Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, như một giải pháp mạnh bên cạnh các giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân tại các TP này.
Thí điểm xe đạp công cộng
Du khách sử dụng xe đạp tại phố cổ Hội An. Điều này sẽ phổ biến ở các thành phố lớn trong thời gian tới - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Theo Văn bản 148 ngày 27-1 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý những phương thức vận tải tại các TP lớn, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng khối lớn theo đúng quy hoạch được duyệt, các bộ, ngành và UBND 5 TP trực thuộc Trung ương cần tập trung thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ mức độ phát triển và có lộ trình cụ thể nhằm hạn chế sử dụng các phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương. Khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng; tổ chức giao thông hợp lý theo hướng khai thác tối đa năng lực sẵn có của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các TP này chủ trì, phối hợp Bộ GTVT xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn; kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố; báo cáo HĐND TP xem xét, thông qua để làm cơ sở thực hiện; quy hoạch và xây dựng mạng lưới các cơ sở hậu cần phục vụ vận tải hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vận tải hàng hóa trong đô thị. Đặc biệt, 5 TP lớn phải xây dựng, phê duyệt và triển khai đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm.
Theo TS Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, một số doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng đầu tư tổ chức xe đạp công cộng, đề nghị bố trí ở quảng trường, vỉa hè các vị trí phù hợp, sử dụng thiết bị thông minh để quản lý. Người dân, khách du lịch bỏ một khoản tiền nhỏ để thuê xe và sẽ được cung cấp toàn bộ bản đồ vị trí các xe đạp này. “Vướng mắc lớn nhất là hạ tầng, vị trí để đặt xe, tuyến, làn dành cho xe đạp và cơ chế thực hiện. Nhưng các nhà đầu tư cho biết để khắc phục có thể bắt đầu từ các điểm có thể sử dụng chung xe đạp với các phương tiện khác như khu vực phố cổ tại Hà Nội, hay quận 1 tại TP.HCM. Có nhiều ý kiến cho rằng xe đạp lạc hậu, ách tắc giao thông. Quan điểm của chúng tôi là khuyến khích sử dụng xe đạp, đưa ra nhiều phương thức di chuyển cho người dân lựa chọn, chứ không bắt buộc phải đi xe đạp”, ông Hùng nói.
Kiểm soát sử dụng thay vì cấm xe cá nhân
Trước đó, tại tờ trình Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các TP lớn ở VN cuối năm 2013, Bộ GTVT đưa ra các mục tiêu cụ thể cho việc phát triển vận tải công cộng tại các TP lớn, bên cạnh việc quản lý, kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân. Trong đó, việc kiểm soát xe cá nhân được giải quyết bằng các biện pháp như thực hiện phân luồng, kiểm soát sử dụng phương tiện trên một số tuyến phố theo giờ nhất định trong ngày và ngày nhất định trong tuần; áp dụng nhiều mức thu phí trông giữ phương tiện cơ giới theo hướng giảm dần từ trung tâm ra bên ngoài, tăng dần theo mật độ giao thông. Nghiên cứu, thí điểm dự án chuyển đổi phí trông giữ xe thành giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực nội thành TP…
Theo đề án, Bộ GTVT đề xuất UBND các TP lớn xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện áp dụng phù hợp tại địa phương, báo cáo Chính phủ trong quý 3/2014, nếu chấp thuận sẽ thông qua HĐND TP. Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết tới thời điểm này, Hà Nội vẫn chưa triển khai việc xây dựng đề án chi tiết, bởi còn chờ đề án chính thức của Bộ GTVT được Chính phủ thông qua. Theo TS Khuất Việt Hùng, nếu đề án của Bộ GTVT được Chính phủ thông qua, sẽ tạo khung định hướng chính để các TP xây dựng đề án chi tiết phù hợp với địa phương mình, và nếu được hoàn thiện trong quý 3/2014 sẽ kịp trình HĐND TP vào cuối năm 2014 để có thể áp dụng từ đầu năm 2015.
“Trong đề án, Bộ GTVT không đặt vấn đề liên quan đến sở hữu phương tiện cá nhân như hạn chế đăng ký phương tiện mới, mà chỉ tập trung vào việc quản lý, kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân”, ông Hùng nhấn mạnh. Đề án cũng đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân từ 80% hiện nay xuống còn 55% vào năm 2020. Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn với tỷ lệ này, bởi việc phát triển phương tiện công cộng, phương tiện phi cơ giới sẽ chưa thể đáp ứng được tỷ lệ sử dụng tới 25%. Tuy nhiên, TS Khuất Việt Hùng cho rằng việc giảm 25% tỷ lệ này hoàn toàn có thể khả thi, vì đã xem xét trên lộ trình thực hiện các quy hoạch chung như đường sắt đô thị, xe buýt nhanh... tại các TP lớn.
Theo Thanh niên