(ĐNĐT) - “Người vi phạm hoàn toàn có quyền giám sát trong quá trình xử phạt. Nếu phát hiện sai phạm và người dân có chứng cứ rõ ràng thì họ có thể tố cáo các hành vi tiêu cực của CSGT” - Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố Đà Nẵng khẳng định vấn đề liên quan đến dự thảo (lần 1) Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Việc nộp phạt trực tiếp cho CSGT sẽ tạo thuận lợi cho người dân trong việc rút ngắn thủ tục, thời gian. |
PV: Dự thảo (lần 1) Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đang có nhiều ý kiến trái chiều khi đề xuất cho phép người vi phạm nộp phạt trực tiếp cho CSGT thay vì đến kho bạc như hiện nay. Theo ông, nếu quy định này được triển khai, sẽ có những thuận lợi gì cho CSGT và người dân?
Đại tá Nguyễn Đến. |
Đại tá Nguyễn Đến: Theo quan điểm của tôi, dự thảo Thông tư này hoàn toàn phù hợp với các Luật và Nghị định của Chính phủ. Thực tế chỉ là quy định cụ thể hơn và rõ ràng hơn cho lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp dễ thực hiện mà thôi. Còn với người dân, nếu vi phạm, họ cũng sẽ bớt được nhiều thời gian, thủ tục hơn.
Tôi ví dụ, một người từ Quảng Nam hay nơi khác đến Đà Nẵng vi phạm luật giao thông. Nếu vi phạm đó trong hành vi đơn giản thì sau khi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tiến hành nhắc nhở, nói rõ hành vi vi phạm và ra quyết định xử phạt thì người đó có thể nộp phạt trực tiếp. Còn như trường hợp người vi phạm nếu không mang theo tiền thì vẫn có thể nộp phạt qua kho bạc. Nếu theo quy trình bình thường, người vi phạm phải đến cơ quan Công an nơi ra quyết định xử phạt, nhận giấy xử phạt xong mới ra kho bạc nộp tiền phạt. Sau khi có giấy nộp phạt của kho bạc, mới về nhận lại giấy tờ. Quy trình này mất nhiều thời gian.
Trong dự thảo thông tư lần này, quy định việc nộp phạt tại chỗ sẽ áp dụng cho người vi phạm ở những vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đi lại khó khăn. Các cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ trên đường phát hiện vi phạm mà trong thẩm quyền xử phạt của mình thì không cần lập biên bản mà ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và ghi biên lai để phạt, tạo điều kiện cho người dân khi vi phạm đỡ phải đến kho bạc nộp phạt. Vì thế, theo tôi, việc đưa ra quy định này là nằm trong chủ trương thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người vi phạm bởi họ không phải đi lại nhiều nơi, mất nhiều thời gian.
PV: Một số ý kiến băn khoăn, việc CSGT thu tiền trực tiếp dễ xảy ra tiêu cực vì nhiều người vi phạm “xin” nộp tiền phạt không đúng với lỗi vi phạm. Hơn nữa, công việc của CSGT là quản lý trật tự giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân, chứ không phải là thu ngân. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Đại tá Nguyễn Đến: Những ý kiến của dư luận đối với lực lượng CSGT thì lâu nay vẫn còn nhiều. Tất nhiên, cũng có một số khả năng xảy ra khi một số người vi phạm có ý “xin” các cán bộ, chiến sĩ để được chuyển sang lỗi vi phạm nhẹ hơn. Tuy nhiên, chúng tôi thường xuyên quán triệt nghiêm túc đối với lực lượng thực thi công vụ phải làm đúng theo quy định.
Còn khi ra quyết định xử phạt thì phải có biên lai thu tiền nên việc thu tiền là mang tính khách quan. Do đó, tiêu cực từ việc thu tiền theo tôi khó xảy ra vì quyển biên lai xé bao nhiêu tờ kho bạc sẽ đếm đủ bấy nhiêu tờ. Không có chuyện anh cầm tiền mà không đưa biên lai hay không thể anh xử phạt họ 400.000 đồng mà anh chỉ xé biên lai có 200.000 đồng được. Hành vi vi phạm ra sao thì ra quyết định xử phạt như vậy. Người vi phạm hoàn toàn có quyền giám sát trong quá trình xử phạt. Nếu phát hiện sai phạm và người dân có chứng cứ rõ ràng thì họ có thể tố cáo các hành vi tiêu cực của CSGT.
PV: Được biết, trước đây Bộ Công an từng cho phép CSGT được viết biên lai xử phạt trực tiếp người vi phạm giao thông, sau đó vì phát sinh tiêu cực nên việc này dừng lại. Nếu lần này, dự thảo quy định đó được thực hiện, theo ông, những người đứng đầu ngành CSGT cần làm gì để hạn chế tiêu cực và giữ hình ảnh đẹp của lực lượng CSGT?
Đại tá Nguyễn Đến: Mặc dù mới là dự thảo, nhưng sau này khi chính thức được ban hành, chúng tôi sẽ quán triệt lực lượng làm nhiệm vụ một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ lên kế hoạch, phương án cụ thể nhằm kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh hoạt động của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường. Hằng tuần, đơn vị sẽ tiến hành kiểm kê, kiểm soát tất cả các trường hợp xử lý.
Mỗi ngày sẽ tiến hành kiểm tra lực lượng làm nhiệm vụ. Cũng có thể kiểm tra theo kế hoạch, theo chuyên đề nhưng cũng có thể tiến hành kiểm tra đột xuất. Các ngành chức năng khác cũng sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ. Tất nhiên, nếu phát hiện bất cứ hành vi sai phạm của cán bộ, chiến sĩ nào, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm túc theo quy định của ngành.
Xin cảm ơn ông!
Những trường hợp có thể áp dụng nộp phạt trực tiếp cho CSGT Điều 4. Thủ tục xử phạt Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thực hiện theo quy định tại Mục 1, Chương III phần thứ II Luật xử lý vi phạm hành chính, trong đó cần lưu ý: 1. Trường hợp hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức (mức tối đa của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó), xảy ra ở trên tàu khi đoàn tàu đã rời ga; ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc xảy ra ngoài giờ hành chính thì sau khi yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; nếu hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh, thuộc thẩm quyền xử phạt của mình, thì được ra ngay quyết định xử phạt vi phạm hành chính. 2. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt. 3. Việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính. (Trích Dự thảo Thông tư Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) |
Đắc Mạnh (thực hiện)
.