ đầu các nhiêm vụ được giao, bám sát kế hoạch của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Chính phủ, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.

Qua rà soát cho thấy, có nhiều nội dung của Hiến pháp sửa đổi đã được xây dựng trên cơ sở ý kiến của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Có được những kết quả nêu trên là nhờ sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt, ngay từ đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chủ động, nghiêm túc triển khai của Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc, cơ quan thường trực (Bộ Tư pháp), Văn phòng Chính phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cũng như sự tham gia tích cực của một số Bộ, ngành địa phương.

Để triển khai thi hành Hiến pháp, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan, ngày 18/1 tới (thứ 7) sẽ đưa ra Hội nghị triển khai công tác pháp chế 2014, lấy ý kiến hoàn thiện trình Chính phủ tại phiên họp tới để xem xét ban hành kế hoạch của Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp. Trong đó, tập trung vào các hoạt động chủ yếu như: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung mới của Hiến pháp; tổ chức rà soát, toàn diện, tổng thể các văn bản pháp luật; tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, các thiết chế xây dựng, thực thi, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật nhằm bảo đảm thực thi hiệu quả Hiến pháp sửa đổi…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo đã triển khai một khối lượng công việc rất lớn và phức tạp, nghiên cứu đề xuất các kiến nghị của Chính phủ đối với Đảng và Nhà nước về sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Việc tổng kết thi hành Hiến pháp và tổ chức lấy ý kiến tham gia đối với dự thảo sửa đổi đều được Chính phủ  tổ chức triển khai nghiêm túc, bài bản, khoa học, sáng tạo và bảo đảm đúng yêu cầu về nội dung, trình tự thủ tục và tiến độ theo yêu cầu của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Ngoài ra, Chính phủ còn chủ động nghiên cứu và đề xuất nhiều kiến nghị về các vấn đề Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương. Các báo cáo và nhiều kiến nghị của Chính phủ được Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu và đánh giá cao về tính nghiêm túc, trách nhiệm, bảo đảm đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

Số liệu tổng hợp cho thấy đã có hơn 28.000 cuộc hội thảo, hội nghị lấy ý kiến với 18 triệu lượt người tham gia ý kiến của tập thể, cá nhân. Đây là kết quả đầy ấn tượng, được đánh giá cao cả về khâu tổ chức lấy ý kiến và ý thức trách nhiệm tham gia của cán bộ, nhân dân vào sự kiện chính trị - pháp lý hệ trọng của đất nước.

Phó Thủ tướng nêu rõ, năm 2014 được xác định là năm phải tạo được bước đột phá mới trong xây dựng thể chế để huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước để thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế.

Với tinh thần này, Phó Thủ tướng tin tưởng, chúng ta sẽ tổ chức triển khai tốt Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về thi hành Hiến pháp với trọng tâm là rà soát, sửa đổi, bổ sung hàng trăm luật, pháp lệnh, hàng ngàn văn bản dưới luật cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, trong đó ưu tiên trước hết là văn bản về tổ chức bộ máy, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.

Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.