Ngày 15-1, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Khai mạc Hội nghị Tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), sáng 15-1. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa ra đời là sự kế thừa và phát triển quan điểm, đường lối phát triển văn hóa của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, thể hiện rõ năng lực tư duy lý luận, đúc kết thực tiễn những năm đầu đổi mới. Đây là Nghị quyết có tầm nhìn sâu rộng, chứa đựng các giá trị tư tưởng, nhân văn và khoa học, hết sức cần thiết, hợp lòng dân và sớm đi vào cuộc sống.
Nghị quyết đã chỉ ra ý nghĩa và phương hướng hành động nhằm bảo tồn phát triển nền văn hóa dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; ngăn chặn và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của sản phẩm lai căng, độc hại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; góp phần hình thành hệ giá trị chuẩn mực văn hóa của con người Việt Nam.
Nhận thức về văn hóa của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và nhân dân được nâng cao. Vai trò của văn hóa ngày càng thể hiện rõ và có tác động lớn trong đời sống kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng con người. Văn hóa được quan tâm hơn về chủ trương, chính sách, nguồn lực và ngày càng có sự gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng Đảng.
Trong 15 năm qua, môi trường văn hóa được cải thiện và có nhiều mặt tiến bộ; chú trọng xây dựng gia đình văn hóa, quan tâm văn hóa trong các doanh nghiệp, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Vai trò của cộng đồng được nâng lên trong đời sống xã hội.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa đã khai thác tốt hơn các nguồn lực của xã hội để phát triển văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Nhiều phong trào văn hóa đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Vai trò chủ thể văn hóa của cộng đồng từng bước được phục hồi. Các thiết chế văn hóa được xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau, đa dạng về sở hữu, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân.
Văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển, với dòng mạch chính là đề cao chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật hiện thực cuộc sống; có nhiều tìm tòi về đề tài, phương pháp sáng tác, thể nghiệm hình thức diễn đạt mới.
Công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản phát triển mạnh mẽ, nội dung thông tin đa dạng, phong phú, cơ sở vật chất kỹ thuật không ngừng được hiện đại hóa, tận dụng công nghệ mới.
Có tiến bộ bước đầu giữa kết hợp truyền thống và đương đại; giữa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã điều chỉnh một số bất cập, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước từng bước được nâng lên. Công tác chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra... trong hoạt động văn hóa đã có những chuyển biến, góp phần từng bước ngăn chặn sự xâm nhập của sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài.
Công tác đào tạo cán bộ và nguồn lực cho hoạt động văn hóa được quan tâm. Ý thức chính trị, trách nhiệm công dân của phần đông văn nghệ sĩ được phát huy.
Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa với khu vực và quốc tế được mở rộng, góp phần giới thiệu, tôn vinh văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng cho biết định hướng tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với mục tiêu chung là: Giải phóng mạnh mẽ năng lực sáng tạo của mọi người dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ nhằm đưa dân tộc Việt Nam phát triển và hạnh phúc; làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội; trở thành nền tảng vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển bền vững, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Chinhphu.vn