Chiều 19-2, thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, cả nước đã xuất hiện tới 64 ổ dịch tại 16 tỉnh và thành phố gồm: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Vĩnh Long.
Trong đó, các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long là những địa phương vẫn đang phát hiện ổ dịch mới, cho thấy dịch đang lây lan nhanh.
Cụ thể, tại Cần Thơ từ ngày 16-2 đến 19-2, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại phường Trường Lạc thuộc quận Ô Môn và phường Long Hòa thuộc quận Bình Thủy làm 500 con gia cầm mắc bệnh, tổng số gia cầm tiêu hủy là 700 con. Còn tại Vĩnh Long, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 7 hộ chăn nuôi thuộc 7 xã của 3 huyện là Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn và cả thị xã Bình Minh, làm 5.705 con gia cầm mắc bệnh, tổng số gia cầm tiêu hủy là 12.942 con.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, qua theo dõi cho thấy dịch cúm gia cầm không chỉ có nguy cơ lây lan từ gia cầm thải loại từ Trung Quốc mà còn có nguy cơ cao do lây lan từ khu vực biên giới Tây Nam. Do đó, các tỉnh ở ĐBSCL cũng cần tích cực ngăn chặn dịch bệnh.
Bộ Y tế cũng xác nhận 2 trường hợp mắc bệnh cúm A/H5N1 đều đã tử vong tại Bình Phước và Đồng Tháp. Kết quả giám sát tại 147 chợ buôn bán gia cầm sống tại 44 tỉnh, thành cho thấy tỷ lệ mẫu vịt (+) với virus cúm A/H5N1 gần 6%, tỷ lệ chợ có phát hiện virus A/H5N1 trên 61%. Ngoài ra, virus cúm A/H5N1 tồn lưu trong môi trường, đàn chim hoang, chim di trú cũng như việc nhập lậu gia cầm qua biên giới gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
SGGP