.
Gặp gỡ đầu năm

Sức trẻ tuổi Ngọ: Khát vọng cống hiến

.

Là những người cùng tuổi “ngựa”, họ tự nhận mình có cá tính và không chịu ngồi yên. Mỗi người đều có một động lực để theo đuổi con đường đã chọn trong cuộc sống, nhưng dường như hoài bão và khát vọng cống hiến luôn cháy bỏng...

Anh Trà Thanh Quang (sinh năm 1978, Bí thư Đoàn khối Các cơ quan thành phố):

Tình nguyện đến với tôi như số mệnh của tuổi con ngựa

 

Vừa trở về từ chuyến đi giao lưu thanh niên Việt - Trung hồi tháng 11, anh tiếp tục đại diện cho Đoàn khối ra Hà Nội nhận giải thưởng “Tình nguyện quốc gia năm 2013” (chương trình Tình nguyện Liên Hiệp Quốc và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức). Trà Thanh Quang không nói nhiều về mình mà chỉ tự nhận là người máu lửa với công tác tình nguyện. Anh tâm sự: “Từ khi mới vào Đoàn, tôi đã rất thích tham gia các hoạt động xã hội. Được tuyển vào làm cán bộ Đoàn, với tôi là một niềm hạnh phúc. Tôi thích được đi đây đi đó, thích được tìm hiểu về cuộc sống của người dân và hoạt động tình nguyện đến với tôi như một số mệnh của người tuổi con ngựa”.

Trong vai trò là người thủ lĩnh, điều hành các chương trình hoạt động của thanh niên Đoàn khối, anh đã “ẵm” về cho tập thể và cá nhân nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Đoàn và thành phố. Bao nhiêu chuyến tình nguyện là bấy nhiêu lần bước chân anh đi qua hầu hết các thôn xóm, làng, xã ở Đà Nẵng, các huyện vùng núi, vùng sâu ở tỉnh Quảng Nam. Và hai năm trở lại đây là tham gia tình nguyện tại nước bạn Lào. Mỗi chuyến đi mang lại nhiều kỷ niệm, nhưng anh không khỏi trăn trở mình phải làm gì cho người dân, phải làm điều gì có ý nghĩa đối với cuộc sống. “Sau này còn sức tôi vẫn tiếp tục những chuyến đi tình nguyện như thế, có lẽ do cầm tinh tuổi ngựa hay đi! Với thanh niên không cách giáo dục nào tốt hơn là cho họ được đi, được thấy, được chia sẻ những khó khăn của nhân dân.  Những con số, những chuyến đi, tổng kinh phí trong các báo cáo, tôi cho là không giá trị bằng sự nhận thức, những dòng cảm nghĩ mà các bạn tình nguyện viên đã để lại trong “Nhật ký tình nguyện” mà chúng tôi đang lưu giữ ở Đoàn khối”, anh Quang thổ lộ.

Chị Phạm Thị Kiều Nga (sinh năm 1978, Giám đốc Công ty TNHH Tùng  Lâm):

Tuổi Ngọ nên rất mạnh mẽ

 

Khẳng định mình là người có năng lực và tố chất kinh doanh, nữ doanh nhân xinh đẹp khiến cho nhiều người thán phục bởi sự mạnh mẽ, quyết đoán. Lĩnh vực chị gắn bó và xem nó như máu thịt của mình đó là trang trí nội thất. Khởi đầu với vốn liếng ít ỏi nhưng đến nay, sau 10 năm Tùng Lâm là một trong những doanh nghiệp ở địa phương có doanh thu và lợi nhuận khá tốt. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là thiết kế và thi công nội thất cho các công trình cả nước khiến chị phải thường xuyên đi xa. Nhiều lúc muốn ở nhà để nghỉ ngơi cũng không thể được. Niềm đam mê mãnh liệt trong lĩnh vực mà mình yêu thích đã đem đến cho chị niềm hạnh phúc lớn lao. “Dù có giai đoạn khó khăn về vốn liếng, nhân lực và chèo lái con thuyền doanh nghiệp đến mệt nhoài, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bỏ cuộc. Tôi hài lòng với những gì mình tạo dựng và rất yêu nghề, xem nó là máu thịt gắn bó trong tôi”, Kiều Nga tâm sự. Quan tâm nhiều đến công việc, luôn có sự tìm tòi đổi mới tư duy tạo sự khác biệt, theo chị đó là cách để tồn tại và đánh bật đối thủ cạnh tranh.

Chị bảo mình tuổi Ngọ nên rất mạnh mẽ. Cái tính cách mạnh mẽ cứng rắn ấy phải chăng là sự phân định rạch ròi giữa cái chung và cái riêng. Chị vừa đại diện cho Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng nhận Giải thưởng thanh niên tiêu biểu “Khi Tổ quốc cần” của Hội LHTN Việt Nam.

Chị Dương Thùy Trâm (sinh năm 1990, giảng viên Tổ Báo chí, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm - ĐH Đà Nẵng):

Cuộc sống như cái cây đang lớn

 

Là sinh viên ưu tú có thành tích học tập đáng nể trong suốt 4 năm ngồi ghế Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Dương Thùy Trâm được hội đồng nhà trường giữ lại làm giảng viên. Được công tác ngay tại nơi mình được đào tạo, đối với cô gái 24 tuổi là một vinh dự, tự hào xen lẫn những cảm xúc đặc biệt. Tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng cô giảng viên này đã cho người đối diện một cảm nhận khó quên về sự chững chạc. Yêu công việc của một nhà báo nhưng lại chọn nghiệp đứng trên bục giảng. Đối với Trâm, đi dạy là một lựa chọn yêu thích ngay khi còn bé và viết báo cũng là một đam mê, phù hợp với sở thích và cá tính bản thân. Công việc viết lách đòi hỏi những trải nghiệm thực tiễn mà đây cũng là yếu tố bổ trợ đắc lực, thuận lợi trong công tác nghiên cứu, giảng dạy báo chí ở trường. 

“Về dự định tương lai, tôi đang phấn đấu nỗ lực để được đi du học. Đây là ước mơ luôn ấp ủ của bản thân tôi khi còn bé. Được bước ra bên ngoài sẽ giúp tôi lĩnh hội những kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và hoàn thiện bản thân để trở về phục vụ công tác giảng dạy - nghiên cứu, góp phần vào việc phát triển đào tạo ngành báo chí tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). Mỗi năm là một mùa hoa nở. Cuộc sống như cái cây đang lớn. Bởi vậy, tôi luôn giữ được niềm tin và bầu nhiệt huyết trong công việc và cuộc sống. Giữ được ngọn lửa nhiệt huyết là một trong những điều rất quan trọng dẫn lối đến thành công và hạnh phúc trong cuộc đời”, Trâm bộc bạch.

Thiếu tá Mai Xuân Dương (sinh năm 1978, Phòng Cảnh sát Bảo vệ an ninh chính trị nội bộ - PA83 CATP):

Cho người lầm lỡ một cơ hội để không đánh mất tương lai

 

Cơ duyên đến với ngành Công an của anh chỉ là tình cờ chứ không có sự vạch sẵn trong đầu. Thi đậu cùng lúc 4 trường đại học, nghề “hot” anh chọn thời đó là hóa dầu lại không có tiền đi học, trong khi theo ngành an ninh lại được Nhà nước đài thọ chi phí. Sự lựa chọn của anh khi đó là làm sao giúp cho gia đình mình bớt đi một gánh nặng. Công việc của một điều tra viên Công an quận Liên Chiểu (trước khi anh về PA 83 - Công an thành phố) khiến anh tiếp xúc với nhiều đối tượng, nhiều thành phần bất hảo... “Chính họ đã cho tôi cái nhìn bao dung hơn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xã hội”, anh thổ lộ. Trong câu chuyện của người trong cuộc, chỉ đơn giản là những vụ án điều tra giết người, buôn bán ma túy, mại dâm, mất cắp… nhưng là một công việc rất phức tạp đòi hỏi người chiến sĩ như anh phải luôn xử trí khéo léo.

Với cương vị của một thiếu tá trẻ, anh mong muốn làm sao để tham mưu được nhiều nội dung thiết thực, tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả, góp phần đẩy lùi cái xấu. Trong đó là đề cao công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong xã hội với mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Bởi thực tế những gì diễn ra hằng ngày yêu cầu những chiến sĩ Công an phải có các biện pháp xử lý hiệu quả. Vấn đề cốt lõi là cảm hóa các đối tượng vi phạm, giúp họ nhận ra vấn đề để sửa chữa, điều chỉnh bản thân mình hơn là giáo dục cưỡng bức. “Tôi cũng từng là một đứa trẻ nghèo và mồ côi phải làm đủ thứ việc để có đủ tiền đi học. Biết đâu nếu không có sự giúp đỡ của mọi người thì có khi cuộc đời bước sang ngã rẽ nào đó. Tôi nghĩ mỗi người vi phạm pháp luật đều ở trong hoàn cảnh khác nhau. Pháp luật là pháp luật nhưng cũng cần có tình người nếu không sẽ chặt đứt con đường phía trước. Hãy cho họ cơ hội để không đánh mất tương lai”, anh Dương tâm sự.

DUYÊN ANH thực hiện

;
.
.
.
.
.