ĐNĐT - Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, hay tham gia công tác tình nguyện với nhiều lý do khác nhau, nhưng điểm chung ở các bác sĩ trẻ của Đà Nẵng là muốn góp một phần nhỏ công sức của mình cho xã hội bằng tấm lòng nhân ái và tinh thần “tình nguyện là sẻ chia và cống hiến”.
Bác sĩ Trần Thế Tạo, Khoa Nhi Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng: “Tình nguyện là trách nhiệm lớn lao”
Với bác sĩ Trần Thế Tạo khám bệnh tình nguyện cho các em nhỏ |
Sinh năm 1979, là con thứ 5 trong gia đình nhà nông có 6 anh chị em quê ở Thăng Bình (Quảng Nam), chỉ duy nhất một mình Trần Thế Tạo theo nghề bác sĩ mà anh đam mê từ nhỏ. Năm 2008, anh nhận công tác tại khoa Nhi, Bệnh viện Đà Nẵng (bây giờ là Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng). Với anh, công tác tình nguyện cũng như một niềm vui, niềm đam mê để anh - bằng chuyên môn của mình - giúp đỡ các em nhỏ bất hạnh, kém may mắn trong xã hội có thêm nghị lực trong cuộc sống.
Anh tâm sự, việc anh gắn bó và coi tình nguyện như niềm đam mê bắt đầu từ câu chuyện cảm động về nhiều hoàn cảnh của các em nhỏ mồ côi, bị bỏ rơi hiện sinh sống tại các nhà thờ, chùa… mà anh từng nghe và được gặp. Chính với băn khoăn “khi khỏe mạnh thì các em này vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, còn lúc khó khăn, trở gió mà không may đau ốm sẽ càng cực gấp bội” nên anh gắn bó với công tác tình nguyện như cách nhanh nhất, đơn giản nhất để có thể giúp đỡ các em.
Sau đó, anh nghe được thông tin từ báo chí nói về hoạt động đầy tính nhân văn của tổ chức có tên “Nhà của bố” (một tổ chức phi chính phủ, trụ sở tại đường Lương Nhữ Hộc, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Biết tổ chức này bên cạnh việc giúp đỡ không ít các bà mẹ trẻ (dưới 26 tuổi) lẫm lỡ có điều kiện sinh con, nuôi con và học đại học, cao đẳng, học nghề để có công việc ổn định, có khả năng nuôi được con mình…, họ còn có một cơ sở khác ở Đà Nẵng hiện đang nuôi dưỡng hàng chục em nhỏ mồ côi. Lập tức, bác sĩ Tạo đã chủ động liên hệ để xin được làm bác sĩ tình nguyện viên thường xuyên với nhiệm vụ chủ yếu là giúp đỡ về chuyên môn thông qua cách tư vấn từ xa, tư vấn về dinh dưỡng cho các em.
“Khi có em nào đau ốm, tôi sẵn sàng giúp đỡ bất cứ lúc nào”, bác sĩ trẻ nói và cho biết, anh luôn đau đáu một điều rằng “nếu kinh tế gia đình mình khá giả hơn, mình có thể hỗ trợ thêm được ít nhiều cho các em”. Song trước mắt, anh sẽ nỗ lực làm tốt nhất nhiệm vụ của mình là một đầu mối thường xuyên đứng ra kêu gọi thêm sự đóng góp của các nhà hảo tâm để giúp đỡ được nhiều em nhỏ khó khăn, mồ côi.
Ngoài ra, dù công việc chuyên môn luôn bận rộn song anh cũng luôn tự chủ động sắp xếp thời gian và không ngại khó khăn để có thể tham gia các chuyến đi khám, chữa bệnh miễn phí, từ thiện, đi cứu trợ... cùng với các tổ chức đến những vùng vùng sâu, vùng xa, những nơi còn nhiều khó khăn về y tế.
Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang: “Chúng tôi như những cây cầu nối”
Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh trong một lần khám chữa bệnh tình nguyện cho người dân của huyện Phú Ninh (Quảng Nam). |
Chúng tôi có hẹn trước và nhận được cuộc gặp “tranh thủ” với vị bác sĩ trẻ tuổi này vào giữa buổi trưa sau khi cuộc họp anh tham dự vừa kết thúc. Với vẻ bề ngoài nhanh nhẹn cùng nụ cười luôn nở trên môi, trông anh còn khá trẻ so với tuổi 39 của mình. Khi nhắc tới những kỷ niệm trong những lần tham gia đoàn tình nguyện khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa do Hội Thầy thuốc trẻ thành phố Đà Nẵng tổ chức, khuôn mặt anh hào hứng hẳn.
Tốt nghiệp Đại học Y Huế năm 1999, vị bác sĩ trẻ quê Điện Bàn (Quảng Nam) về nhận công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng theo diện thu hút nhân tài của thành phố. Anh tâm sự, được làm việc ở một bệnh viện trung tâm thành phố với nhiều điều kiện thuận lợi và có uy tín lớn ở khu vực miền Trung đã giúp anh có nhiều cơ hội trao đổi và nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Tuy nhiên, ngay khi Trung tâm y tế huyện Hòa Vang được thành lập, với tâm huyết và trách nhiện, sự xông xáo của tuổi trẻ và với mong muốn “được đóng góp một phần nhỏ kinh nghiệm của bản thân vào việc phát triển y tế cho người dân ở vùng ngoại thành Đà Nẵng này”, anh đã vui vẻ nhận nhiệm vụ tại đây.
Anh tâm sự, tất cả cũng bắt đầu từ các chuyến công tác tình nguyện mà anh tham gia từ khi ra trường tới nay bởi theo anh: “mỗi một chuyến đi về những vùng sâu, vùng xa càng giúp tôi hiểu rõ hơn cuộc sống vất vả, khó khăn của những người dân nơi đây”. Vì thế, ngoài công tác quản lý, công tác chuyên môn thì hầu như anh đều tham gia đầy đủ các chuyến tình nguyện do Hội Thầy thuốc trẻ Đà Nẵng tổ chức. “Mình chủ yếu giống như cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm với người bệnh nghèo mà thôi”, bác sĩ Vĩnh khiêm tốn.
Nguyễn Đại Vĩnh luôn tâm đắc với những chuyến công tác khám, chữa bệnh miễn phí ở vùng sâu, vùng xa với tinh thần “tình nguyện là sẻ chia và cống hiến”. “Bởi vậy, dù vất vả đến mấy chúng tôi vẫn rất vui”, bác sĩ Vĩnh nói.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Nghĩa, Khoa thăm dò chức năng cận lâm sàng, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng: "Tình nguyện như một sự đam mê"
Bác sĩ Ái Nghĩa khám mắt cho bệnh nhân của tỉnh Attapeu (lào) trong chuyến tình nguyện hồi năm 2013 vừa qua. |
Sinh năm 1976 trong gia đình có ba mẹ đều công tác tại Bệnh viện Quảng Ngãi nên từ nhỏ, bác sĩ Ái Nghĩa đã có niềm đam mê và yêu thích ngành y.
“Từ những hoạt động tình nguyện như: Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng thời sinh viên đến những đợt khám bệnh phát thuốc miễn phí…, những người trẻ như tôi học được rất nhiều điều. Quan trọng nhất là mình có cơ hội chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn”, nữ bác sĩ trẻ bộc bạch.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Y Huế, năm 2002, chị về công tác tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cũng theo diện thu hút nhân tài của thành phố. Tại đây, bên cạnh việc học hỏi, trau dồi về chuyên môn, nữ bác sĩ trẻ này vẫn thể hiện nhiệt huyết của tinh thần tình nguyện với việc tham gia khá thường xuyên và đầy đủ những chuyến đi khám bệnh, phát thuốc miễn phí do cơ quan, chi đoàn, Đoàn khối Các cơ quan thành phố… tổ chức.
“Hầu như hễ có các đợt tình nguyện là tôi đều sắp xếp thời gian để tham gia. Cũng may là chồng tôi làm cùng ngành (chồng chị là bác sĩ của Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng - PV) nên anh ấy thấu hiểu, ủng hộ và rất chia sẻ với công việc này của tôi. Nó cũng là động lực để tôi có thể thoải mái tinh thần trong các chuyến đi tình nguyện xa nhà, xa chồng con”, bác sĩ Nghĩa tâm sự.
“Kỷ niệm chuyến đi làm tôi nhớ nhất có lẽ là lần “xuất ngoại” cùng đoàn tình nguyện của Đà Nẵng đi mổ mắt cho người dân của tỉnh Attapeu (Lào) năm ngoái. Chứng kiến cảnh rất đông người dân nghèo ở đây đến và chờ đợi được khám từ rất sớm khiến tôi rất cảm động. Đặc biệt là qua chuyến đi này tôi mới thấy, việc tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ở tỉnh Attapeu còn rất thấp. Người dân muốn đi khám hay phẫu thuật cũng đều rất khó khăn. Riêng về chuyên khoa mắt thì cả tỉnh không có một bác sĩ nào. Đó là sự thiệt thòi lớn. Vì thế, chuyến đi này đã cho tôi thấy công việc của mình có ý nghĩa và nó luôn thôi thúc tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa với màu áo blouse của mình”, bác sĩ Ái Nghĩa xúc động chia sẻ.
Đắc Mạnh