.

Mùa dịch cúm, thờ ơ với chim cảnh

.

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và đang có chiều hướng phức tạp. Trên địa bàn Đà Nẵng, đến thời điểm này, dịch cúm gia cầm vẫn chưa xảy ra. Các cơ quan chức năng mới chỉ tập trung vào phòng chống dịch ở gà, vịt, chim cút.

Những xe bán chim cảnh di động như thế này là nguồn lây dịch bệnh khó kiểm soát.
Những xe bán chim cảnh di động như thế này là nguồn lây dịch bệnh khó kiểm soát.

Song, một trong những tác nhân lây lan mầm bệnh là các loài chim cảnh vẫn chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Nhộn nhịp kẻ mua, người bán

Sáng 19-2, khảo sát ở nhiều tuyến đường trên địa bàn Đà Nẵng, chúng tôi ghi nhận các cơ sở mua bán chim cảnh vẫn hoạt động bình thường, người mua kẻ bán ra vào tấp nập. Tại một cửa hàng kinh doanh chim cảnh trên đường Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu), khách ra vào khá đông để chọn mua các loại chim sơn ca, chích chòe, chào mào… Ngoài ra, ở các tuyến đường khác cũng có nhiều cửa hàng kinh doanh chim cảnh hoạt động khá nhộn nhịp ở các địa chỉ như: cơ sở chim cảnh 75 Lê Độ, 565 Trần Cao Vân; cơ sở Long ở đường Điện Biên Phủ, Yến ở 130 Tôn Đức Thắng; chim cảnh Hòa Mỹ đường Tôn Đức Thắng; Tú Thông Thái 416 Tôn Đức Thắng; Hiền ở đường Tôn Đức Thắng.

Một chủ cơ sở kinh doanh chim cảnh trên đường Tôn Đức Thắng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho rằng, dịch cúm gia cầm xảy ra ở các tỉnh khác chứ có ở Đà Nẵng đâu mà sợ! Khi được hỏi chính quyền địa phương có nhắc nhở gì công tác phòng ngừa không, chủ cơ sở này nói: “Có thấy ai nói năng chi đâu mà phòng (!)”.

Ông Ngô Tiến Dũng, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh cho hay, do Đà Nẵng chưa xảy ra dịch cúm gia cầm nên hoạt động mua bán của các chủ cơ sở kinh doanh chim cảnh trên địa bàn vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, theo ông Dũng, trong những ngày đến, chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo trạm y tế phường kiểm tra, nhắc nhở để các chủ cơ sở kinh doanh chim cảnh không lơ là, chủ quan.

Hoạt động mua bán chim cảnh không chỉ sôi động ở các cơ sở kinh doanh chim cố định, trên nhiều ngả đường, cũng dễ dàng bắt gặp cảnh những người bán chim dạo dựng xe dưới lòng đường mời chào khách. Lúc 9 giờ ngày 19-2, tại góc đường Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Hữu Thọ (quận Hải Châu) có 5 phụ nữ dựng 5 xe máy chở chim cảnh nhốt trong chiếc lồng lớn chào mời khách. Trong những chiếc lồng di động này, có gần 100 con chim gồm các loài như: khướu, hồng yến, chào mào, chích chòe, sáo sậu, két… để khách tha hồ chọn lựa. Một phụ nữ bán chim cảnh ở đây cho hay, những chú chim trong lồng này được đánh bắt chủ yếu từ các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam.

Sẽ kiểm tra, nhắc nhở

Theo ông Bùi Trung Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), trên địa bàn phường có 2 cơ sở chuyên kinh doanh chim cảnh. Và để ngăn chặn dịch cúm gia cầm có thể xảy ra trên địa bàn, UBND phường Hòa Khánh Nam đã tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở không nhập thêm chim cảnh từ các nơi về buôn bán. Trong trường hợp phát hiện chim cảnh ở những cơ sở này có dấu hiệu chết do dịch bệnh, chính quyền địa phương sẽ cấp báo cơ quan chức năng đến xử lý.

Trao đổi với chúng tôi về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, nhất là nguy cơ lây truyền từ các loài chim trời, ông Cao Xuân Thái - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đà Nẵng - cho biết các loài chim cảnh do người dân săn bắt đem bán cũng là động vật cảm nhiễm với cúm, có khả năng lây lan dịch bệnh. Thế nhưng, đây là loài động vật hoang dã nên Chi cục Kiểm lâm thành phố là cơ quan quản lý về mặt Nhà nước. Còn về góc độ dịch bệnh thì Chi cục Thú y Đà Nẵng quản lý. Cũng theo ông Thái, dù đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố chưa xảy ra dịch cúm gia cầm, nhưng Chi cục Thú y Đà Nẵng sẽ tham mưu cho Sở NN&PTNT, UBND thành phố có biện pháp quản lý, kiểm soát nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, nhất là đối với những người buôn bán chim cảnh dạo trên đường phố.

Còn theo ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng, trong năm 2013, lực lượng kiểm lâm đã kiểm tra, bắt giữ 7 trường hợp, thu giữ 150 con chim các loại và thả ra môi trường tự nhiên. Trong thời gian đến, Chi cục Kiểm lâm thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp buôn bán chim dạo, nhằm góp phần phòng ngừa dịch cúm gia cầm có thể xảy ra.

Tăng cường kiểm soát dịch cúm gia cầm

Những ngày qua, cùng với việc tiêm phòng gia cầm, phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia cầm, Chi cục Thú y thành phố đã thành lập các tổ công tác, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh mua bán gia cầm tại các chợ trên địa bàn, kiên quyết xử lý tình trạng lén lút đưa gia cầm sống vào buôn bán, giết mổ tại các chợ khu vực nội thị. Theo ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố, đến ngày 19-2, tại chợ Mới, chợ Đống Đa, chợ An Hải Đông… không có tình trạng buôn bán gia cầm sống. Trong các khu dân cư, tình trạng giết mổ gia cầm nhỏ lẻ đã được phát hiện, xử lý. Riêng tại chợ Hòa Khánh, chủ trương đưa hoạt động kinh doanh gia cầm sống lên chợ Thanh Vinh, gần Khu công nghiệp Hòa Khánh, sẽ được Chi cục phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan xúc tiến trong thời gian sớm nhất. Hiện tại, lượng gia cầm buôn bán tại chợ này chỉ bằng khoảng 1/2 so trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.

Về kiểm soát việc vận chuyển gia cầm từ địa phương khác vào Đà Nẵng, ông Thiều Sáu, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Hòa Phước cho biết, mỗi ngày trạm kiểm dịch cho 2-3 ô-tô chở từ 1.000-1.200 con gia cầm vào thành phố. Toàn bộ số gia cầm trên đều có giấy kiểm dịch tại gốc. Sau khi phun thuốc tiêu độc, khử trùng phương tiện, trạm cấp giấy kiểm dịch mới để người vận chuyển đưa vào các lò giết mổ tập trung.

N.C

NGỌC ĐOAN - NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.