.

Mô hình Chính quyền đô thị Đà Nẵng: Tập trung 5 đột phá chiến lược

.

ĐNĐT - Ngày 21-2, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị góp ý Dự thảo Đề án thí điểm mô hình Chính quyền đô thị (CQĐT) thành phố Đà Nẵng.

Tham dự hội nghị, có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương. Về phía lãnh đạo địa phương, có đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, cùng tập thể Ban Thường vụ Thành ủy và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua, tạo tiền đề cần thiết cho việc xây dựng chính quyền đô thị.
Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua, tạo tiền đề cần thiết cho việc xây dựng chính quyền đô thị. Ảnh: Internet

Đủ tiền đề cần thiết để hình thành Chính quyền đô thị

Báo cáo dự thảo đề án thí điểm mô hình CQĐT, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến, cho biết Đà Nẵng đã và đang có sẵn những tiền đề quan trọng cho việc hình thành CQĐT.

Tỷ lệ đô thị hóa hiện nay trên 87%, dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ này đạt 92%. Việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường từ năm 2009 đến nay bảo đảm cho chính quyền các cấp tại Đà Nẵng hoạt động ổn định, thông suốt; quyền làm chủ của công dân cơ bản được duy trì. Người dân và cộng đồng doanh nghiệp thành phố hài lòng với cách thức phục vụ của chính quyền về chất lượng dịch vụ công.

Nhờ ứng dụng tốt các phương thức quản lý mới, hiện đại, từ năm 2006 đến năm 2012, Đà Nẵng luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu và có chỉ số tốt về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin; chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh… Nhiều mô hình mới, cách làm mới về quản lý đô thị trong điều kiện đặc thù của Đà Nẵng được đánh giá tốt, có hiệu quả như: thực hiện tập trung, thống nhất cách quản lý đối với các lĩnh vực đất đai, xây dựng, tổ chức các ban đền bù và giải tỏa, bố trí tái định cư thành phố; cung ứng dịch vụ công về đất đai; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính; hình thành trung tâm Hành chính tập trung, trung tâm một cửa…

Đây là những tiền đề chứng tỏ bước đi đúng hướng và sẵn sàng cho việc hình thành phương pháp quản lý Nhà nước theo mô hình đô thị hiện đại. Chủ tịch Văn Hữu Chiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị, phát huy cao nhất vai trò, vị trí của thành phố Đà Nẵng đối với khu vực và cả nước, nhu cầu nghiên cứu xây dựng CQĐT thích hợp được đặt ra nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới hành chính nước ta.

Đến năm 2020, dân số Đà Nẵng đạt mức khoảng 1,6 triệu người, trong đó dân số đô thị 1,3 triệu người. Đà Nẵng phấn đấu trở thành một thành phố có môi trường đô thị văn minh, giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện và an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống.

5 đột phá chiến lược

Chủ tịch Văn Hữu Chiến nêu những định hướng thiết kế mô hình CQĐT của Đà Nẵng. Trong đó, định hướng cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội với 5 đột phá chiến lược gồm: Phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch và thương mại; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực thi các chính sách xã hội giàu tính nhân văn; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với những hướng đi đột phá mạnh mẽ này, đề án xây dựng CQĐT của Đà Nẵng hướng đến việc nâng cao chất lượng sống của dân cư đô thị, chất lượng phục vụ của CQĐT và tạo động lực để phát triển nhanh kinh tế - xã hội thành phố.

Tuy nhiên, để các bước thực hiện CQĐT được thuận lợi, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến kiến nghị Trung ương phân cấp, ủy quyền cho thành phố về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thẩm quyền quy hoạch, kế hoạch và đầu tư; thẩm quyền quản lý tài chính - ngân sách; phân cấp quản lý bộ máy tổ chức Nhà nước và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền đô thị.

Ngoài ra, cho phép thành phố thành lập thanh tra đô thị gồm các ngành xây dựng, giao thông, môi trường…; quản lý lực lượng phòng cháy, chữa cháy hoặc thành lập sở về tình trạng khẩn cấp. Để thống nhất điều hành, quản lý thông suốt, thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị Chính phủ ủy quyền cho UBND thành phố quản lý trực tiếp đối với các cơ quan, đơn vị….

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Cần rà soát chặt chẽ nội dung đề án Chính quyền đô thị

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Bộ Chính trị đã cho phép Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là hai địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm mô hình CQĐT. Trước đó, từ năm 2009 đến nay, hai thành phố này đã áp dụng thí điểm việc không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương đã được các văn kiện của Trung ương đồng ý về mô hình mới phù hợp với nông thôn và đô thị. Ngày 13-3 tới, Bộ Chính trị sẽ nghe Chính phủ báo cáo về đề án CQĐT của Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trước khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị, việc xây dựng dự thảo Đề án CQĐT của TP Đà Nẵng là hết sức công phu, sáng tạo, khá đầy đủ, có tính đột phá cao ở nhiều lĩnh vực. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đà Nẵng phải nghiên cứu, xây dựng Đề án chính quyền đô thị hoàn chỉnh, đúng pháp luật và có tính khả thi cao, đảm bảo mục tiêu xuyên suốt phục vụ, nâng cao quyền, lợi ích cho người dân đô thị và tận dụng, khai thác tối đa hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn, có sức lan tỏa của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Mô hình CQĐT là nhằm tăng tính phân cấp tự quản, tự chủ, tăng sự sáng tạo, năng động và trách nhiệm, đảm bảo gắn chặt lợi ích của thành phố với quốc gia vào mục tiêu chung. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và thành phố Đà Nẵng cần nghiên cứu, rà soát, cân nhắc, giải trình rõ thêm các kiến nghị, đề xuất của thành phố để hoàn chỉnh vào cuối tháng 2-2014 trình Trung ương xem xét.

Dự thảo đề án thí điểm mô hình CQĐT thành phố Đà Nẵng gồm 4 phần chính: Thực trạng tổ chức chính quyền tại thành phố Đà Nẵng; Mô hình CQĐT thành phố Đà Nẵng; Tổ chức và hoạt động của các tổ chức đảng, mặt trận, đoàn thể và các cơ quan tư pháp trong CQĐT; Tổ chức thực hiện.

Riêng phần mô hình CQĐT Đà Nẵng có 8 nội dung quan trọng. Trong đó, nổi bật là các phần đặc điểm và yêu cầu quản lý Nhà nước đối với CQĐT; Mô hình CQĐT tại một số đô thị trên thế giới và tại thành phố Đà Nẵng qua các thời kỳ; Đổi mới về quan hệ công tác trong CQĐT; Đánh giá hiệu quả của việc triển khai mô hình CQĐT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng…

Việt Dũng

;
.
.
.
.
.