.

Mở ra các cơ hội hợp tác hạt nhân dân sự với Mỹ

.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Obama phê chuẩn Hiệp định Hạt nhân dân sự với Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Hữu Tấn (Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân, Bộ KHCN) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về các vấn đề liên quan.

Xin ông cho biết ý nghĩa của Hiệp định Hạt nhân dân sự (Hiệp định 123) giữa Việt Nam và Mỹ?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Đến nay, Việt Nam đã ký các Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự với Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ, Argentina.

Mỹ là nước thứ 8 Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác về hạt nhân dân sự.

Mỹ là quốc gia có nền hạt nhân tiên tiến với nhiều công nghệ nguồn. Hợp tác với Mỹ là một cơ hội tốt cho các nước nói chung, Việt Nam nói riêng trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực hạt nhân, đặc biệt trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Pháp cũng nhập khẩu công nghệ của Mỹ sau đó mới phát triển thành công nghệ của họ. Chính vì vậy, việc chúng ta hợp tác ngay với quốc gia có công nghệ nguồn là lợi thế lớn.

Việt Nam đang triển khai chương trình phát triển điện hạt nhân, trong đó có dự án nhà máy điện hạt nhân số 2 ký với Nhật Bản. Phía Nhật Bản cũng đề xuất một trong những công nghệ sử dụng cho nhà máy số 2 là lò nước áp lực kiểu AP 1000 của Westinghouse (Mỹ).

Để tiếp nhận được công nghệ này thì một trong những điều kiện tiên quyết là Hiệp định được ký giữa Việt Nam và HMỹ. Từ đó, các doanh nghiệp Mỹ mới có thể chuyển giao cho Việt Nam loại công nghệ nói trên.

Công nghệ AP 1000 thuộc thế hệ thứ 3, là công nghệ an toàn nhất hiện nay, áp dụng nguyên lý an toàn tự động, bảo đảm an toàn trong vận hành.

Chính vì vậy, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đàm phán với Mỹ từ 5 năm qua và ký tắt Hiệp định tại Brunei vào tháng 10-2013.

Ông có thể thông tin rõ hơn về nội dung của Hiệp định 123?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Về cơ bản, cũng giống như các Hiệp định hạt nhân dân sự khác, Hiệp định 123 (Hiệp định được đặt tên theo điều khoản số 123 về hợp tác hạt nhân với các nước, nằm trong Luật Năng lượng nguyên tử của Hoa Kỳ năm 1954), bao gồm các nội dung hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự (ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế-xã hội; phát triển điện hạt nhân; đào tạo cán bộ, pháp quy hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ…). Hiệp định tạo ra khuôn khổ pháp lý cho các cơ quan có liên quan của hai bên tiến hành các dự án hợp tác cụ thể và có các cam kết cụ thể của các bên liên quan đến vấn đề làm giàu uranium và tái chế.

Mỹ là nước phát triển trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, kể cả điện hạt nhân và các ứng dụng bức xạ trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường cũng như đào tạo phát triển nguồn nhân lực về năng lượng nguyên tử. Hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam tranh thủ được lợi thế trong phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình theo mục tiêu đặt ra trong Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt năm 2006.

Hiệp định sẽ được triển khai như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Hiệp định 123 tạo ra khuôn khổ pháp lý cho hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đầu mối triển khai Hiệp định này là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo kinh nghiệm triển khai ở một số nước, sau khi Hiệp định có hiệu lực, hai bên sẽ thành lập phân ban hợp tác. Tại các cuộc họp của phân ban, hai bên sẽ đề xuất những nội dung hợp tác cụ thể tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể và năng lực tiếp nhận.

Tại lễ ký kết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng Hiệp định mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Về phía Mỹ, giới công nghiệp hạt nhân gồm nhiều công ty, doanh nghiệp, kể cả công ty sản xuất chế tạo, thiết kế, lắp đặt, xây dựng và vận hành.

Theo đánh giá của doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam là thị trường lớn về điện hạt nhân nếu phát triển đúng theo định hướng của Chính phủ trong tương lai. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Mỹ.

Thưa ông, như vậy, Việt Nam sẽ là thị trường điện hạt nhân rất lớn trong tương lai?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Ở khu vực Đông Á, Nhật Bản đang có trên 50 tổ máy điện hạt nhân nhưng nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng không cao, nhất là sau sự cố Fukushima. Hàn Quốc có trên 20 tổ máy và nhu cầu năng lượng không “bức xúc” như Việt Nam.

Tại nước ta, nhu cầu năng lượng lớn. Theo quy hoạch của Chính phủ đến năm 2023, Việt Nam có 10.700 MW (tương đương với 10 tổ máy). Đến năm 2050, điện hạt nhân có thể chiếm tỷ trọng từ 20-50% sản lượng điện. Như vậy, có thể nói thị trường điện hạt nhân Việt Nam rất có triển vọng.

Trên cơ sở định hướng của Chính phủ, các doanh nghiệp Mỹ tin tưởng vào tiềm năng của thị trường điện hạt nhân ở Việt Nam.

Hiệp định có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ hai nước, thưa ông?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Tôi cho rằng sau khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác toàn diện trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, việc ký kết Hiệp định là dấu hiện cho thấy sự tin cậy, hiểu biết hơn trong quan hệ hai nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.