Sáng 25-2, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức tọa đàm: “Đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền dân chủ XHCN”.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày những tham luận về: Đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền dân chủ XHCN tại thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang; hệ thống chính trị và vị trí, vai trò các mối quan hệ của các thành tố của các hệ thống chính trị; vị trí, vai trò, tính chất của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay; Nhà nước pháp quyền và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay; vấn đề xây dựng và phát huy nền dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay…
Nhìn từ thực tiễn Đà Nẵng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng cho rằng, trước hết cần thấy hệ thống chính trị của nước ta là một thể thống nhất, vì thế việc đổi mới hệ thống chính trị của một địa phương không thể tách rời sự lãnh đạo, chỉ đạo chung của Trung ương, nhất là về phương diện cấu trúc tổ chức bộ máy theo nguyên tắc cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Trung ương… “Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là Đà Nẵng không có những cách làm sáng tạo để vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Trung ương lại vừa phù hợp với thực tiễn của địa phương mình”, ông Tiếng khẳng định.
Dẫn chứng cho điều này, ông Tiếng cho rằng, trong thời gian qua cấp ủy không chỉ ra chỉ thị, nghị quyết mà phải biết lãnh đạo quá trình tổ chức thực hiện để những chỉ thị, nghị quyết sớm vào lại cuộc sống chứ không phải đi vào cuộc sống, được cuộc sống chấp nhận. Đà Nẵng đã sớm nghĩ đến việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị cấp phường, xã và đã giải quyết khá thành công vấn đề này, góp phần đổi mới hệ thống chính trị ở cấp gần dân nhất. Năm 2009, Đà Nẵng đã thí điểm thành công chủ trương của Trung ương về việc không tổ chức HĐND quận, huyện và phường, tạo tiền đề rất cơ bản để sắp đến đây nếu được Bộ Chính trị và Quốc hội đồng ý sẽ tiếp tục thí điểm mô hình “Chính quyền đô thị”… Về xây dựng Nhà nước pháp quyền, theo ông Bùi Văn Tiếng, điểm mấu chốt nhất của vấn đề đổi mới là bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật, là sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật…
Nói về vị trí, vai trò, tính chất của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An cho rằng: “Chỉ có Mặt trận đã được Điều 9 Hiến pháp định rõ: Đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đây là chức năng của Mặt trận đã được Hiến định và trong hệ thống chính trị chỉ có Mặt trận được xác định là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân”. Theo ông Nguyễn Đình An, đây là một điểm mới phải cần nghiên cứu sâu và có kế hoạch áp dụng trong thực tiễn.
Những ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm sẽ được đoàn công tác của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp, báo cáo với Ban Chỉ đạo để chuẩn bị cho việc tổng kết lý luận 30 năm đổi mới trong thời gian tới.
ĐOÀN LƯƠNG